Trong khi vụ tai nạn máy bay Airbus A320 ở Pháp vẫn còn khiến thế giới bàng hoàng, ngành hàng không dân dụng quốc tế lại liên tiếp gặp phải các sự cố nguy hiểm trong mấy ngày qua.
Chỉ riêng trong ngày hôm qua (9/4), đã có tới hai sự cố nguy hiểm đối với máy bay dân dụng. Cụ thể, một người phát ngôn sân bay của Ai Cập ngày hôm qua cho hay một máy bay chở 232 du khách Nga và 9 thành viên phi hành đoàn đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay ở Sharm el-Sheikh, một khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, do một động cơ bị trục trặc.
Máy bay này, đang trong hành trình đến Ufa - thủ phủ nước Cộng hòa Bashkiria thuộc Nga, đã phải xả bớt nhiên liệu trong 2 giờ đồng hồ trước khi hạ cánh. Các đơn vị tại sân bay Sharm el-Sheikh đã được đặt trong tình trạng báo động. Hàng chục xe cứu hỏa và cứu thương đã được điều động để chờ máy bay hạ cánh.
Cụm bánh máy bay bị văng ra ngoài và nằm chỏng chơ trên sân bay
Cùng ngày, một chiếc Boeing 737 đã bị rụng bánh khi đáp xuống đường băng ở sân bay East Midlands, Vương quốc Anh. Giới chức sân bay cho hay, chiếc Boeing 737 gặp nạn chở 10 tấn hàng, bao gồm các loại hàng hóa nguy hiểm. Nó cất cánh từ Athens, Hy Lạp. Sự cố khiến máy bay trượt 116 m trên đường băng sau đó ngừng lại. Các phi công không bị thương trong tai nạn.
Chiếc Boeing 737 gặp nạn được đưa vào sử dụng năm 1990. Sự cố khiến cánh trái máy bay hư hại nghiêm trọng. Hệ thống đèn báo nằm dọc đường băng cũng bị phá hủy. Phi công trên một máy bay khác thông báo nhìn thấy khói trên đường băng sau tai nạn. Cơ trưởng phi cơ gặp nạn tắt động cơ trước khi lính cứu hỏa tiếp cận hiện trường. Máy bay không bị cháy sau sự cố nhưng người ta vẫn phun bọt cứu hỏa xung quanh để phòng ngừa. Các phi công rời buồng lái nhờ thang của lực lượng cứu hỏa. Cơ quan điều tra Tai nạn hàng không Vương quốc Anh nói nhiệt độ cao là nguyên nhân khiến bánh xe rụng khỏi bộ phận hạ cánh. Nguồn nhiệt chưa được xác định.
Sét đánh trúng mũi máy bay, tạo thành một lỗ thủng
Chỉ trước đó 2 ngày, một chiếc Boeing 757 đang trong lộ trình đi từ thủ đô Reykjavik của Iceland đến thành phố Denver của Mỹ đã bị sét đánh. Tia sét đã làm thủng mũi máy bay, hành khách trên khoang đã rất hoảng sợ. Tuy nhiên, cơ trưởng đã quyết định tiếp tục hành trình gần 6.000 km vượt Đại Tây Dương đến Mỹ kéo dài trong khoảng 7 tiếng.
May mắn máy bay đã hạ cánh an toàn và không ai bị thương. Đến khi hạ cánh, mọi người mới nhận ra mũi máy bay “bị thương”. Sét đánh trúng mũi máy bay, tạo thành một lỗ hổng ở nơi đặt hệ thống radar thời tiết.
Đại diện hãng hàng không Icelandair cho hay, việc phi công quyết định tiếp tục chuyến bay là hoàn toàn hợp lý. Hãng thông báo sau khi kiểm tra các số liệu kỹ thuật không tìm thấy bất kỳ hỏng hóc nào của máy bay sau khi bị sét đánh trúng.
Một số chuyên gia hàng không cho rằng việc máy bay bị sét đánh thủng mũi là hư hại rất hiếm gặp vì tấm ốp vỏ các máy bay hiện đại được thiết kế để có thể chịu sét đánh.
Còn nữa, ngày 8/4, Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) thông báo một máy bay chở khách của hãng đang trên lộ trình từ thành phố Dusseldorf của Đức đến thành phố Istanbul đã phải hạ cách khẩn cấp tại sân bay Nuremberg, Đông Nam nước Đức, vì cửa sổ bên trái trong buồng lái của máy bay bị vỡ.
Cũng trong ngày này, người phát ngôn của hãng Japan Airlines cho hay một máy bay Boeing-777 của hãng này chở hơn 200 người đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Tokyo do động cơ ngừng hoạt động giữa không trung. Không có thông tin gì về thương vong, và nguyên nhân khiến động cơ phải của máy bay ngưng hoạt động cũng chưa được làm rõ.
Những sự cố liên tiếp kể trên diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đâm vào dãy Alps ở Pháp khiến 150 người thiệt mạng. Vào lúc này, những tiết lộ về vụ tai nạn máy bay này tiếp tục chiếm lượng bài lớn trên các báo quốc tế.
Tuy nhiên, bất chấp những vụ tai nạn thảm khốc trong năm ngoái và từ đầu năm đến nay, di chuyển bằng đường hàng không vẫn được coi là an toàn nhất so với các phương tiện giao thông khác.
Theo Th.Long/Dân trí/PetroTimes