Năm năm qua, Trung Quốc đã ngoi lên thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới, vượt Pháp và đang có khả năng cạnh tranh với Nga, Mỹ và châu Âu ở thị trường vũ khí châu Á.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Thụy Điển hồi tháng 3-2014 cho biết xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng mạnh đến 212% trong giai đoạn 2009-2013 so với năm năm trước đó.
Bắc Kinh hiện chiếm 2-6% thị phần vũ khí toàn cầu với số khách hàng là 35 quốc gia trên thế giới, chủ yếu các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa xem xét số vũ khí tịch thu từ lực lượng phiến quân của nước này. Đây được cho là số vũ khí Trung Quốc sản xuất nhập lậu sang từ Campuchia - Ảnh: AFP
Nhắm đến Đông Nam Á
Thời Báo Hoàn Cầu hồi tháng 3-2014 thừa nhận sự “vượt lên” của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc chủ yếu do giá thành thấp so với các nước xuất khẩu lớn trên thế giới chứ không phải do tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất. Nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng điều này cũng thể hiện đà phát triển trong tương lai của Bắc Kinh ở lĩnh vực xuất khẩu vũ khí ra thế giới.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin cho rằng khi các nước phương Tây không muốn xuất khẩu hay chuyển giao một số khí tài tiên tiến sang Đông Nam Á thì Bắc Kinh sẽ đóng vai trò “người thay thế”.
“Thị trường vũ khí Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những nơi bán phá giá vũ khí của Trung Quốc trong tương lai” - Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia giấu tên của quân đội Trung Quốc cho biết.
Mạng quân sự Sina Trung Quốc hồi tháng 4-2014 khẳng định Bắc Kinh đang đẩy mạnh “chào hàng” vũ khí ở Đông Nam Á. Mạng này dẫn lời giới chuyên gia quân sự cho hay sau khi dự án đường sắt nối liền ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoàn thành, việc Trung Quốc bán vũ khí cho các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Myanmar sẽ nhanh và dễ dàng hơn.
Thực tế trong 15 năm qua, Thái Lan, Myanmar và Malaysia đã mua vũ khí của Trung Quốc nhưng không liên tục, thậm chí có lúc Trung Quốc không bán được vũ khí cho nước nào trong khu vực trên. “Bắc Kinh kỳ vọng vào nhu cầu đang tăng ở thị trường Đông Nam Á thời gian gần đây” - bài báo viết.
Còn ông Siemon Waesemann, nhà nghiên cứu thuộc SIPRI, cho rằng Trung Quốc đang hướng tới tìm thị trường ở châu Phi bằng việc sử dụng “chiến thuật kinh tế” trước tiên mà Bắc Kinh đang áp dụng với một số nước để lót đường cho việc bán vũ khí vào châu lục này.
Hạn chế kỹ thuật
Ông Sơn Tú Phát, chuyên gia quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), thừa nhận Bắc Kinh tăng đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng nhằm sản xuất và bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực châu Á. “Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mới dừng ở mức xuất khẩu những vũ khí thông thường và còn thua Mỹ một bậc do thiếu những loại vũ khí có bản quyền độc lập” - Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Sơn.
Thái Lan từng mua xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc, tuy nhiên sau đó chuyển sang mua xe tăng của Ukraine vì xe tăng Trung Quốc thường xuyên xảy ra sự cố và không có linh kiện thay thế. Trong cuộc đấu thầu quân sự ở Malaysia, xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc cũng không đấu lại xe tăng PT-91M của Ba Lan và M84 của Serbia.
Tuy nhiên, Pakistan, Bangladesh và Myanmar lại chuộng xe tăng MBT-2000 của Bắc Kinh. Thậm chí Trung Quốc còn hợp tác với Pakistan cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc huấn luyện và bảo dưỡng xe tăng cho các nước như Bangladesh.
Hiện Trung Quốc đã phát triển xe tăng thế hệ mới MBT-3.000 trên nền tảng MBT-2000 nhằm phục vụ tham vọng xuất khẩu công cụ chiến tranh này, trước hết là ở thị trường Đông Nam Á.
Ngoài ra, Trung Quốc đã xuất khẩu kỹ thuật tên lửa chống tăng, đặc biệt là dòng HJ-8. Tại Đông Nam Á, Malaysia đã mua tên lửa chống tăng do Pakistan sản xuất dựa trên nền tảng kỹ thuật HJ-8 của Trung Quốc.
Trung Quốc còn xuất khẩu tên lửa vác vai sang Indonesia và Thái Lan. Indonesia mua tên lửa Tiền Vệ-3 (QW-3), hải quân Thái Lan trang bị tên lửa phòng không Tiền Vệ-18 (QW-18).
Myanmar cũng có thể đang trang bị tên lửa vác vai HY-6 của Trung Quốc. Trong đó, QW-18 có khả năng nhận diện mục tiêu nâng cao, chống gây nhiễu và có tầm bắn xa đến 5.000m và cao đến 4.000m trên không.
Trung Quốc cũng đang cố khôi phục thị trường xuất khẩu các trang bị hạng nặng như tên lửa tầm xa đa năng, xe tăng bằng cách tận dụng ưu thế về sản xuất và giá cả so với khí tài cùng loại của các nước khác.
Tuần báo quốc phòng của Mỹ Jane’s Defense cho biết Bắc Kinh đang đẩy mạnh chào bán các loại khí tài như tên lửa chống hạm, tàu ngầm, tàu hộ vệ trên biển, máy bay không người lái và tàu ngầm cho các nước như Brunei, Thái Lan, Indonesia.
Trung Quốc nhờ Israel giúp đỡ?
Báo chí Nga vừa cho biết bất chấp áp lực từ Mỹ, Israel đang đẩy mạnh hợp tác và giúp Trung Quốc sản xuất các loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa hành trình...
Tờ VPK của Nga tiết lộ trong những năm gần đây, Israel là nước xuất khẩu vũ khí và kỹ thuật sản xuất vũ khí cho Trung Quốc, chỉ xếp sau Nga.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ - Trung cũng cho rằng Israel là nhà cung cấp chính các công nghệ quân sự tiên tiến cho Bắc Kinh. Trong đó, rõ nhất là việc cung cấp thiết bị cho hệ thống đánh chặn và điều khiển hỏa lực cho hải quân của PLA. Thậm chí, có tin Israel hỗ trợ kỹ thuật sản xuất vũ khí cho Trung Quốc từ hơn 20 năm trước, tất nhiên việc hợp tác này diễn ra trong vòng bí mật.