Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales, ngày 3-9 Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Nga là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của châu Âu".
Tổng thống Mỹ chỉ trích Nga trong bài phát biểu ở Estonia - Ảnh: Reuters
Theo AFP, đến thăm Estonia ông Obama khẳng định “hành vi xâm lược của Nga tại Ukraine đe dọa viễn cảnh một châu Âu hòa bình và tự do”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh NATO sẽ không để cho sự “xâm lược” đó diễn ra không ai ngăn cản.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh NATO, tất cả mọi đồng minh. Chúng tôi sẽ có mặt ở đây vì Estonia. Các bạn đã đánh mất nền độc lập một lần. Với NATO, các bạn sẽ không bao giờ thua lần nữa” - ông Obama tuyên bố.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmusse cũng cho rằng “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine là đe dọa an ninh lớn nhất khu vực kể từ Chiến tranh lạnh.
Hôm nay NATO sẽ nhóm họp ở Wales để thảo luận kế hoạch lập lực lượng phản ứng nhanh 4.000 quân tại Đông Âu nhằm đối phó với Nga.
Các thành viên NATO ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan, đã kêu gọi NATO triển khai thường trực hàng nghìn binh lính tới các nước này để đề phòng nguy cơ Nga tấn công. Tuy nhiên theo Reuters, các thành viên khác của NATO phản đối quan điểm này vì nó vi phạm thỏa thuận 1997 giữa NATO và Nga.
Theo thỏa thuận đó, NATO cam kết không triển khai lực lượng quân sự thường trực tại Đông Âu. Thay vào đó, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết NATO sẽ vận chuyển khí tài và thiết bị hậu cần tới các nước Đông Âu có sẵn căn cứ quân sự để sẵn sàng tiếp nhận lực lượng phản ứng nhanh của NATO khi xung đột nổ ra.
Trong bài viết đăng trên báo Anh The Times số ra hôm nay 4-9, ông Obama và Thủ tướng Anh David Cameron viết: “Nga đã vi phạm luật chơi bằng việc sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp và đưa quân vào Ukraine, đe dọa chủ quyền một quốc gia độc lập”.
Tại hội nghị ở Wales hôm nay, các nhà lãnh đạo NATO sẽ đối thoại với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Dự kiến NATO sẽ thông qua gói hỗ trợ 15,8 triệu USD để cải thiện năng lực quân sự của Ukraine.
Trong một diễn biến khác, theo TTXVN, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhiều nước phương Tây và các nước liên quan đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này.
Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảy tỏ ủng hộ mong muốn của Nga thực hiện kế hoạch hòa bình tại miền Đông Nam.
Ông Poroshenko cho rằng kế hoạch hòa bình cần có cam kết của cả hai bên về lệnh ngừng bắn song phương sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Ông cũng hy vọng kế hoạch hòa bình này là cơ sở cho cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk vào ngày 5-9.
Theo đề xuất của Tổng thống Nga, các bên xung đột ở Ukraine cần ngay lập tức ngừng mọi cuộc tấn công; các đơn vị vũ trang của Ukraine phải rút lui tới khoảng cách không thể bắn phá bằng pháo kích tới các khu vực dân cư.
Tổng thống Nga cũng đề nghị tổ chức một hoạt động quốc tế giám sát đầy đủ và khách quan sự tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Ông cũng đề xuất trao đổi những người bị bắt giữ dưới hình thức "tất cả đổi tất cả" không có bất kỳ điều kiện, đồng thời mở hành lang nhân đạo cho người tị nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo đến các vùng Donetsk và Lugansk.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), Stefan Dyuzharrik tuyên bố TTK LHQ Ban Ki-moon tin tưởng kế hoạch hòa bình của Nga sẽ có hiệu quả trong trường hợp tất cả các bên có bước đi cụ thể, bắt đầu từ cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tới đây.
Cơ quan báo chí của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố EU hoanh nghênh mọi sáng kiến hòa bình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. EU cho rằng không thể sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Một nguồn tin thân cận giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cho biết NATO quan tâm tới kế hoạch hòa bình của Tổng thống Nga.
Các nước thành viên NATO hoanh nghênh mọi thỏa thuận chính trị giúp giảm căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng NATO cũng muốn thấy các bước đi cụ thể của Nga, bao gồm chấm dứt ủng hộ các tay súng ở miền Đông Ukraine, rút quân khỏi khu vực biên giới và không tuồn vũ khí và đưa lực lượng tình nguyện vào Ukraine.
NGUYỆT PHƯƠNG - Theo Tuổi Trẻ