ĐH Công nghệ Paramount chỉ cung cấp các chương trình học trực tuyến.
Có không ít quan chức trong nước đã trưng ra những tấm bằng tiến sĩ do một số trường đại học của Mỹ cấp, đến khi bị phanh phui ra mới phát hiện, những tấm bằng đó không có giá trị, bởi được những trường giả mạo tạo ra.
Từ các “xưởng văn bằng”
Có rất nhiều trường nước ngoài hoạt động tại VN được phân loại là các cơ sở chuyên cung cấp bằng giả (diploma mill). Các trường này thường được lập ra chỉ với mục đích kiếm lợi nhuận, chất lượng không được công nhận bởi các tổ chức giáo dục uy tín.
Cách đây vài năm, Trường ĐH Irvine University (viết tắt là IU) của Mỹ liên kết với khoa Quản trị kinh doanh thuộc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo bằng thạc sĩ cho các học viên tại VN. Các học viên phải trả mức học phí 8.000 - 8.500USD cho một chương trình nước ngoài trong vòng 2 - 2,5 năm nhưng lại được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Trên thực tế, IU là một trường không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức giáo dục uy tín nào tại Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tấm bằng mà các học viên nhận được không hề có giá trị sử dụng.
ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University - SPU) một thời gian trước cũng bị đặt nghi vấn về trường giả hay trường thật. Trên website của tiểu bang Hawaii cho thấy, SPU xuất hiện tại tiểu bang Hawaii từ tháng 2.2002 và tồn tại được 1 năm thì bị tòa án tiểu bang giải thể. Cả hiệu trưởng và trường không được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công nhận. Tòa án tiểu bang Hawaii đã yêu cầu trường này không được hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào dưới danh nghĩa tiểu bang và phải giải thể ngay lập tức. Tuy nhiên, trường này cũng đã kịp “cho ra lò” không ít tiến sĩ tại VN.
Mới đây, dựa trên kết quả của Hội đồng kiểm định các trường ĐH và trường học độc lập từ Mỹ, tiến sĩ Mark A.Ashwill - nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ ở VN, hiện là giám đốc quản lý của Capstone VN, một công ty có trụ sở ở Hà Nội và chuyên về việc phát triển nguồn nhân lực - đã nêu đích danh 21 trường đại học hiện có mặt tại VN không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ trên trang web cá nhân.
Trang web của tiểu bang Texas (http://www.thecb.state.tx.us) cũng vừa công bố hơn 200 trường (tổ chức) cấp bằng ĐH bất hợp pháp. Các bằng cấp này không được công nhận tại Texas cũng như trên nước Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ tại Hà Nội và TPHCM cung cấp thông tin về hơn 4.000 trường ĐH tại Hoa Kỳ đã đưa ra các lời khuyên cho người học trước khi nộp đơn vào một trường ĐH tại Hoa Kỳ cần phải khảo sát và điều tra kỹ lưỡng. Bước đầu tiên và quan trọng nhất để quyết định chất lượng và tính hợp pháp của một trường ĐH là kiểm tra xem trường học đó có được kiểm định và công nhận chất lượng hay không. Thông tin này có thể tham khảo trên trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (USDE) và trang web của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA).
Website của ĐSQ Hoa Kỳ tại VN nêu rõ: “Trong khi tìm kiếm các chương trình đào tạo bậc đại học, sinh viên và người dân Mỹ đôi khi bắt gặp những “xưởng văn bằng” - những cơ sở giáo dục thiếu minh bạch hoặc những tổ chức cấp các loại văn bằng, chứng chỉ bị xem làm giả… Với sự hiện diện của các xưởng văn bằng và kiểm định, sinh viên có thể tốn một khoản tiền lớn mà không nhận được sự giáo dục/đào tạo cũng như một văn bằng, chứng chỉ hữu dụng nào”.
Để nhận diện những “xưởng văn bằng” này, ĐSQ Hoa Kỳ tại VN đã đưa ra một số dấu hiệu để người học có thể tự kiểm chứng như: Bằng cấp có thể mua được không? Có sự tự nhận đã kiểm định trong khi không hề có minh chứng cho sự kiểm định ấy? Trường không có giấy phép của tiểu bang hay liên bang hoặc thẩm quyền hoạt động; Sinh viên không bắt buộc phải đến lớp hoặc, nếu có, không phải đến lớp nhiều; sinh viên chỉ phải làm ít bài tập là lấy được tín chỉ; chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là có thể lấy được bằng; có thể cấp văn bằng đơn thuần trên cơ sở xem xét kinh nghiệm và lý lịch (resume)…
Đến những tiến sĩ “ảo”
Đầu tháng 6.2010, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ - đã có học vị tiến sĩ với đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”. Với tấm bằng cử nhân tại chức kinh tế - quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì), không biết tiếng Anh, ông Ân nâng cấp cho mình bằng tấm bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Nam Thái Bình Dương của Mỹ.
“Tiến sĩ” Nguyễn Văn Ngọc, thời điểm còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng lấy bằng tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng với 17.000USD. Và mới đây nhất là sự thật về tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).
Theo thông tin công bố trên website chính thức của OceanBank, ông Hà Văn Thắm tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Columbia Commonwealth (Mỹ) và bảo vệ tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Công nghệ Paramount (Mỹ). Tuy nhiên, Trường ĐH Columbia Commonwealth có tiền thân từ Trường ĐH Columbia Pacific (CPU). CPU không được công nhận ở bang California và ở Mỹ. Hơn nữa, trường này còn bị toà án California ra lệnh đóng cửa vào năm 2000.
Sau khi đóng cửa CPU ở California, trường được di dời đến bang Montana và đổi tên thành “Columbia Commonwealth University” (CCWU). Tuy nhiên, CCWU cũng không được công nhận ở Mỹ. Bang Texas (Mỹ) đã liệt kê cả CPU và CCWU “gian lận và không đạt tiêu chuẩn”, do đó bị cấm sử dụng theo các mục đích khác nhau theo luật Texas, luật Oregon. Vi phạm lệnh cấm này có thể dẫn đến hình phạt dân sự.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ Paramount (Paramount University of Technology, USA) cũng không phải là một đại học chính thống. Trên trang web của nó - university.paramount.edu cho biết, Paramount University of Technology chỉ cung cấp các chương trình học trực tuyến trong kinh doanh, công nghệ thông tin và kỹ thuật.
Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GDĐT) ngày 31.10 cho biết, thông tin về 21 trường ĐH nói trên đã được Cục biết đến từ lâu. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đã cung cấp thông tin này cho Cục khoảng 4 năm trước. Ông Vang khẳng định, bộ GDĐT không cấp phép cho bất kì trường ĐH có trong danh sách, duy chỉ có một số trường ĐH “chui” đào tạo theo mô hình liên kết đã được thanh tra bộ GDĐT vào cuộc và đình chỉ hoạt động từ năm 2012. “Những thông tin nêu trên mạng internet mấy ngày qua có thể nói là tin “vịt” của một số Việt kiều tại Mỹ và tôi được biết là do không chính xác nên đã bị gỡ xuống” - ông Vang nói thêm.D.H