Sân bay quốc tế Simón Bolívar (Simón Bolívar International Airport Maiquetia) ở Venezuela được giới báo chí quốc tế coi là sân bay của tội phạm hoành hành nhiều nhất trên thế giới. Các quan chức nước này thậm chí còn cảnh báo khách du lịch phải nêu cao cảnh giác, không mang theo đồ trang sức quý báu khi đến sân bay.
Tội phạm "hai ngón" gia tăng
Sân bay quốc tế Simón Bolíviar, cũng được gọi là sân bay quốc tế Maiquetia, nằm ở Maiquettía, Venezuela, cách trung tâm Caracas 13 dặm. Đây là sân bay quan trọng nhất trong 12 sân bay của Venezuela. Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, cảnh sát Venezuela đã phá vỡ hàng loạt đường dây buôn bán ma túy, 24 băng nhóm tội phạm, 42 công nhân bị bắt vì tội ăn cắp đồ trong hành lý của khách tại sân bay. Cảnh sát Venezuela đã bắt giữ hơn 100 người với cáo buộc trộm cắp hành lý, buôn bán ma túy, buôn bán theo kiểu "chợ đen" tại sân bay. Hành vi phạm tội được thực hiện ngay trong khu vực kiểm soát hành lý hoặc trong khu vực bãi đậu xe.
Khách du lịch được cảnh báo phải nêu cao tinh thần cảnh giác khi đến sân bay Simón Bolívar.
Ngày 23/4/2015, một hành khách trên chuyến bay từ Simón Bolívar đến Maracaibo đã lên Twitter nói rằng, hành lý của mình bị đánh cắp. Một hành khách khác viết rằng, ít nhất 60 người đã bị ảnh hưởng bởi tội phạm tại sân bay.
Trang web của Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết: "Có báo cáo về tình hình hoạt động của tội phạm tại khu vực sân bay Maiquetia. Thành viên của các nhóm tội phạm làm việc bên trong sân bay để phát hiện hành khách giàu có, sau đó thông báo cho đồng bọn thực hiện hành vi trộm cắp tại sân bay hoặc đợi để thực hiện bên ngoài sân bay. Hành lý của một số hành khách đã bị đánh cắp trên đường đi hoặc khi đến sân bay Caracas. Hơn 40 nhân viên sân bay bị bắt vì tội trộm cắp tại Simón Bolívar".
Khách du lịch cần nêu cao cảnh giác
Một tuyên bố phát đi từ sân bay quốc tế Simón Bolívar khẳng định: "Simón Bolívar là sân bay duy nhất trong cả nước có văn phòng công tố bên trong tòa nhà. Điều này cho phép các cơ quan chức năng có thể hành động nhanh chóng, hiệu quả hơn để tăng cường an ninh tại sân bay". Đồng thời, phát ngôn viên của sân bay cũng khuyến cáo hành khách kịp thời báo cáo với các lực lượng chức năng làm việc tại sân bay khi phát hiện bất kỳ hành động bất hợp pháp, vì lợi ích của cá nhân cũng như góp phần vào cuộc chiến chống tội phạm.
Khách du lịch tới Venezuela được cảnh báo phải đặc biệt cẩn thận với hành lý mang theo. Văn phòng Ngoại giao (FCO) cảnh báo, khách du lịch đến Venezuela phải cảnh giác với tội phạm và nhấn mạnh "tội phạm sân bay" là một vấn đề lớn. Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị khách du lịch phải thận trọng vì có quan chức an ninh giả danh cũng như tài xế taxi không có giấy phép. Một hành khách đã lên Twitter nói rằng: "Bạn nên tránh phô trương đồ trang sức đắt tiền hoặc hàng điện tử cầm tay khi đến sân bay".
Venezuela từ lâu đã phải đương đầu với tỷ lệ tội phạm cao, số vụ việc cướp bóc trên đường phố, tấn công vũ trang xảy ra khá phổ biến trên cả nước. Một cuộc thăm dò do tổ chức Gallop thực hiện vào năm 2013 cho thấy, Venezuela là một trong những quốc gia bạo lực nhất trên thế giới với tỷ lệ tội phạm tăng nhanh và bất ổn chính trị leo thang. Số vụ giết người ở Venezuela đứng thứ hai trên thế giới. Theo nghiên cứu này, Venezuela chỉ đứng sau Honduras về tình trạng bạo lực.
Tỷ lệ vụ án giết người ở Venezuela là 82/100.000 dân, có tổng cộng 24.980 vụ giết người được ghi nhận trong năm 2014.
Sân bay Simón Bolívar là "điểm nóng" trung chuyển ma túy từ Venezuela vào châu Âu và Mỹ?
Venezuela đang được nhắc đến như trung tâm trung chuyển ma túy mới vào châu Âu và Mỹ. Ước tính, số lượng cocaine chuyển từ Venezuela sang châu Âu và Mỹ đã lên tới 300 tấn/năm, cao gấp 5 lần một thập kỷ trước đây là 60 tấn/năm. Địa bàn hoạt động của các băng đảng ma túy kéo dài từ sân bay Simón Bolívar đến biên giới với Colombia.
Gần đây, một băng nhóm ma túy Colombia đã đưa chót lọt 1,4 tấn cocaine bằng cách cất giấu trong xe container. Cuộc hành trình 500 dặm từ biên giới Colombia đến thủ đô Venezuela qua hơn 20 trạm kiểm soát quân đội với hàng trăm nhân viên mà không hề bị phát hiện. Số ma túy này được lưu trữ vài ngày tại sân bay quốc tế Simón Bolívar trước khi được chia nhỏ trong 31 chiếc vali và đưa lên chuyến bay của Hãng hàng không Air France tới Paris vào ngày 10/9/2013. 10 ngày sau đó, cảnh sát Pháp công bố đã phối hợp thành công với Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan bóc gỡ mạng lưới vận chuyển cocaine lớn nhất trong lịch sử, lô hàng có trị giá khoảng 270 triệu USD.
Có nguồn tin cho rằng, Chính quyền Venezuela thậm chí còn "tiếp tay" cho các băng đảng ma túy Colombia. Tuy nhiên, Chính quyền Venezuela phủ nhận thông tin này.
Theo: Mạnh Tường (tổng hợp) - CAND