Dù muốn tránh xung đột quân sự nhưng các nước châu Á vẫn phải tăng cường mua sắm khí tài hạng nặng để đối phó với Trung Quốc
Do Bắc Kinh thiếu minh bạch trong tăng cường quân sự nên Washington có quyền thực hiện các chuyến bay giám sát ở Đông Á, theo tuyên bố hôm 12-9 của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel.
“Đáng sợ, đáng lo ngại”
Cách đây không lâu, ngày 19-8, một máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ giảm hoặc ngừng hẳn các chuyến bay như trên nếu không muốn tổn hại quan hệ song phương.
Theo Reuters, ông Russel cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh thực thi tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông, bao gồm tăng tốc cải tạo trái phép các rạn san hô, bãi đá ngầm là nguyên nhân gây ra “sự đáng sợ và đáng lo ngại” cho các nước trong khu vực, đồng thời khiến tình hình mất ổn định và phức tạp, khó giải quyết hơn.
Philippines công bố ảnh chụp từ trên không cho thấy Bắc Kinh đang gấp rút xây dựng
trên một số rạn san hô ở Trường Sa. Ảnh: PHILSTAR
Đến nay, Bắc Kinh chưa từng đề cập khía cạnh quân sự trong mục đích của hoạt động cải tạo trên. Tuy nhiên, một bài bình luận trên Tân Hoa Xã ngày 11-9 gián tiếp thừa nhận khi biết việc đắp đảo ở bãi đá ngầm Gạc Ma sẽ giúp tăng khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu, qua đó kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Báo Tuyền Châu buổi chiều cho rằng trong số 6 bãi đá thì Su Bi và Gạc Ma có vị trí trọng yếu với Trung Quốc vì án ngữ tuyến đường của tàu ngầm hạt nhân chiến lược neo đậu tại Tam Á. Nếu cất cánh từ 2 bãi trên, máy bay chiến đấu Trung Quốc sẽ có bán kính tác chiến gần như toàn bộ biển Đông. Hiện tại, bán kính tác chiến của chiến đấu cơ J-11, J-10 chưa đầy 2.000 km nên không thể bay từ Hải Nam ra Trường Sa.
Thậm chí, đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) ngày 12-9 dẫn lời học giả Trung Quốc Thạch Tề Bình phân tích không úp mở rằng xây đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ giúp Bắc Kinh uy hiếp quân sự các nước ven biển Đông.
Châu Á tích trữ vũ khí
Cảnh giác trước Trung Quốc trỗi dậy, hãng tin AP nhận định Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chi tiêu quân sự, Nhật Bản đề nghị mức ngân sách quốc phòng chưa từng thấy trong khi Philippines đổ tiền của vào hải quân. Mặc dù tranh chấp với Bắc Kinh chỉ dừng ở ngoại giao, các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ và Hàn Quốc cũng mau chóng hiện đại hóa quân đội.
Hiện châu Á chiếm khoảng một nửa tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn thế giới và trong một thập niên qua, chi phí quân sự của Trung Quốc tăng gấp 4 lần. Chuyên gia Robert D. Kaplan thuộc Văn phòng Stratfor (Mỹ) nhận định mục đích của Trung Quốc là thay thế Mỹ thống trị Thái Bình Dương.
“Trung Quốc nghĩ có thể tăng cường khả năng quân sự tại biển Đông và Hoa Đông nhanh hơn Việt Nam và Philippines. Nếu Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn các vùng biển lân cận, họ sẽ thực sự trở thành cường quốc hải quân” - ông Kaplan nói.
Trước nguy cơ đó, Manila đã ký với Washington thỏa thuận có thời hạn 20 năm, cho phép quân đội Mỹ thay phiên đồn trú tại các căn cứ ở Philippines. Nước này còn dự tính mua thêm máy bay tuần tra, tiêm kích và các thiết bị quân sự khác.
Ở Nam Á, nơi mà Trung Quốc hành xử kín đáo hơn, Ấn Độ cũng mua thêm xe tăng, tiêm kích và trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Song song đó, New Delhi lập căn cứ với khoảng 100.000 lính gần những nơi có tranh chấp biên giới với Bắc Kinh.
Đổ 100 tỉ USD vào Ấn Độ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mang theo các cam kết đầu tư 100 tỉ USD trong vòng 5 năm tới Ấn Độ nhân chuyến thăm vào tuần sau. Con số này gấp gần 3 lần mức đầu tư 35 tỉ USD mà Nhật Bản cam kết với Ấn Độ mới đây.
Theo báo The Times of India, Trung Quốc trước hết sẽ đổ 7 tỉ USD vào các khu công nghiệp ở vùng đô thị Pune và TP Gandhinagar. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì các công ty Trung Quốc nhắm đến các khoản đầu tư hơn 50 tỉ USD để hiện đại hóa đường sắt, hệ thống xe lửa siêu tốc, cảng biển ở Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Piyush Goyal nói 100 tỉ USD vốn đầu tư có thể chảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ trong 4 năm tới.