Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chủ đầu tư người Nhật và tổng giám đốc điều hành công ty khiến 600 công nhân đang bị treo lương và có nguy cơ mất Tết
Đã bước sang năm 2015 nhưng hơn 200 công nhân (CN) làm việc trực tiếp và 400 CN thời vụ của Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu Đà Nẵng (Sadavi) có trụ sở tại KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn chưa nhận được lương tháng 11-2014.
Tổng giám đốc bị tố tự tung tự tác
Sadavi là công ty liên doanh giữa Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Cotimex) với Công ty Sasaki Shoco (Nhật Bản). Nguyên nhân chính của việc chậm trễ lương chủ yếu do mâu thuẫn giữa chủ đầu tư người Nhật và tổng giám đốc điều hành công ty liên doanh do Cotimex cử ra là ông Nguyễn Văn Khách.
Công nhân Công ty Sadavi vẫn chưa nhận được lương từ tháng 11-2014
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi gần đây, ông Khách đơn phương thay đổi điều kiện thỏa thuận, tự ý quyết định không chuyển hàng hóa sản phẩm cho khách hàng người Nhật theo đúng thời hạn hợp đồng mà yêu cầu nhà đầu tư phải chuyển tiền trước thời điểm đã thỏa thuận. Thiếu tiền do Sasaki Shoco chuyển sang, Sadavi không thể trả lương cho CN và các khoản chi khác.
Không chỉ đóng góp 70% vốn, Sasaki Shoco còn là bạn hàng chủ yếu của Công ty Sadavi 18 năm qua. Sasaki Shoco cung cấp toàn bộ máy móc, nguyên liệu cho hoạt động của Sadavi và bao tiêu 95% sản phẩm. Đến nay, Sasaki Shoco đã cho Sadavi vay 16 tỉ đồng (tương đương 80 triệu yen) để làm vốn hoạt động.
Vào đầu tháng 11-2014, Công ty Sasaki Shoco đã gửi đơn cho chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị TP can thiệp, giải quyết những vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Văn Khách với những hành vi mà công ty này cho rằng phạm pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi của liên doanh và đơn vị đối tác. Thư đề nghị nêu 9 vấn đề chứng minh ông Khách đã lạm quyền, không thông qua hội đồng thành viên trong các quyết định về nhân sự, chuyển tiền, cung cấp thông tin, có hành vi đe dọa thành viên người Nhật trong hội đồng thành viên…
Cụ thể, ông Khách và Công ty Cotimex đã thành lập công ty con là Danimex vào tháng 1-2012 và chuyển nhượng phần vốn sở hữu của Cotimex trong Sadavi sang Danimex. Sau đó, ông Khách đã 2 lần chuyển tiền cổ tức cho Cotimex và Danimex trước khi có quyết định của hội đồng thành viên với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Ông Khách cũng tự ý đưa con gái vào công ty làm việc, sau đó thăng chức trợ lý tổng giám đốc không thông qua hội đồng thành viên. Ngoài ra, ông Khách nhiều lần từ chối cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sadavi theo yêu cầu của Công ty Sasaki Shoco.
Đối tác liên doanh người Nhật còn nêu những nghi vấn về việc Cotimex chưa hoàn thành góp vốn 30% bằng quyền sử dụng đất. Như vậy, Cotimex chưa góp vốn nhưng đã nhận được các khoản cổ tức và lợi ích khác như một bên góp vốn liên doanh. Đối tác người Nhật hiện đang nhờ luật sư làm rõ các vấn đề trên và đã gửi đơn kiện đến tòa án.
Tết cận kề, lương chưa về
Tại cuộc họp hội đồng thành viên lần thứ 4 trong năm 2014 vào ngày 13-12-2014, các cổ đông người Nhật góp vốn trong liên doanh đã từ Nhật sang Đà Nẵng dự họp nhằm giải quyết các vấn đề khúc mắc nhưng không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Những người được các ủy viên người Nhật trong hội đồng thành viên ủy quyền đại diện tham gia trong hội đồng thành viên đã bị ông Khách bác bỏ và bất hợp tác.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Khách phủ nhận 9 vấn đề mà Sasaki Shoco nêu. Theo ông Khách, người Nhật phản ứng về việc thành lập Công ty Danimex chỉ do hiểu lầm. Ông Khách có chuyển lợi tức trước khi thông qua hội đồng thành viên nhưng đó là khoản tạm ứng, sau này đã báo cáo hội đồng thành viên và được chấp nhận. Còn tuyển dụng con gái vào làm việc thuộc thẩm quyền của ông và vì lợi ích cũng như sự phát triển của công ty. Sở dĩ ông bị các nhà đầu tư người Nhật phản ứng vì đã phản đối xóa bỏ liên doanh, không đồng ý chuyển 30% vốn liên doanh của Cotimex cho người Nhật.
Trong khi đó, ông Sasaki Akira - Tổng Giám đốc Công ty Sasaki Shoco, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Công ty Sadavi - cho biết rất thất vọng khi phát hiện sự lạm quyền của ông Khách cũng như sự thiếu hợp tác để giải quyết các vấn đề nảy sinh nên buộc phải nhờ đến pháp luật xử lý. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là những mâu thuẫn này ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Trước mắt, để giải quyết tiền lương cho CN, phía đối tác muốn ban giám đốc công ty có một văn bản đề nghị chính thức với cam kết giao hàng hóa sản phẩm cho khách hàng đúng hạn thì Công ty Sasaki Shoco sẽ chuyển tiền sớm cho Sadavi.
Còn ông Khách cho hay để giải quyết lương cho CN, ban giám đốc công ty bảo lãnh cho CN vay tiền lương từ ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay phương án đó vẫn chưa triển khai được.
Tổng giám đốc lương 6.000 USD/tháng
Công ty Sadavi thành lập vào tháng 11-1996 với vốn điều lệ 1,2 triệu USD (Sasaki Shoco góp 70%, Danimexco góp 30% bằng quyền sử dụng đất). Theo điều lệ của công ty, chức vụ tổng giám đốc được hội đồng thành viên cử ra luân phiên theo các đơn vị liên doanh trong thời gian 5 năm. Thu nhập của công nhân tại công ty trung bình khoảng 4-5 triệu/ tháng, còn tổng giám đốc có mức lương 6.000 USD/ tháng.