Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận ở tổ chiều 4.11 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, khi cho ý kiến về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mô hình sân bay Long Thành
“Đồng ý làm, nợ thì phải nợ, xây thì phải xây”
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, dự án này QH phải xem xét qua 2 kỳ, QH chịu trách nhiệm trước dân. Không phải QH cho chủ trương là Chính phủ làm. Mà QH cho chủ trương thì Chính phủ mới làm báo cáo khả thi. Có báo cáo khả thi rồi, thì mới trình ra QH để quyết làm hay không. Vì vậy, có thể yên tâm quy trình còn nhiều công đoạn, kỹ càng.
Ông Lịch nói: “Tôi kiến nghị đoàn ĐBQH TPHCM sẽ trực tiếp nghe các chuyên gia hàng không, Ủy ban Kinh tế cũng đã nhận lời sẽ nghe, để họ phản biện về dự án này. Cần đặt lên bàn để làm rõ những vấn đề còn băn khoăn. Áp lực nợ công, ai cũng rõ. Nhưng nếu làm rõ sân bay Tân Sơn Nhất (SBTSN) không thể nâng công suất lên 35 triệu khách thì đó là bất khả kháng, phải làm sân bay Long Thành (SBLT). Trong tương lai dài, vùng kinh tế phía nam chắc chắn phải có 2 sân bay”.
ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) cũng thể hiện dứt khoát quan điểm: Đồng ý làm, nợ thì phải nợ, xây thì phải xây, phải có sân bay hiện đại để con cháu chúng ta hưởng thụ. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về nguồn vốn làm, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Thời điểm làm thì khoảng năm 2020 trở lại, không nên để đến 2030 mới làm vì muộn quá.
“Nên lùi dự án sân bay Long Thành đến sau năm 2020 khi mà GDP, thu ngân sách ổn định, tăng cao, thì đầu tư sẽ hợp lý hơn, giảm gánh nặng cho người dân”, ĐBQH Huỳnh Minh Thiện.
“Sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng công suất lên 35 triệu khách thì đó là bất khả kháng, phải làm Long Thành”, ĐBQH Trần Du Lịch.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các ĐB băn khoăn là đúng, tuy nhiên lần này Chính phủ trình ra QH để xin chủ trương, chưa phải đủ điều kiện để bấm nút thông qua. Công trình này có chủ trương lâu rồi và chỉ là chủ trương để nghiên cứu.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Dự án này quá cần thiết. Quy mô của cảng hàng không như thế rất cần thiết cho sự phát triển trong tương lai, trong điều kiện SBTSN quá tải”.
Về vấn đề vốn để xây dựng, nhất là tình hình nợ công hiện nay thì lấy vốn xây dựng ở đâu ra, bà Ngân cho biết “đến giai đoạn 2020-2030 mới khai thác dần dần, chứ không phải thực hiện ngay, mà có lộ trình”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị khi trình ra thì tổng mức đầu tư phải rõ ràng, phải so sánh bằng, cao hay thấp hơn với các sân bay có cùng khu vực của chúng ta, xung quanh mình như Hồng Kông, Thái Lan, Singapore… Đặc biệt, khi khai thác SBLT đồng thời với khai thác SBTSN chứ không phải đóng cửa SBTSN, tức là chúng ta phải tính khai thác hết công suất của sân bay này (25 triệu lượt hành khách/năm), rồi tính hành khách, hàng hóa khi đầu tư SBLT.
ĐB Nguyễn Văn Bình (Thanh Hóa) nói QH cho chủ trương thì Chính phủ mới có tiền làm báo cáo tiền khả thi, khi đó chúng ta mới rõ được hiệu quả và khả thi hay không. Ông Bình dẫn chứng trước kia khi có chủ trương đầu tư đường dây 500kV ý kiến phản ứng quyết liệt, nhưng sau nhiều năm thấy rõ hiệu quả.
Việt Nam cần sân bay tầm cỡ như Long Thành
Góp ý kiến cho dự án SBLT, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) nhất trí, xét trên sự cần thiết và nhu cầu của đất nước, so sánh với các nước tương quan, Việt Nam cần một sân bay tầm cỡ như Long Thành. Tuy nhiên, để triển khai dự án này, cần tính kỹ vốn, quy mô, tiến độ.
“Thực tế có nhiều công trình lớn khi đưa ra thảo luận tại QH chưa hẳn nhận được sự đồng thuận (như dự án đường dây 500KV, thủy điện Sơn La), nhưng khi triển khai lại thành công. Ngược lại, có những công trình đồng thuận cao, khi triển khai lại vướng (như bauxite Tây Nguyên, dầu khí Dung Quất). Do đó, để quyết một dự án mà chúng ta tin đúng hoàn toàn không dễ” - ĐB Phạm Quang Nghị nói.
Theo ĐB Phạm Quang Nghị, các yếu tố về nguồn vốn trong dự án chưa chắc chắn; có nhiều yếu tố Chính phủ viết hơi lãng mạn, lạc quan… Chính phủ cần tính toán kỹ và rút kinh nghiệm một số dự án, công trình đã triển khai.
Ủng hộ chủ trương xây dựng SBLT, ĐB Chu Sơn Hà cho rằng, đây là dự án trọng điểm, có tính chất lâu dài, hướng đến tương lai. “Cá nhân tôi ủng hộ QH thông qua chủ trương đầu tư dự án SBLT để làm cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền tiếp tục thực hiện các bước khác theo quy định của pháp luật với một dự án quốc gia trọng điểm” - ĐB Hà nói.
Theo ông Hà, trong tương lai, lượng khách qua SBTSN sẽ quá tải, trong khi việc mở là không thể vì diện tích không bảo đảm, sân bay lại nằm ở trung tâm, không đảm bảo không gian an toàn hàng không. Kinh phí mở rộng SBTSN cũng tương đương với xây mới SBLT, trong khi Long Thành lại có hướng về lâu dài, có thể cạnh tranh được với các sân bay khác trong khu vực trong tương lai…
ĐB Bùi Thị An cho rằng, trong bất cứ giai đoạn nào, giao thông cũng phải nên đi trước một bước, như vậy mới đảm bảo sự phát triển đất nước, dân trí. Trên quan điểm này, căn cứ vào đặc thù của đất nước để chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau. “Tôi đắn đo việc xây dựng một cảng sân bay rất lớn, rất có ý nghĩa thì vấn đề đảm bảo an sinh, nợ công sẽ được giải quyết như thế nào? Làm sao để chúng ta vừa phát triển được tương lai, vừa giải quyết được an sinh hiện tại thì phải cân nhắc”- bà An nói.
Đồng ý về chủ trương đầu tư dự án, bà An đề nghị Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể rõ hơn, nêu hiệu quả từng hạng mục, giải trình rõ hơn khả năng tận dụng SBTSN. Đặc biệt, khi trình dự án, Chính phủ phải có cam kết về huy động vốn.
Các ĐB Đỗ Kim Tuyến, Trịnh Thế Khiết, Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị làm rõ hoạch định 10 năm tới của ngành hàng không Việt Nam, chúng ta sẽ mở đường bay ra được bao nhiêu nước? Khi xây dựng xong SBLT thì SBTSN có còn hoạt động không? Nếu còn thì hướng khai thác như thế nào? Tại sao lại chọn Long Thành mà không phải là địa điểm khác? Dự án này có tác động xã hội như thế nào? Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được hưởng lợi cũng như chịu những thiệt thòi gì? Những hộ bị GPMB sẽ được giải quyết việc làm ra sao?...
Cần tính toán thấu đáo và nên lùi lại đến 2020
Một trong những nội dung nhiều đại biểu và cử tri băn khoăn đó là nguồn vốn xây dựng SBLT. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, QH và cử tri cả nước đang băn khoăn về nợ công khi nợ công đang ở mức báo động, vì vậy việc cấp vốn cho SBLT sẽ có nhiều khó khăn. Về chủ trương xây dựng SBLT tương lai là cần, nhưng chưa cấp thiết, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu về nhiều mặt, cần thiết lấy ý kiến của chuyên gia, ý kiến nhân dân làm cơ sở cho QH xem xét, có thể 10 năm nữa hoặc sau năm 2030 mới đầu tư để giảm nợ công, gánh nặng cho dân” - bà Dung nói.
Sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng thêm vì nằm trong khu dân cư nên không an toàn.
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho rằng “dự báo công suất thiết kế là kỳ vọng, thực tế là hoàn toàn chưa chính xác vì ta chưa phân tích yếu tố vận hành cảng hàng không. Tiêu biểu như sân bay Hồng Kông, mặc dù diện tích chỉ 1.255ha nhưng năm 2013 đã đón 60 triệu khách và 4 triệu tấn hàng hóa”, chính vì vậy không nhất thiết là sân bay phải lớn thì mới có thể đón được lượng khách đông như vậy. Ông kiến nghị nên lùi dự án SBLT đến sau năm 2020 khi mà GDP, thu ngân sách ổn định, tăng cao, thì đầu tư sẽ hợp lý hơn, giảm gánh nặng cho người dân.
ĐB Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang) kiến nghị: Qua trao đổi với nhiều chuyên gia hàng không cho biết nếu SBTSN phát huy hết khả năng vẫn đảm bảo được nhu cầu. Vì vậy tôi đề nghị cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế để có căn cứ vững chắc hơn”.
Qua ý kiến thảo luận tại các tổ chiều 4.11, có nhiều ý kiến của đại biểu QH ủng hộ việc xây dựng SBLT, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng chưa nên xây dựng sân bay này vào thời điểm hiện nay khi nợ công ngày càng tăng cao, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn... Nhiều ý kiến cho rằng nên lùi thời điểm xây dựng sân bay sang năm 2020 hoặc 2030 - khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, khởi sắc trở lại.