Tăng trưởng kinh tế cao hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đang đi vào quỹ đạo.
Xuất khẩu dệt may tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2014 và là niềm tin trong những năm tới - Ảnh: Hữu Khoa
Đó chính là những thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2014. Tuy nhiên, nợ xấu, nợ công, cơ chế tỉ giá cố định và khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là những mối đe dọa cản trở sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Những dấu hiệu hi vọng
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước đạt khoảng 5,93% năm 2014. Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2013, nhưng đây vẫn là năm thứ ba liên tiếp kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 6%.
Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi chậm và chưa thật sự thoát ra khỏi vùng đáy. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng đà phục hồi trong năm 2014 là vững chắc nhờ sự tăng trưởng tương đối cao của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
So với cùng kỳ 2013, ngành công nghiệp chế biến đã có mức tăng trưởng lên tới 8,6% trong chín tháng đầu năm 2014, tăng mạnh so với con số tương ứng 6,8% của năm 2013 và 4% của năm 2012.
Tương tự, ngành công nghiệp xây dựng đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3% trong chín tháng đầu năm 2014, cao hơn rất nhiều so với con số 5,3% tương ứng của năm 2013 và 2% của năm 2012.
Tiếp nối hai năm trước, thành tích lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2014 là kinh tế vĩ mô ổn định: lạm phát thấp, mặt bằng lãi suất thấp và tỉ giá ổn định. Tốc độ tăng CPI cả năm 2014 của cả nước được dự toán sẽ ở mức dưới 3%. Đây là tốc độ tăng CPI thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2012 tới nay.
Điều đáng mừng là mức lạm phát thấp không đi kèm với sự suy giảm tiêu dùng trong dân cư. Tốc độ tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hằng tháng so với cùng kỳ năm trước đã ổn định ở mức khoảng 11% kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Nhờ lạm phát thấp nên mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế đã giảm đáng kể so với các năm trước. Các lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn từng bước được điều chỉnh giảm từ mốc 14-15% ở thời điểm cuối năm 2011, xuống còn 7-9% vào cuối năm 2012, 5-7% vào cuối năm 2013 và 4,5-6,5% vào thời điểm cuối năm 2014.
Cùng thời gian này, trần lãi suất huy động ngắn hạn cũng được giảm mạnh từ mốc đỉnh 14% xuống chỉ còn 5% như hiện nay.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo với lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và một tuần hiện chỉ còn khoảng 1,3-1,7%/năm. Bước sang quý 4-2014, lãi suất của các khoản vay mới đối với doanh nghiệp phổ biến ở mức xấp xỉ 10%, trong đó có nhiều khoản vay ưu đãi lãi suất chỉ còn 5-6%. Tỉ giá USD/VND và thị trường ngoại hối ổn định kể từ năm 2012 đến nay.
Lý do chính của sự ổn định này là sự cân bằng của cán cân thương mại. Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thặng dư với gần 0,36 tỉ USD vào năm 2012, 1,22 tỉ USD vào năm 2013 và ước 2,88 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2014.
Sự cân bằng của cán cân thương mại đã giúp cán cân thanh toán giai đoạn 2012-2014 thặng dư và nhờ đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng được tổng mức dự trữ ngoại hối từ chỉ khoảng 14 tỉ USD vào đầu năm 2012 lên hơn gấp đôi, khoảng 35 tỉ USD như hiện nay.
Dấu hỏi cho nợ xấu, nợ công
Có thể nói những cải thiện của năm 2014 đang tạo tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2015. Tuy nhiên, sự phục hồi trong năm 2014 còn khá bấp bênh do nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với vấn đề nợ xấu và nợ công.
Thứ nhất, bất chấp những nỗ lực tái cơ cấu, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao. Việc thành lập và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được đánh giá là kém hiệu quả do không giải quyết được triệt để, mà chỉ kéo dài thời gian xử lý nợ xấu.
Nợ xấu cao đã khiến tốc độ giảm lãi suất cho vay chậm hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. Điều này cùng với sự thận trọng của các ngân hàng thương mại khiến nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Thứ hai, nợ công chính thức của Việt Nam có nguy cơ vượt trần 65% vào năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này là do chi tiêu công có xu hướng tăng nhanh để bù đắp cho sự sụt giảm chi tiêu của khu vực tư nhân trong những năm gần đây.
Tổng vốn đầu tư công trong ba năm 2011-2013 đã xấp xỉ tổng vốn đầu tư công thực hiện của cả giai đoạn năm năm trước đó. Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước và đặc biệt là vốn trái phiếu chính phủ cao hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch.
Cho tới nay, đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ gần như đã đạt kế hoạch của cả giai đoạn 2011-2015 và Quốc hội khóa XIII đã phải thông qua đề nghị của Chính phủ phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho hai năm tới.
Chi tiêu công tăng nhanh trong khi nền kinh tế chậm hồi phục đã khiến thâm hụt ngân sách nhà nước đang có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn khi tăng từ 4,4% GDP trong năm 2011 lên 5,3-5,5% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2012-2014.
Dự kiến mức thâm hụt ngân sách này còn tiếp tục cao trong những năm tới do nhiều nguồn thu giảm sút như thu từ dầu thô, thu thuế thu nhập và thu viện trợ không hoàn lại.
Đáng chú ý, dự kiến trong năm 2014, thâm hụt ngân sách (5,3% GDP) đã vượt chi đầu tư phát triển (3,9% GDP). Điều này hàm ý Chính phủ đã phải dành một phần đi vay để tài trợ cho tiêu dùng.
Thứ ba, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn quá chậm chạp. Cho tới cuối năm 2014, những động thái thoái vốn ngoài ngành dường như giẫm chân tại chỗ.
Theo Bộ Tài chính, từ tháng 1 đến tháng 10-2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới hoàn tất thoái 2.415 tỉ đồng (đạt 10,7% tổng vốn cần thoái) khỏi các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư. Còn tiến độ cổ phần hóa thì mới chỉ tiến hành được 75/432 doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa trong hai năm 2014-2015.
Nếu như cố ép phải thoái vốn toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa hết số doanh nghiệp nhà nước còn lại để đạt kế hoạch thì rất có thể việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ rơi vào hình thức.
Cuối cùng, cơ chế tỉ giá cố định mà NHNN đang cố gắng duy trì hiện nay có nguy cơ trở thành nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô cho Việt Nam trong năm 2015. Trong hai năm qua, tỉ giá của VND so với USD được duy trì ổn định phần lớn là nhờ Việt Nam có thặng dư thương mại.
Những nhân tố giúp cho hiện tượng này xảy ra như chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến USD yếu hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới, hay nhu cầu đầu tư và tiêu dùng yếu của nền kinh tế trong nước sẽ không còn nữa.
Một khi những yếu tố này đảo chiều, VND sẽ chịu sức ép mất giá. NHNN sẽ buộc phải điều chỉnh tỉ giá để giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa các nước trong khu vực.
Với cơ chế tỉ giá cố định như hiện nay, NHNN sẽ ở thế bị động trên thị trường. Khi sức ép mất giá lớn dần, tỉ giá trên thị trường tự do hoặc tỉ giá “thật” trong hệ thống tín dụng sẽ vượt ra ngoài mức trần quy định của NHNN, buộc NHNN sẽ phải phá giá theo.
Sức ép càng lớn sẽ có nguy cơ khiến NHNN phải phá giá VND với biên độ lớn như những năm 2009-2011, gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Dù vẫn còn những thách thức lớn tiếp tục phải giải quyết trong năm 2015, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2014. Môi trường kinh tế vĩ mô về cơ bản sẽ tiếp tục ổn định với mức lạm phát thấp dưới 5%.
Nếu Việt Nam vượt qua được những thách thức kể trên, triển vọng kinh tế trong những năm tới sẽ sáng sủa hơn.
Theo Tuổi Trẻ