Không chỉ lập hợp đồng mua bán sắt thép khống để được coi là tài sản hình thành trong hợp đồng để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, đối tượng còn dùng một tài sản đem đi thế chấp cho nhiều ngân hàng.
Người TQ cuỗm tiền Oceanbank, BIDV...: Xử nghiêm sai phạm ngân hàng
- Cập nhật : 25/07/2014
Trong trường hợp này cần xử lý nghiêm những ngân hàng làm kém, làm sai, làm không đúng và những kẻ lợi dụng để lấy cắp tài sản khách hàng.
Luật sư Trần Đình Triển - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm về vụ án người Trung Quốc thuê người Việt Nam thành lập công ty ma, mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ giả qua máy POS để chuyển tiền vào tài khoản các công ty đã mở để rút trực tiếp tại các ngân hàng hoặc ATM.
Xử lý trách nhiệm ngân hàng
Vừa qua, Phòng cảnh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PC50 - CA TP Hà Nội đã phối hợp cùng phòng 3 - C50 Bộ Công an triệt phá ổ nhóm chuyên rút trộm tiền của ngân hàng bằng thẻ giả, bắt giữ kẻ phạm tội là Zeng Xiao Tian Tăng Hiếu Thiên (SN 1984) mang quốc tịch Trung Quốc.
Tăng Hiếu Thiên đã thuê người Việt Nam mở 4 công ty ma lựa chọn ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán quẹt thẻ qua máy POS bao gồm ngân hàng Sacombank, BIDV, Oceanbank, Eximbank, Vietinbank và Vietcombank mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ, sử dụng thẻ giả quẹt qua máy POS chuyển tiền vào tài khoản các công ty đã mở để rút trực tiếp tại các ngân hàng hoặc cây ATM.
Thiệt hại vật chất đã cấu thành, cụ thể trường hợp ngân hàng Oceanbank theo xác minh ban đầu tổng số giao dịch thanh toán thẻ mà ổ nhóm tội phạm thực hiện thành công là 333 giao dịch với tổng số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng; ngân hàng Eximbank sau khi phát hiện ra một giao dịch giả mạo trị giá 6.800.000 đồng đã yêu cầu truy thu lại số tiền, huỷ hợp đồng để thu hồi số tiền.
Thay vì báo cơ quan chức năng khi phát hiện các giao dịch giả mạo, ngân hàng chỉ tiến hành hủy hợp đồng điều này được cơ quan công an cho biết đã gây khó khăn cho công tác điều tra.
Đồng ý với quan điểm của cơ quan công an, luật sư Trần Đình Triển cho biết, đã có nhiều vụ án tương tự từng xảy ra, đáng ra ngân hàng hay cơ quan bảo vệ pháp luật phải lên tiếng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân biết được, phòng ngừa đồng thời là sự cảnh báo cho hệ thống ngân hàng cần tăng cường biện pháp đảm bảo tiền gửi cho khách hàng nhưng chúng ta lại cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nên giấu biệt đi.
Việc lừa đảo sử dụng công nghệ cao như làm giả thẻ thanh toán để rút tiền ngân hàng hay trộm cước viễn thông, sử dụng internet để lừa đảo… có xu hướng gia tăng |
"Sự giấu diếm càng ngày càng nguy hại bởi vì tội phạm càng lợi dụng và hoạt động càng nhiều. Điều này khiến người dân mất cảnh giác. Thậm chí khi bắt đầu xảy ra tranh chấp hệ thống ngân hàng thường không bao giờ thừa nhận sai sót mà đổ cho khách hàng cho đến khi khách hàng có được chứng cứ đầy đủ để chứng minh khi đó ngân hàng mới bắt đầu thừa nhận", luật sư Trần Đình Triển nói.
Liên quan đến vấn đề bồi thường hay không bồi thường, luật sư Trần Đình Triển cũng cho biết, đây là vấn đề nằm trong "tổ bí mật mà lâu nay chúng ta vẫn cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm".
"Bồi thường hay không bồi thường cũng nằm trong tổ bí mật mà chúng ta đang cho rằng đây là vấn đề nhạt cảm liên quan đến chính sách tiền tệ. Nhưng sự giấu kín càng ngày càng khiến sự việc trở nên nguy hiểm hơn", luật sư Trần Đình Triển cảnh báo.
Theo đó, luật sư Trần Đình Triển kiến nghị, CA Hà Nội cũng như C50 Bộ Công an cần xử lý nghiêm những ngân hàng làm kém, làm sai, làm không đúng và những kẻ lợi dụng để lấy cắp tài sản khách hàng và công khai hóa cho người dân phòng ngừa.
Cân nhắc trách nhiệm hình sự của cá nhân trong ngân hàng
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, chủ thẻ là khách hàng có tiền trong tài khoản gửi tại ngân hàng nên trong mọi trường hợp, ngân hàng có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi cho khách hàng.
Oceanbank, Eximbank, Vietinbank, Sacombank, BIDV và Vietcombank là những ngân hàng mà các đối tượng phạm tội mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ |
“Việc đối tượng lừa đảo sử dụng thẻ giả “qua mặt” được ngân hàng để rút tiền cho thấy hệ thống cơ sở dữ liệu tiền trong tài khoản của chủ thẻ không được đảm bảo an toàn. Là đơn vị nhận tiền gửi của khách hàng, ngân hàng cần có các biện pháp phát hiện và ngăn chặn các giao dịch giả mạo, đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng. Do đó, trường hợp này ngân hàng phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng và là chủ thể phải chịu thiệt hại”, luật sư Trịnh Cẩm Bình nói.
Cũng theo luật sư Trịnh Cẩm Bình, khi xảy ra vấn đề tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng về người chịu trách nhiệm đối với mất mát trong khoản tiền gửi của khách hàng, khách hàng có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì khách hàng hoàn toàn không có lỗi.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng, nếu khách hàng gửi tiền tại ngân hàng lại luôn gánh chịu thiệt hại khi xảy ra mất mát do tội phạm lừa đảo như trên sẽ gây ra tâm lý hoang mang cho người gửi tiền và khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng sẽ không còn tin tưởng vào hệ thống an ninh của ngân hàng.
Còn luật sư Trần Đình Triển chỉ thẳng, ngân hàng đã sai khi không thông báo cho cơ quan chức năng về những giao dịch giả mạo.
“Từ hành vi cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm hay có sự việc làm ảnh hưởng đến đường lối chính sách phát triển kinh tế mà ngân hàng giấu đi thì đây là một trong những hành vi không trung thực.
Tính chất tăng nặng hay giảm nhẹ, tội danh tùy vào tính chất sự việc, sự thiệt hại để cơ quan tiến hành tố tụng tính toán hành vi đó mức độ nguy hiểm như thế nào cần xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Đình Triển nói.
Cấu thành hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Về dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng, cần xác định rõ Ngân hàng đã xác minh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Việc làm này cũng như việc Ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp ký hợp đồng với ngân hàng để thực hiện thanh toán thẻ, Ngân hàng cần xác minh xem doanh nghiệp có hoạt động hay không để hạn chế thấp nhất các hoạt động phi pháp xảy ra, bảo đảm an toàn đồng tiền cũng như uy tín của Ngân hàng.
Trên cơ sở đó mới có thể xác định cán bộ của Ngân hàng được giao nhiệm vụ xác minh hoạt động của doanh nghiệp đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình chưa, thể hiện trên các tài liệu thu thập nào.
Lãnh đạo của Chi nhánh Ngân hàng đã xem xét hồ sơ xác minh của cán bộ Ngân hàng như thế nào, đã đầy đủ chưa? Từ đó, xác định trách nhiệm cụ thể của người thiếu trách nhiệm gây ra hành vi chiếm đoạt tài sản, làm thất thoát tài sản.
Nguyên Thảo// Đất Việt