Cháy nổ tại doanh nghiệp ở giữa khu dân cư, tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp liên tiếp xảy ra càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất kiểm soát trong công tác phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh. trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn cho rằng, cháy nổ là do người công nhân, người dân không có ý thức(!?). Đã đến lúc phải cấm doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu dân cư và xem xét nghiêm túc công tác PCCC tại khu công nghiệp.
Chỉ trong 3 ngày cuối tuần, hàng loạt vụ cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây thiệt hại nặng nề về vật chất.
“Bà hỏa”viếng thăm bất cứ lúc nào
Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, tuy đã áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC, tình hình cháy nổ trong thời gian qua lại có xu hướng diễn biến phức tạp. Số vụ cháy gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt mới đây nhất là vụ nổ tại xưởng sản xuất Cty Đặng Huỳnh, ở quận 12, cơ sở này nằm xen cài trong khu dân cư, khi xảy ra vụ nổ đã cướp đi sinh mạng 3 nữ công nhân, 5 người dân bị thương, 7 nhà dân bị phá hủy, 45 nhà dân bị ảnh hưởng..
Vụ cháy tối 18.10 tại KCN Quang Minh (Hà Nội).
Sai lầm về phòng chống cháy nổ tại khu công nghiệp
Cũng theo cơ quan này, hiện nay thành phố đang tồn tại rất nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể kết hợp nhà ở và kinh doanh buôn bán. Các cơ sở này thường được xây dựng bán kiên cố, nhà cấp 4 tường gạch, mái tôn…
Với các dạng nhà như vậy, thường chỉ có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính căn nhà. Đặc biệt đối với các dãy phố nhà liền kề, các cơ sở này thường có diện tích nhỏ, ba mặt được bịt kín bởi các công trình, nhà dân xung quanh, nên khi xảy ra sự cố cháy nổ rất dễ gây thiệt hại về người, do không có lối thoát. Bên cạnh đó, các cơ sở nhỏ lẻ này thường chứa nhiều vật dụng, hàng hoá dễ cháy, nguy hiểm cháy nổ như hoá chất dễ cháy nổ, gas nấu ăn, sản xuất, xăng dầu trong các xe, máy móc, vải, giấy, gỗ, nhựa, mút xốp, sơn, mực, cồn, rượu…Với đa dạng các chất nguy hiểm - dễ cháy nổ như vậy, thì rõ ràng là người dân ở trong các khu vực này có thể bị hỏa hoạn giáng xuống đầu bất cứ lúc nào.
Trong khi đó tại Hà Nội, khuya ngày 18.10 cũng đã xảy ra hai vụ hỏa hoạn lớn. Một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại kho của Cty Nippon ExpressVN và một phần của Cty Woodsand thuộc KCN Quang Minh (huyện Mê Linh), một vụ xảy ra tại phố Dương Đình Nghệ (phường Yên Hòa, Q.Cầu Giấy). Hai vụ hỏa hoạn xảy ra cùng thời điểm, khiến lực lượng PCCC Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp nước, và việc chi viện các chiến sĩ cứu hỏa. Rất may cả hai vụ đều không có thiệt hại về người.
Có trách nhiệm của các cơ quan quản lý!?
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà nội - khẳng định rằng, hai điểm xảy ra cháy nói trên vào khuya ngày 18.10 đều đã được lực lượng này kiểm tra định kỳ và đều đạt tiêu chuẩn an toàn PCCC.
Tuy nhiên, việc cháy nổ đã xảy ra tại 2 địa điểm này. Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân để xảy ra cháy thì có rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ chốt là do con người. Đơn cử như vụ cháy ở Quang Minh, cả cơ sở sản xuất hàng nghìn con người, chỉ cần một người vô ý thức, một tàn thuốc hay chỉ một hành động bất cẩn có thể khiến hàng loạt ngôi nhà bị cháy rụi. Chính vì vậy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, là điều kiện trước tiên để hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc liên quan đến hoả hoạn.
Hiện nay do ý thức của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người dân về phòng cháy chữa cháy chưa cao, nhiều người vẫn bất cẩn khi thắp hương, hàn xì, sửa chữa gây chập điện dẫn đến cháy nổ… Ngoài ra, Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội còn cho rằng, nguyên nhân trực tiếp gây ra một số vụ cháy là do khí hậu thời tiết nắng nóng hoặc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện dẫn tới quá tải điện, chập điện gây cháy, nổ…
“Trên thực tế, để xảy ra các vụ cháy thì trách nhiệm trực tiếp thuộc về các cá nhân, tổ chức đã không bảo đảm các quy định về phòng chống cháy nổ, không tuân thủ đúng các quy trình vận hành, thao tác trong quá trình làm việc; trách nhiệm gián tiếp thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình để xảy ra các vụ cháy…” – ông Sơn cho biết như vậy, và cho rằng: Có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng cháy, chữa cháy, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao.
Cảnh báo tình trạng nhà dân, trụ sở cty… không có lối thoát hiểm
Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội và TP.HCM, hiện nay, tình trạng nhà dân cư, cơ sở kinh doanh, Cty, xí nghiệp… thiếu hoặc không có lối thoát hiểm đang là cảnh báo cao độ về an toàn PCCC. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng đảm bảo an toàn về điều kiện thoát nạn, đó là mỗi cơ sở, nhà dân, ngoài một lối thoát nạn bằng cửa chính bắt buộc phải bố trí lối thoát nạn dự phòng.