Trong nhiều trường đại học ngoài công lập, cuộc đấu tranh hỗn loạn để xác lập chủ sở hữu của từng thành viên cổ đông cũng như tập thể nhà trường dường như diễn ra thường trực. ĐH Hoa Sen không là ngoại lệ.
Doanh nghiệp kiện: Hoãn phiên xử đòi bồi thường 1,2 tỷ đồng trong vụ sữa Danlait
- Cập nhật : 23/08/2014
Cho rằng vị phó chi cục quản lý thị trường Hà Nội thông tin không đúng về chất lượng sữa dê Danlait, gây thiệt hại 26 tỷ đồng, Công ty Mạnh Cầm kiện ra tòa, yêu cầu xin lỗi, bồi thường.
Sáng 22-8, theo kế hoạch, vụ kiện dân sự này được mở tại TAND Hà Nội. Tuy nhiên, phiên xử đã không diễn ra do bị đơn là ông Vương Chí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, xin hoãn vì bận công việc. Phiên tòa chưa định ngày mở lại.
Ngày 21/2/2013, Đội quản lý thị trường số 12 kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty Mạnh Cầm, trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đội thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Danlait vì cho rằng sản phẩm được đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng được bán ra thị trường với nhãn phụ là sữa. Giá nhập về Việt Nam khoảng 4 euro một hộp 400gram (tương đương 110.000 đồng) nhưng Mạnh Cầm phân phối với giá tới đại lý là 350.000 đồng. Hơn nữa, theo quy chuẩn Việt Nam, sữa phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên, song các sản phẩm này chỉ có độ đạm 11%-20%.
Khoảng 6.000 lon sữa đã bị thu giữ sau cuộc kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường tại Công ty Mạnh Cầm.
Xác minh sự việc, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hai lần lấy mẫu kiểm tra, kết quả cho thấy sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và đúng theo tiêu chuẩn cơ sở của công ty công bố. Hàng hóa đảm bảo chất lương an toàn thực phẩm, đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Đại sứ quán Pháp có văn bản khẳng định sản phẩm sữa dê Danlait đã được Bộ Nông nghiệp, Nông lương và Lâm sản của Pháp cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Công ty Mạnh Cầm sau đó khởi kiện ông Vương Chí Dũng lên TAND Hà Nội, cho rằng thời điểm chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm, ông Dũng đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng sản phẩm sữa của công ty không đạt chất lượng...
Trong đơn, phía nguyên đơn cho rằng chỉ sai một lỗi duy nhất là ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành nhưng ông Dũng đã làm nghiêm trọng hóa sự việc, nói vi phạm nhiều lỗi trong quá trình kiểm tra... Sự việc trên đã khiến uy tín công ty bị ảnh hưởng, thiệt hại 26 tỷ đồng, có nguy cơ phá sản.
Ngoài việc đề nghị tòa tuyên hủy quyết định xử phạt, công ty Mạnh Cầm còn yêu cầu ông Dũng phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường 1,25 tỷ đồng.
Bảo Hà - Theo VNEX