Dán kín buồng ATM bằng giấy, treo bảng sửa chữa, dùng sơn bôi đen camera, dùng xe cẩu cẩu cả thùng ATM đi hay sử dụng hàn khò phá thùng chứa tiền để lấy tài sản… là các thủ đoạn mà tội phạ sử dụng để đột nhập buồng ATM lộ thiên nhằm lấy tài sản trong thời gian qua.
3h sáng 15/11/2014, ba đối tượng đi xe ôtô 4 chỗ dừng trước buồng ATM trên đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP Hồ Chí Minh dùng xe tải che chắn buồng ATM. Chúng dùng xà beng phá cửa, phá máy để lấy tài sản. Tuy nhiên khi chúng đang thực hiện hành vi, một tổ công tác tuần tra ngang qua phát hiện hô hoán nên các đối tượng phải lên ôtô tẩu thoát.
Còn buồng ATM đặt trong khuôn viên Trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh (Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) có camera an ninh, hệ thống báo trộm tự động, có bảo vệ canh cổng nhưng vẫn bị các đối tượng xâm nhập dùng bình khò phá hộc đựng tiền, lấy đi 990 triệu đồng…
Một vụ cắt phá ATM vào ban đêm xảy ra trên địa bàn quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 12/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 96 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, trong đó quy định, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ bị phạt hành chính 15 triệu đồng. Theo một trưởng chi nhánh ngân hàng T ở quận 6, TP Hồ Chí Minh, với quy định như vậy, mỗi máy ATM đặt ngoài trời luôn luôn tồn một lượng tiền lớn, và đây là mục tiêu của tội phạm.
Ngày 31/12/2014, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Toàn Thắng đã ký Thông tư số 47/2014/TT/NHNN về việc quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn bảo mật tuyệt đối thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng. Trong đó, ngoài việc thiết kế các buồng ATM che giấu các thành phần bộ phận quan trọng thì ngân hàng chủ quản của các buồng ATM lộ thiên phải trang thiết bị cảm biến báo động nhiệt (khò, hàn) báo động lực… để tránh tình trạng bị tội phạm xâm nhập. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4/2015.
Mặc dù đã có thông tư hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều ngân hàng chủ quản của các buồng ATM đặt lộ thiên chưa có nhiều động thái để đảm bảo an toàn cho các buồng ATM. Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những buồng ATM được đặt tại các khu vực đông đúc người qua lại, đặt tại sảnh của các khách sạn, nhà hàng lớn, thì có rất nhiều buồng ATM được đặt tại các khu vắng vẻ hoặc bị che khuất bởi cây cối và thiếu đèn chiếu sáng, khó đảm bảo an toàn.
Những vụ phá buồng ATM để trộm chủ yếu là những khu vực này, thời điểm gây án thường vào khuya hoặc rạng sáng, khi đường vắng người qua lại và bảo vệ canh gác cũng thấm mệt. Bảo vệ của một nhà hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, các buồng ATM tại đây đều có gắn camera quan sát, còi báo động… nhưng cũng khó phát hiện bởi không có người trông coi. Khi thông tin máy bị phá báo về trung tâm thì dù cho có đến hiện trường sớm nhất, đối tượng cũng cao chạy xa bay.
Nhiều ngân hàng những tưởng buồng ATM đặt tại trường học, công sở sẽ đạt được độ an toàn cao khi khu vực này đã có các bảo vệ tại chỗ túc trực. Tuy nhiên, nhiều vụ án phá buồng ATM trộm tài sản đã xảy ra khi có mặt bảo vệ của những khu vực này. Bảo vệ tại đây chỉ thực hiện chức năng của mình đối với nhiệm sở, còn những khu vực đặt máy ATM, có dấu hiệu khả nghi thì họ mới dòm ngó tới. Ngoài ra, nhiều ngân hàng quá chủ quan vào thiết bị cảnh báo, chống trộm hiện đại được gắn tại các buồng ATM nên lơ là yếu tố con người.
Trưởng phòng của một công ty bảo vệ ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trước đây các chi nhánh ngân hàng thuê bảo vệ túc trực tại các buồng ATM đặt ngoài trời, nhưng có lẽ các ngân hàng nghĩ gánh thêm một đội ngũ bảo vệ tại các buồng ATM là quá lãng phí nên đã cắt dần dịch vụ này. Tuy nhiên, có một sai lầm mà chủ quản của các buồng ATM mắc phải là dù thiết bị hiện đại đến cỡ nào nhưng các buồng ATM đặt ở nơi vắng vẻ, không người trông coi thì nguy cơ bị đột nhập và phá hại rất cao. Nếu phát hiện bị xâm nhập thì chu trình xử lý kéo dài khiến tạo cơ hội cho các đối tượng có thời gian bỏ trốn.
Trước khi Thông tư 47 có hiệu lực và các ngân hàng triển khai hàng loạt hệ thống cảnh báo, các chi nhánh ngân hàng cũng nên nghĩ đến yếu tố con người, đó là lực lượng bảo vệ tại chỗ, trực gác để đảm bảo các buồng ATM được an toàn.
Theo: M.Đ - CAND