Theo một khảo sát của VCCI, hiện nay 170 nước trên thế giới không bắt buộc doanh nghiệp sử dụng con dấu trong giao dịch, xác nhận giấy tờ và chỉ còn 7 nước, trong đó có VN vẫn bắt buộc phải có.
Trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, một số tập đoàn kinh tế nước ngoài, thư và công văn của một số vị thủ tướng, tổng thống gửi cho ông không hề có con dấu. Đó là một xu hướng đã lâu ở nhiều nước, nhưng ở VN, con dấu vẫn được sử dụng quá nhiều.
Ở một số nước còn lại, trong đó có VN, sử dụng con dấu đã thành một thói quen, văn hóa, nhưng thực sự bây giờ con dấu không còn an toàn, rất dễ làm giả. Xu hướng là phải thay thế con dấu bằng chữ ký điện tử
Ông Jean Michel, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới
Tại hội thảo cải cách sử dụng con dấu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức hôm qua 9.10, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung nhắc lại ý kiến này và nói: “Thực sự, ý tưởng cải cách, thay đổi cách thức sử dụng con dấu này không xuất phát từ sáng kiến cá nhân nào, từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) mà lại được chỉ đạo từ cấp cao nhất, từ Thủ tướng, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ KH-ĐT mới đây”. Theo ông Cung, sau đó bằng văn bản, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu, trong luật DN (sửa đổi) phải biến “con dấu” thành yêu cầu không bắt buộc. DN được khắc dấu nếu thấy cần thiết và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; không phải đi xin con dấu và khắc theo một mẫu như hiện nay. “Chúng tôi đã quy định vào điều 44 trong dự thảo luật DN. Tôi đánh giá đó là một cải cách lớn không phải trong nghiệp vụ này mà là thay đổi lớn về mặt tư duy”, ông Cung nói.
Khốn khổ vì... con dấu
Ai cũng biết, hàng chục năm qua con dấu đã bị lạm dụng quá nhiều. Luật DN và nhiều luật chuyên ngành đã bắt buộc sử dụng con dấu; DN mới khai sinh, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh gì đã phải gặp ngay công an để làm con dấu; nhất nhất mọi hoạt động giao dịch… đều dùng con dấu. Nếu để mất con dấu, mọi hoạt động của DN bế tắc. “Giống như một xiềng xích, DN phải bám chặt vào con dấu. Vì đã trở thành như bộ phận tất yếu nay được cởi trói thì lại thấy mất mát, lo lắng… Nó giống như thứ nghiện mà DN cần phải cai”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho biết: “Khi chúng tôi khảo sát, nhiều DN tỏ ý lưỡng lự nói rằng, việc này đỡ tốn thời gian, chi phí nhưng hoài nghi vì đối tác sẽ không quen. Họ nói, cản trở lớn nhất là cơ quan nhà nước yêu cầu. Nếu hồ sơ, giấy tờ vẫn yêu cầu thì không có con dấu là không được”.
Trên thực tế, việc sử dụng con dấu đã gây ra rất nhiều phiền toái. Luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty tư vấn “K và cộng sự” nói: “Nhiều vụ tranh chấp ở các công ty cổ phần có người còn cướp con dấu đem đi vì ai chưa nắm được con dấu coi như chưa nắm được chính quyền, nghị quyết đại hội cổ đông sau khi họp mà không có con dấu, không thi hành được”. Cho rằng việc quá đề cao con dấu đã gây nên nhiều hệ quả, ông Khoát dẫn chứng: “Như vụ Viettinbank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả đến 8 con dấu, làm chứng từ giả. Nếu không quá đề cao tính pháp lý của con dấu, Huyền Như đã không thể lừa đảo được hàng ngàn tỉ đồng như vậy”.
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Phản biện chính sách - Hội Các nhà quản trị DN VN, cho biết: “Nhiều năm qua, có rất nhiều vụ chiếm giữ con dấu để tranh giành quyền lực ở DN như ở Công ty cổ phần Hữu nghị Hà Nội, Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng, Đại học Hùng Vương… Mới đây có vụ Công ty cổ phần tư vấn đầu tư STN (TP.HCM) chiếm giữ con dấu, làm tê liệt hoạt động của công ty trong thời gian dài”.
Con dấu không còn an toàn nữa
Tham dự hội thảo, ông Jean Michel, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: “Ở một số nước còn lại, trong đó có VN, sử dụng con dấu đã thành một thói quen, văn hóa, nhưng thực sự bây giờ con dấu không còn an toàn, rất dễ làm giả. Xu hướng là phải thay thế con dấu bằng chữ ký điện tử. Cách làm tốt nhất như ở các nước là ban hành luật Chữ ký điện tử, luật Giao dịch thương mại điện tử công nhận chữ ký điện tử của DN, quy định scan chữ ký, đưa vào hợp đồng, giấy tờ”.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, để có thể thay đổi quy định về con dấu không đơn giản vì sẽ phải rà soát, sửa đổi về kỹ thuật rất nhiều do quy định về con dấu có trong khoảng… 20 luật. Luật sư Trương Thanh Đức thì đề nghị bãi bỏ hoàn toàn con dấu để theo thông lệ quốc tế, tránh sửa đi sửa lại luật nhiều lần.
Riêng luật sư Cao Bá Khoát lại cho rằng: “Cần hướng tới bãi bỏ hoàn toàn con dấu, nhưng trước mắt hãy cho DN lựa chọn, như một dấu hiệu nhận dạng. Tôi nghĩ là việc để DN tự làm con dấu, ban đầu chưa quen nhưng sau cũng sẽ quen”.
52% DN đồng ý bỏ
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho biết, một khảo sát nhanh của VCCI với cộng đồng DN tuần qua cho thấy, có tới 52% DN đồng ý bỏ con dấu, 30% ý kiến đề nghị cho DN khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước và chỉ có 28% ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay. “Nhiều DN tỏ ra hào hứng về việc sẽ tự làm dấu với hình dáng, màu sắc khác nhau, thay cho mỗi kiểu dấu tròn, đỏ như hiện nay”, ông Đức nói.