Các cá nhân, hộ gia đình nếu doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp lệ phí môn bài.
Người chưa đủ 6 tuổi có được làm chứng?
- Cập nhật : 27/05/2017
Quá trình sửa đổi BLTTHS lần này cần bổ sung rõ quy định về tuổi của nhân chứng để tránh những cách hiểu khác nhau.
BLTTHS hiện hành không quy định về độ tuổi của người làm chứng. Thực tiễn truy tố, xét xử cho thấy việc xác định người chưa đủ sáu tuổi có được là nhân chứng trong vụ án hình sự hay không còn nhiều tranh cãi. Đặc biệt là trong những vụ án có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, khi người trực tiếp và duy nhất nhìn thấy sự việc chưa đủ sáu tuổi.
Tòa, viện chỏi nhau vì nhân chứng… nhí
Vụ án Nguyễn Văn Đồng ở Bình Phước bị truy tố, xét xử về tội giết người dưới dây là một ví dụ điển hình.
Khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất hồi tháng 8-2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bố bị cáo không phạm tội. Lý do là hồ sơ buộc tội vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không đủ chứng cứ buộc tội. Trong đó, HĐXX đã không công nhận lời khai của nhân chứng trực tiếp duy nhất là cháu TKTh sinh ngày 15-7-2007 (con của nạn nhân). Tòa cho rằng thời điểm cháu Th. làm chứng chưa đủ sáu tuổi (chỉ năm tuổi sáu tháng 13 ngày), căn cứ vào Điều 21 BLDS năm 2005 thì: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự”.
Sau đó VKSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị bản án này. Ngày 24-2-2016, tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại. Trong phiên xử sơ thẩm lần hai vào ngày 29-3 vừa qua, HĐXX TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bố bị cáo Đồng phạm tội và xử phạt chung thân về tội giết người.
Phiên xử vụ Nguyễn Văn Đồng ở Bình Phước từng gây tranh cãi về tuổi của nhân chứng. Ảnh: N.ĐỨC
Luật chưa rõ
Khoản 1 Điều 55 BLTTHS quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể triệu tập đến làm chứng”.Những người sau đây không được làm chứng: Người bào chữa của bị can, bị cáo; người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
Có ý kiến cho rằng tuy BLTTHS quy định các trường hợp không được làm chứng nhưng không có nghĩa độ tuổi nào (không thuộc trường hợp bị cấm) cũng đều có thể là người làm chứng. Bởi về nguyên tắc, một cá nhân có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật thì họ phải là người có năng lực hành vi dân sự. Trong khi năng lực hành vi chỉ được pháp luật thừa nhận khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định.
BLHS, BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01-2011 giữa VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thi hành BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên) đều chưa có quy định về độ tuổi của người làm chứng. Vì vậy, phải căn cứ vào Điều 21 BLDS 2005 nhận định của TAND tỉnh Bình Phước nêu trên để xác định người sáu tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Họ không thể trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự.
Nhưng tòa vẫn cho phép
Tuy nhiên, thực tế xét xử thì cơ quan tố tụng không cấm người dưới sáu tuổi đến tòa với tư cách là người làm chứng.
Cụ thể, trong vụ án nêu trên, kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng tòa sơ thẩm không công nhận người làm chứng là người chưa đủ sáu tuổi là không có căn cứ. Bởi cháu Th. tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người làm chứng trong vụ án hình sự được điều chỉnh theo quy định của BLTTHS. Trong khi khoản 1 Điều 55 BLTTHS 2003 quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể triệu tập đến làm chứng”. Theo đó, cháu Th. vẫn tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng được, do luật không quy định độ tuổi của người làm chứng.
Mặt khác, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 17 BLDS 2005 được hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Còn năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định rõ tại khoản 3 Điều 14 bộ luật này: “Có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Chỉ cần lưu ý, khi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên cần phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch số 01-2011.
Lập luận này sau đó đã được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận để tuyên hủy bản án sơ thẩm lần thứ nhất như trên. Điều này chứng tỏ tòa đồng tình với quan điểm kháng nghị của VKS.
Vấn đề cần đặt ra là các cơ quan tư pháp trung ương cần có hướng dẫn chính thức để áp dụng pháp luật thống nhất về sau. Cụ thể là BLTTHS cần bổ sung quy định tố tụng này để tránh cách hiểu khác nhau. Bởi thực tế tại Điều 66 BLTTHS 2015 cũng chưa quy định cụ thể về độ tuổi của nhân chứng.
Vụ án Lê Văn Luyện cũng có nhân chứng nhí
Năm 2013, Trường Cán bộ tòa án - TAND Tối cao phát hành tài liệu về nghiệp vụ, có nêu thực tiễn điều tra, truy tố xét xử chưa xác định người nào chưa đủ sáu tuổi là người làm chứng khi giải quyết vụ án. Chẳng hạn, trong vụ án cướp tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang do hung thủ Lê Văn Luyện thực hiện năm 2011, con gái của nạn nhân chưa đủ sáu tuổi khẳng định đã nhìn thấy có hai tên cướp. Tuy nhiên, do không có chứng cứ nào khác nên tòa vẫn chỉ tuyên có một mình Luyện thực hiện vụ cướp này.
Theo tài liệu này, trong vụ án hình sự, lời khai của người làm chứng thường được các cơ quan tố tụng coi là một trong các nguồn chứng cứ phổ biến nhất dùng làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
HỒNG HÀ
Theo Plo.vn