Sáng 31/3 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cùng Hội Nội tiết sinh sản & vô sinh TP Hồ Chí Minh (HOSREM) cùng phối hợp tổ chức hội thảo phổ biến quy định về mang thai hộ cho 22 đơn vị y tế trong cả nước. Nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo thắc mắc, lo lắng xung quanh việc khó tránh được các hệ lụy xảy ra trong qui trình thực hiện.
Tuy nhiên, theo khẳng định của GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là một quyết định hết sức nhân văn và nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, điều còn lại là các cơ sở y tế được phép thực hiện phải cố gắng nắm bắt, tuân thủ đúng qui định của luật pháp. Khó tới đâu, điều chỉnh tới đó!
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện nay tỷ lệ vô sinh của nước ta khá cao, khoảng 7,7%. Cho phép mang thai hộ là giải pháp tốt cho những trường hợp vô sinh không thể chữa trị; bảo đảm quyền làm mẹ của mọi phụ nữ. Việc mang thai hộ được luật quy định sẽ bảo đảm sự an toàn và quyền lợi cho các đối tượng tham gia.
Theo đó, trước mắt, có 3 bệnh viện (BV) được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, gồm: BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ghi nhận tại cuộc họp, nhiều ý kiến tỏ rõ nỗi lo lắng việc khó xác định thân nhân người mang thai hộ.
BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ khẳng định, thực hiện kỹ thuật mang thai hộ không khó, nhưng lại rất khó khăn trong việc thiết lập quy trình thực hiện. BV Từ Dũ đã thành lập Hội đồng KHKT nhằm thông qua các chỉ định cụ thể cho các trường hợp được phép mang thai hộ, nhưng đối với yêu cầu xác định người mang thai hộ phải là người thân thích “cùng hàng trong phạm vi 3 đời” thì cơ quan nào xác nhận mối quan hệ này?
Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh.
Những giấy tờ tư pháp nào được coi là có tính chất pháp lý, được công nhận với hồ sơ xin mang thai hộ? Ngoài ra, đối với những trường hợp phụ nữ không có tử cung, không có trứng thì có được xin trứng của người khác để nhờ mang thai hộ hay không? Có được thực hiện mang thai hộ với người nước ngoài không?..
BS Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn - BV Phụ sản Hùng Vương thì cho rằng, khó có thể quản lý được số lần mang thai hộ của một người phụ nữ. Luật quy định người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ 1 lần, nhưng cơ quan nào kiểm tra được việc này.
Theo Th.S Nguyễn Hồng Hải - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp: Các BV không nên đặt nặng nề việc xác định thân nhân của người mang thai hộ. Việc đó thuộc trách nhiệm của người nhờ mang thai hộ.
Ví như đối với trường hợp con chung của hai vợ chồng có dị tật bẩm sinh, luật vẫn xác định hai vợ chồng đã có con và không được phép nhờ mang thai hộ. Điều này liên quan đến nhân quyền bởi cho dù đứa trẻ có tật nguyền nhưng vẫn phải đảm bảo đủ quyền và lợi ích của đứa bé. Ngoài ra, trung tâm HOSREM cũng nên có hợp đồng mẫu trong việc mang thai hộ, có như vậy mới tránh được những rủi ro về pháp lý.
Cũng theo chính sách của nhà nước mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con là đủ. Nghiêm cấm việc BV thực hiện sinh con thứ 3 cho các cặp vợ chồng kể cả là việc họ có đứa con trước bị dị tật, vì như vậy, vô tình chúng ta tiếp tay cho hành vi vi phạm kế hoạch hóa gia đình cũng như vi phạm các qui định liên quan đến chính sách pháp luật.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trước hết các BV được thực hiện mang thai hộ phải tuân thủ đúng các quy định của luật pháp. Lưu ý, với phụ nữ độc thân được phép mang thai hộ với điều kiện phải có xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng độc thân của mình.
Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ bằng trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ, chứ chưa cho phép mang thai bằng trứng hoặc tinh trùng của người khác, cũng như chưa cho phép vợ chồng có con khuyết tật được nhờ người mang thai hộ.
Các cơ quan chức năng, nhà quản lý sẽ tìm cách gỡ từng “nút thắt” khi bắt tay vào làm thực tế, gặp phải trở ngại gì, các BV có thể đề xuất để Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi.
Theo: H.Nga - T.Trang - CAND