Gần đây, nhiều bạn đọc gửi đơn thư đến Tiền Phong, phản ánh tình trạng vi phạm Luật Doanh nghiệp xảy ra trong nội bộ Cty cổ phần, phổ biến là những hành vi: Không tổ chức đại hội cổ đông, HĐQT ra nghị quyết trái luật, không chia cổ tức…
Bạn đọc thắc mắc những hành vi này ai xử lý? Có cấu thành tội phạm hình sự? Trường hợp phản ánh trong bài viết này khá điển hình về vụ việc vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Công an quận Ba Đình (TP Hà Nội) vừa tiếp nhận đơn tố cáo của ông Anthony David Salzman, quốc tịch Hoa Kỳ; ông Anthony tố cáo một số công dân Việt Nam đã có hành vi “sử dụng trái phép tài sản” và “tham ô tài sản”, theo Điều 142 và Điều 278 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trước đó, ông Anthony cũng đã gửi đơn đến Thanh tra Bộ KH&ĐT, tố cáo hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp của một số công dân Việt Nam.
Ông Anthony là thành viên HĐQT Cty cổ phần xuất nhập khẩu và dịch vụ ô tô Mặt Trời Mọc (Cty Mặt Trời Mọc), có trụ sở tại 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội; Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Cty Mặt Trời Mọc là ông Nguyễn Công.
Theo tài liệu ông Anthony cung cấp, ông Nguyễn Công cũng đồng thời là Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và dịch vụ Ngôi Sao Mới (Cty Ngôi Sao Mới) - doanh nghiệp có trụ sở đặt cùng địa điểm và là cổ đông nắm giữ 89% cổ phần của Cty Mặt Trời Mọc.
Theo đơn tố cáo gửi Bộ KH&ĐT của ông Anthony, việc ông Nguyễn Công đang là Giám đốc Cty Ngôi Sao Mới, song lại tiếp tục nắm giữ chức vụ Giám đốc Cty Mặt Trời Mọc là vi phạm Điều 32 Nghị định 155/2013/NĐ-CP (Nghị định 155) của Chính phủ Việt Nam.
Ông Anthony cũng tố cáo cả hai Cty Ngôi Sao Mới và Mặt Trời Mọc không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, không gắn biển tên doanh nghiệp, không lưu giữ con dấu và tài liệu tại trụ sở chính 125 Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội), những hành vi này đều vi phạm Điều 32 Nghị định 155.
Sau khi gửi đơn tố cáo các hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp nêu trên, ông Anthony đã có tiếp đơn tố cáo hành vi “sử dụng trái phép tài sản” và “tham ô tài sản” của một số người hiện đang nắm giữ chức vụ chủ chốt của Cty Mặt Trời Mọc.
Theo đó, vào tháng 4/2013, những đối tượng bị tố cáo đã có hành vi tổ chức đại hội cổ đông trái pháp luật, bầu ra HĐQT với những thành viên mới thay thế thành viên cũ - thực chất là tước đoạt quyền và lợi ích của thành viên cũ (ông Anthony).
Vẫn theo đơn của ông Anthony, với những thành viên mới, tháng 7/2014, HĐQT Cty Mặt Trời Mọc đã ra nghị quyết gia hạn hợp đồng thuê đất, tăng lương cho Giám đốc và các thành viên HĐQT. Theo ông Anthony, hành vi gia hạn hợp đồng thuê đất có dấu hiệu của tội “sử dụng trái phép tài sản”, còn hành vi tăng lương có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản”.
Được biết, ngày 14/10, Công an quận Ba Đình sẽ làm việc với ông Anthony. Sự việc đang gây chú ý với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là cổ đông của các Cty cổ phần. Trong những năm qua, đã có nhiều vụ án dân sự được tòa án thụ lý để giải quyết các tranh chấp trong nội bộ các Cty cổ phần. Tuy nhiên, số vụ án hình sự xuất phát từ những vi phạm Luật Doanh nghiệp lại không nhiều, mặc dù số đơn tố cáo những vụ việc kiểu này không ít.
Theo một số chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư, những hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp như không tổ chức đại hội cổ đông, tổ chức đại hội cổ đông không hợp pháp, không chia cổ tức cho cổ đông, không công khai báo cáo tài chính… đều tiềm ẩn những dấu hiệu của tội phạm hình sự, trước hết là tội “sử dụng trái phép tài sản”. Ngoài ra, nó cũng tiềm ẩn dấu hiệu của các tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản”.
“Các dấu hiệu tội phạm trên sẽ chỉ được làm rõ qua việc kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật thường quan niệm những vụ việc kiểu này là tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, nên không khởi tố vụ án để điều tra, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, gây thiệt hại quyền lợi cho cổ đông trong các Cty cổ phần” - luật gia Minh Trí (Hội luật gia TP Hà Nội) nêu quan điểm.
Tiền Phong sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc tại Cty Mặt Trời Mọc để phản ánh tới bạn đọc.
“Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:(…) b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. (Trích Điều 142 Bộ luật Hình sự).