Theo luật sư Hiển, hành vi của thanh niên phóng hỏa đốt xe máy sau vi phạm giao thông tại Hà Nội có thể bị xử lý hình sự.
Giả danh nhà báo, lăng mạ CSGT, người phụ nữ có bị xử phạt?
- Cập nhật : 07/07/2017
(Phap luat)
Qua nội dung vụ việc và đoạn video cho thấy hành vi của bà Nguyễn Thị Nguyệt chưa cấu thành tội phạm để xử lý hình sự nhưng vẫn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật khác.
Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã mời bà Nguyễn Thị Nguyệt (41 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) tới trụ sở để làm việc do trước đó người phụ nữ này đã có hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông.
Tại cơ quan công an, bà Nguyệt thừa nhận hành động của mình là sai và đã xin lỗi công khai tổ công tác.
Trước đó vào 8h ngày 25/5, bà Nguyệt nhận được thông tin ông Nguyễn Đức Thắng (37 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị cảnh sát giao thông thổi phạt tại ngã tư Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng do đi xe trên vỉa hè, không có gương chiếu hậu, không đăng kí xe.
Sau khi đến gặp tổ công tác của Cảnh sát giao thông Hà Nội đang làm nhiệm vụ, bà Nguyệt đưa thẻ ra vào của Tạp chí hội Người cao tuổi và xin cho nộp phạt luôn để lấy xe đi lại.
Sau đó, bà Nguyệt gọi điện thoại cho anh rể là một cán bộ công an đã nghỉ hưu nhờ xin hộ rồi chuyển máy cho tổ công tác. Tuy nhiên, tổ công tác không nghe máy nên bà Nguyệt đã to tiếng, văng tục, chửi bậy và tỏ thái độ thách thức với tổ công tác rồi tự ý bỏ về.
Sự việc nhanh chóng được lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội. Ngay sau đó Công an TP.Hà Nội đã tiếp nhận nội dung và giao các cơ quan có liên quan tiến thành xác minh làm rõ.
Nhận định về vụ việc này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – công ty Luật Dragon (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: "Qua nội dung vụ việc và đoạn video cho thấy hành vi của bà Nguyễn Thị Nguyệt chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự theo các tội Làm nhục người khác, tội Gây rối trật tự công cộng, tội Chống người thi hành công vụ".
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp phân tích, bà Nguyễn Thị Nguyệt có lời nói lăng mạ tổ cảnh sát giao thông cho thấy chưa phạm tội Làm nhục người khác. Vì những câu nói trong đoạn video chứng minh bà chỉ có những biểu hiện quá bức xúc và nóng nảy, không có lời lẽ thô tục lăng mạ, chửi bới một chiến sĩ công an nào cụ thể.
Luật sư Tiệp chỉ rõ, Điều 245 BLHS quy định tội Gây rối trật tự công cộng: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo quy định của điều luật nêu trên cho thấy, tội danh đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự khi có một trong ba yếu tố sau: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
"Như vậy, trong trường hợp này hành vi của bà Nguyễn Thị Nguyệt chưa đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng làm mất trật tự xã hội. Nếu trước đó bà Nguyệt đã từng bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà bây giờ vi phạm thì mới xử lý được về mặt hình sự.
Để làm rõ điều này cơ quan điều tra Công an quận Ba Đình, Hà Nội có thể trích lục tiền án, tiền sự của bà Nguyệt để làm rõ về mặt nhân thân. Trên cơ sở đó, nếu bà Nguyệt có vi phạm rồi thì Công an quận Ba Đình theo thẩm quyền có đủ căn cứ để khởi tố theo tội danh trên", luật sư Nguyễn Trung Tiệp cho hay.
Liên quan đến tội Chống người thi hành công vụ, mặt khách quan tội phạm phải có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau: Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...); đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.
Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.
Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp cho hay: "Như vậy, theo nội dung vụ việc và đoạn video cho thấy lời nói cử chỉ của bà Nguyễn Thị Nguyệt không phải là răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, bà Nguyệt cũng không khống chế, ép buộc các chiến sĩ công an giao thông làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ. Do đó, bà Nguyệt không có chủ ý chống người thi hành công vụ, về hành vi cũng không phù hợp với những quy định nêu trong điều luật".
Từ những nhận định phân tích trên, luật sư Tiệp kết luận: "Hành vi của bà Nguyễn Thị Nguyệt không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh nêu trên.
Tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể xử lý theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Cụ thể, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Như vậy, căn cứ vào hành vi của bà Nguyễn Thị Nguyệt đã có những lời lẽ, thái độ, gây mất trật tự tại tổ công tác của Cảnh sát giao thông Hà Nội thì có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt đối với vi phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt theo quy định nêu trên".
Yến Nhi