Bà Ph. có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng để đòi lại phần đất gần 300m2 của 4 hộ dân. Theo bà Ph., đất này là của ông ngoại bà sử dụng từ năm 1965. Năm 1992, 4 hộ nói trên đến xin đất để cất nhà ở tạm.
Thương hoàn cảnh của họ, ông ngoại bà đồng ý nhưng họ đã ở luôn cho đến bây giờ mà không chịu trả. Biết được chuyện này, “cò” Q. (ngụ quận Thủ Đức) liền gặp 4 hộ dân và đặt vấn đề, sẽ xin giúp cho mọi người, nếu sau này quận ra quyết định bác đơn của bà Ph. thì mỗi hộ phải đưa cho Q. 30 triệu đồng gọi là tiền “bồi dưỡng” cho cán bộ giải quyết và thù lao của Q. Các hộ liền gật đầu và làm giấy cam kết “trả tiền thù lao” cho Q. Và Q. “bí mật” tìm gặp bà Ph., đặt thẳng vấn đề: “Nếu tui giúp bà lấy lại 4 căn nhà thì phải chia cho tui 1 căn...”.
Bà Ph. nghĩ, chia phân nửa bà còn chịu chứ huống chi 1 căn. Xong xuôi mọi việc, Q. “ngồi chơi xơi nước” để chờ ngày nhận tiền. Kết quả, Q. ẵm trọn 120 triệu đồng của 4 hộ dân cùng những lời cảm ơn rối rít. Bà Ph. thì nóng giận, điện thoại cho Q. nhưng máy “ngoài vùng phủ sóng”…
“Cò” X., ở Hóc Môn, còn cao tay hơn là ăn tiền cả hai bên. Anh Tr. là con trai út trong gia đình có 4 anh em. Anh, chị của Ph. đều lập gia đình và ra ở riêng, còn Tr. ở chung với cha mẹ trong một căn nhà cấp 4 trên diện tích 900m 2 . Sau khi cha mẹ qua đời nhưng không để lại di chúc nên Tr. tiếp tục ở lại ngôi nhà này. Nhưng khi đất đai lên giá thì các anh chị của Tr. khởi kiện tại tòa án đòi chia thừa kế. Mặc dù đòi, nhưng những người này cũng chưa dám chắc là mình có được chia hay không vì họ chẳng am tường luật pháp.
Một số đối tượng “cò đón gió” bị phạt tù.
Riêng đối với Tr., anh nông dân này vẫn theo nếp nghĩ “giàu út ăn, nghèo út chịu” nên chẳng lo sợ gì cho đến khi gặp “cò” X. Anh ta giảng giải cho Tr. biết được rằng, theo qui định của pháp luật hiện hành thì trong trường hợp này, tài sản phải được chia thừa kế theo pháp luật. X. còn mang cả luật dân sự để Tr đọc. Đọc xong, Tr. lo sợ, cầu cứu X. giúp đỡ với cái giá khá “mềm” là 50 triệu đồng. Trái với khi gặp Tr., gặp 3 anh chị của Tr. thì X. chẳng những không giảng giải luật, mà còn nói toàn phần thắng nghiêng về phía Tr.
Đến lúc 3 người này cảm thấy quá thất vọng thì X. mới lên tiếng: “Nhưng tui rất thân quen với anh em ở tòa, có thể giúp cho anh chị mỗi người được chia một phần với điều kiện phải chi 200 triệu đồng”. Ba người liền đồng ý và còn hào phóng biếu không cho X. 5 triệu đồng gọi là tiền xe cộ, trà nước! Không cần phải đợi ra trước tòa, trong một lần hòa giải, 4 anh em Tr. đã thỏa thuận được với nhau là Tr. được phần căn nhà nằm trên diện tích 300m 2 , còn lại 600m 2 chia đều cho 3 người còn lại. Bốn anh em họ ai cũng nghĩ là nhờ X. tác động nhưng trên thực tế X. chẳng hề quen biết ai trong tòa. Việc hòa giải này là hoàn toàn hợp tình hợp lý theo qui định của pháp luật mà X. đã “đón gió” được.
Nguyễn Văn Lai (46 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vốn là kẻ ăn không ngồi rồi nhưng đi đâu y cũng tự xưng mình là thượng tá đang công tác tại Bộ Công an. Nghe danh của Lai nên tháng 6/2013, khi chồng bị Công an huyện Càng Long (Trà Vinh) bắt giữ thì bà Nguyễn Thị Nga Em đến nhờ Lai giúp đỡ. Lai đồng ý và bảo bà Em đưa tiền chi phí để y đi “quan hệ”. Bà Em tin tưởng đưa tiền cho Lai nhiều lần, tổng cộng 31 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ra tòa xét xử, chồng của bà Em bị phạt án tù giam. Biết mình bị lừa, bà Em làm đơn tố cáo. Lai bị bắt giữ và lĩnh án 3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng “nổ” như Lai là trường hợp của Lê Văn Tùng (45 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), nhưng y “cao siêu” hơn là chịu khó tìm hiểu và thuộc tên tuổi, gia cảnh của nhiều người trong cơ quan tố tụng các cấp. Khoảng giữa tháng 3/2012, khi biết anh Trần Đình Thương (ngụ quận Thủ Đức) bị Công an quận Thủ Đức bắt về tội “Chống người thi hành công vụ”, Tùng liền tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (vợ của Thương) để gợi ý chạy án.
Thấy Thương biết rõ từng lãnh đạo ở Tòa án, Viện kiểm sát và Công an quận Thủ Đức nên chị Yến rất tin tưởng. Tùng ra giá 200 triệu đồng để anh Thương được xử “án treo”. Sau khi nhận hết số tiền này, Tùng còn “xin” thêm 20 triệu đồng nữa gọi là tiền “cò” cho riêng mình. Tuy nhiên, khi TAND quận Thủ Đức xét xử đã tuyên phạt Thương 1 năm tù giam.
Rời khỏi tòa, chị Yến liền điện thoại cho Tùng thì Tùng trơ trẽn: “Chỉ lo được vậy thôi, chứ có 200 triệu mà đòi án treo à” rồi tắt máy luôn. Đến giữa tháng 8/2012, chị Yến phát hiện Tùng đang ở chợ đầu mới nông sản thực phẩm Thủ Đức nên báo cơ quan Công an. Tùng bảo y chỉ “đón gió” là anh Thương sẽ được xử án treo, chứ thật ra y chẳng quen biết ai. Cái giá mà Tùng phải trả là 7 năm tù giam…
Không chỉ có kẻ thất nghiệp làm liều, mà ngay cả luật sư cũng lừa chạy án. Đó là trường hợp của Lương Anh Tiến (46 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) vừa bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Gia đình bị can Nguyễn Minh Tuấn (trong vụ án Trương Công Dũng cùng đồng phạm “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) đã liên hệ với Lương Anh Tiến thuộc Văn phòng luật sư Lương Anh Tiến để nhờ bào chữa cho Tuấn. Theo thỏa thuận, Tiến sẽ bào chữa cho bị can Tuấn với giá 100 triệu đồng, nhưng hai bên không ký hợp đồng dịch vụ mà chỉ thỏa thuận miệng.
Sau khi nhận đủ số tiền trên, Tiến gợi ý sẽ tác động để Tuấn chỉ còn một tội danh. Đến khi ra tòa, Tiến sẽ bào chữa cho Tuấn trắng án hoặc bằng thời gian tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa. Gia đình Tuấn đã đưa cho Tiến tổng cộng trên 1,8 tỷ đồng. Ra tòa, khi Tuấn bị tuyên phạt tổng cộng 11 năm tù giam cho 2 tội danh trên thì gia đình Tuấn đã đuổi đánh luật sư Tiến. Sau đó, gia đình bị can Tuấn đã tố cáo hành vi của Tiến. Tiến bảo, thấy hồ sơ thể hiện “dễ ăn”, nghĩ là “cãi” sẽ thắng, ai dè...