Khiến bố vợ tử vong và làm trọng thương 3 người họ hàng bên vợ, Đinh Công Điệp đã phải nhận mức án Chung thân. Thế nhưng, Điệp không trả giá cho lỗi lầm mà đã chọn thời điểm thích hợp để lẩn trốn. 26 năm trốn trại, Điệp đã lấy thêm vợ, đẻ thêm con, thay tên đổi họ...
Hơn chục năm gắn bó với nghề và công tác tại trại giam, nhưng đối với Thiếu tá Bùi Hồng Toán, cán bộ trinh sát của trại giam Nam Hà, Tổng cục 8, Bộ Công an vẫn không thể quên chặng đường khó khăn, cam go và tưởng chừng như đi vào ngõ cụt khi được giao nhiệm vụ bắt đối tượng trốn trại lâu năm Đinh Công Điệp.
Gây án trong đêm
Theo cáo trạng truy tố, Đinh Công Điệp, SN 1955, trú tại HTX nông trường chè Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, là con rể ông Ninh Văn Dự và là anh rể của Ninh Văn Tuyên và Ninh Văn Toan. Từ năm 1982 đến năm 1988, Điệp và bố vợ cùng các em vợ nảy sinh nhiều mâu thuẫn: Khoảng tháng 9-1982, vợ chồng Điệp bị mất một chiếc hòm trong đó có đựng một số tư trang gia đình. Một thời gian sau, Điệp phát hiện chiếc hòm đó ở nhà bố vợ. Điệp hỏi thì được ông Dự cho biết đã nhặt được chiếc hòm, cứ tưởng mọi việc chấm dứt từ đó.
Nào ngờ, tháng 9-1986, anh Đinh Công Điếm (anh trai của Điệp) bị kẻ gian vào nhà lấy một chiếc hòm của một người bạn nữ gửi, trong đó có đựng quần áo tư trang. Khoảng 1 năm sau, phát hiện thấy gia đình Ninh Văn Toan (em vợ Điệp) sử dụng một số tài sản nhà anh Điếm bị mất. CA thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ Toan và thu hồi một số tài sản trả lại cho anh Điếm và buộc Ninh Văn Toan phải bồi thường một số tiền do những tài sản không thu lại được.
Trưa 11-7-1988, tại nhà ông Dự đã xảy ra cãi nhau giữa vợ chồng anh Điếm và bố con ông Dự về việc ông Dự vay của anh Điếm 167kg lúa, mới trả 100kg và anh Điếm mua 100 con cá giống của ông Dự chưa trả tiền. Từ những mâu thuẫn trên và biết được việc xung đột trưa 11-7-1988, Đinh Công Điệp tìm cách trả thù bố và em vợ.
Khoảng 21g ngày 12-7-1988, Điệp và bạn là Đinh Như Khoa (SN 1957, trú tại xã Yên Thắng, huyện Tam Điệp, Ninh Bình) lên bếp nhà anh Toan. Thấy tiếng động, chị Phạm Thị Nhung (vợ anh Toan) hai lần ra quan sát không phát hiện thấy người. Tuy nhiên, một lúc lại nghe thấy lợn kêu, tiếng chó sủa nhiều, nghĩ nhà có trộm nên chị Nhung chạy ra bờ ao xem xét thì phát hiện thấy có bóng người nấp sau bụi chuối gần bếp. Chị Nhung gọi chồng ra và dùng đá ném vào bụi chuối thì phát hiện có bóng người bỏ chạy. Anh Toan đuổi theo và bắt được Khoa. Điệp từ trong bụi chuối lao ra dùng dao quắm chém anh Toan để cứu Khoa. Anh Toan ôm lấy chân Điệp, chị Nhung lao vào cứu chồng nên đã bị Điệp dùng dao chém vào đầu và vai. Bị tấn công, chị Nhung kêu cứu. Nghe thấy tiếng con dâu, ông Dự và anh Tuyên trong nhà cầm đòn gánh chạy ra liền bị Điệp vung dao chém vào cổ khiến ông Dự tử vong ngay tại chỗ. Trong lúc giằng co, Điệp còn dùng dao chém trọng thương anh Ninh Văn Tuyên và đâm nhiều nhát vào người anh Toan. Gây án xong, Điệp và Khoa vứt dao xuống hồ nước và bỏ trốn.
Ngày hôm sau khi biết bố vợ tử vong, Điệp đã ra CQCA đầu thú. Quá trình điều tra xác định 3 người là anh Toan, anh Tuyên và chị Nhung bị nhiều vết thương trên cơ thể nhưng giám định chưa vượt quá 11%; còn ông Ninh Văn Dự tử vong do bị đứt động mạch cổ. Vài tháng sau, Điệp bị đưa ra xét xử và phải nhận mức án Chung thân về tội Giết người và cố ý gây thương tích. Ngày 16-6-1989 được phân về Phân trại 1, Trại giam Nam Hà thụ án. Tuy nhiên, đến ngày 29-12-1989, Đinh Công Điệp đã trốn khỏi nơi giam giữ. Đã nhiều năm, cán bộ trinh sát của trại giam Nam Hà cũng đã lên kế hoạch để bắt giữ Đinh Công Điệp, nhưng do manh mối về nơi trú ngụ của Điệp còn mờ nhạt và bởi anh ta đã thay tên đổi họ.
Ảnh Phạm nhân Đinh Công Điệp trong hồ sơ cảnh sát. Ảnh: TL
Kế hoạch truy bắt đối tượng
Năm 2009, được phân về Đội trinh sát của trại giam Nam Hà, Thiếu tá Bùi Hồng Toán đã trực tiếp nhận nhiệm vụ tiếp tục điều tra, xác minh về manh mối của Đinh Công Điệp. Theo Thiếu tá Bùi Hồng Toán thì thời điểm nhận nhiệm vụ, trong một số hồ sơ phạm nhân trốn trại, hồ sơ của Đinh Công Điệp khiến cho Thiếu tá trăn trở. Trong hồ sơ thể hiện, Điệp là đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, cùng lúc sát hại bố vợ và gây trọng thương các em bên vợ. Mặt khác, đối tượng đã có lệnh truy nã và trốn trại khá lâu. Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất, Thiếu tá Bùi Hồng Toán đã chắp nối những thông tin dù nhỏ nhất của đối tượng. Qua những nguồn tin đáng tin cậy cho thấy Điệp vẫn liên lạc với người anh trai. Mặt khác, cách đây gần 20 năm, cả gia đình gồm vợ và 4 người con của Điệp “bỗng dưng” chuyển nơi ở vào khu công nghiệp Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Thường ngày, vợ Điệp trông trẻ cho một số công nhân trong khu công nghiệp. Thỉnh thoảng, người dân xung quanh cũng thấy bóng dáng người đàn ông có tuổi qua lại, nhưng họ cũng không biết đó có phải là Điệp hay không?
Từ nguồn tin này khiến cho các trinh sát của trại giam Nam Hà có niềm tin về hướng truy tìm đối tượng. Theo một nguồn tin khác cũng khẳng định, thời gian gần đây, Đinh Công Điệp có xuất hiện ở địa bàn xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, các trinh sát đã báo cáo với lãnh đạo Trại giam Nam Hà. Ngày 1-4-2015, Trung tá Vũ Hào Hiệp, giám thị trại giam Nam Hà đã lập kế hoạch xác minh, truy bắt đối tượng truy nã Đinh Công Điệp. Theo đó, các trinh sát của trại giam Nam Hà phải phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) CA tỉnh Ninh Bình tiếp tục thu thập thông tin về các mối quan hệ trước đây và hiện nay của đối tượng Đinh Công Điệp để thống nhất phương án truy bắt đối tượng, có biện pháp cụ thể để xác minh, làm rõ thông tin Điệp vẫn liên hệ với anh trai là Đinh Công Điếm và một số đối tượng khác ở Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Mặt khác, điểm tập trung quan trọng không thể bỏ qua đó là xác minh việc Điệp đã có vợ mới và đã có 3 con hiện đang sinh sống ở tỉnh Đồng Nai? Cụ thể đang ở đâu? Tại sao bà Ninh Thị Cúc (là vợ của Điệp) và các con lại chuyển vào Nhơn Trạch, Đồng Nai sinh sống? Quá trình xác minh phải thu thập tất cả những chứng cứ, tài liệu và báo cáo kịp thời với lãnh đạo trại giam Nam Hà và Phòng PC52 CA tỉnh Ninh Bình để phối hợp xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng bắt đối tượng, với quyết tâm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ tham gia bắt giữ và những người liên quan. Kế hoạch tỉ mỉ trên được Ban giám thị trại giam Nam Hà giao trực tiếp cho Trung tá Đặng Thành Chiêm, Phó giám thị trại giam trực tiếp liên hệ phối hợp với các đơn vị bạn để kịp thời bắt giữ đối tượng...
(Còn nữa)
Theo: Phương Tâm - PLXH