Nạn buôn người từ Bangladesh đến Malaysia thông qua Thái Lan bằng đường biển cho thấy bọn tội phạm có tổ chức không từ một thủ đoạn xảo quyệt và ác độc nào để làm giàu bất chính
Rạng sáng 11-10, nhờ có người chỉ điểm, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện và giải cứu 53 người đến từ Bangladesh bị giam cầm trong một đồn điền cao su trên đảo Takua Pa, tỉnh Phang Nga.
Nguồn tin ban đầu cho hay những người này thuộc sắc tộc Rohingya ở Myanmar tị nạn tại Bangladesh. Tuy nhiên, sau đó, nhà chức trách Thái Lan xác định đa số họ là người Bangladesh bị bắt cóc ở quê nhà, giam cầm tại các nhà giam bí mật trong rừng Thái Lan để đòi tiền chuộc, bán cho tàu đánh cá Thái và Indonesia hoặc các nhà máy điện tử ở Malaysia.
1.500 USD tiền chuộc
Vụ việc nêu trên nổi bật một yếu tố mới trong cách thức hoạt động của các tổ chức buôn người Đông Nam Á: Bắt cóc và mua bán con tin như nô lệ thời cổ đại.
Chuyện đưa người Rohingya sang Malaysia thông qua các điểm tập kết ở miền Nam Thái Lan khá phổ biến từ 2 năm nay. Đây là hệ quả cuộc xung đột sắc tộc sâu sắc giữa người Rohingya theo đạo Hồi không được chính quyền nhìn nhận và người Rakhine theo đạo Phật ở bang Rakhine - Myanmar.
Nhiều người Rohingya chạy sang Bangladesh xin tị nạn và được bố trí ở trong các trại tị nạn của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc trên lãnh thổ Bangladesh.
53 nạn nhân được giải cứu rạng sáng 11-10 Ảnh: EPA
Nhiều thanh niên Rohingya muốn tìm việc làm ở Malaysia, nơi có nhiều người theo đạo Hồi. Họ sẵn sàng trả từ 750 USD/người trở lên cho các tổ chức môi giới. Đã có hàng chục ngàn người Rohingya bị đe dọa tính mạng khi lênh đênh trên những con tàu mong manh vượt biển Andaman trái phép đến Malaysia. Họ có thể chết vì chìm tàu hoặc bị cướp biển hay bị tàu tuần tra Thái Lan bắt giữ. Song, đó là chuyện đã qua.
Câu chuyện của 53 người nêu trên khác hoàn toàn. Theo báo mạng Phuketwan, họ là một phần trong số 310 người Bangladesh và một số người Rohingya đến từ Cox’s Bazar, một cảng cá ở Đông Nam Bangladesh. Các nạn nhân khai báo với cảnh sát họ không có ý định đến Malaysia tìm việc. Họ bị bắt cóc ngay tại nơi cư ngụ, bị đánh đập và nhốt trên tàu rồi đưa lên đảo Takua Pa. Số phận của hơn 200 người còn lại ở trên tàu chưa rõ ra sao.
Nhà chức trách Thái nghi ngờ những người này sẽ được bán cho các tổ chức buôn người ở Malaysia hoặc các chủ tàu đánh cá Thái đói nhân lực tại miền Nam. Cùng với việc phát hiện và giải cứu kể trên, cảnh sát bắt 2 người Thái Lan là dân địa phương tình nghi nằm trong đường dây buôn người từ Bangladesh. Một trong 2 đối tượng này tên Keke, bị con tin tố là “cai tù của bọn buôn người”.
Phóng viên Phuketwan đã phỏng vấn 25 trong số 53 người và câu chuyện của họ có một điểm chung: Bị bọn buôn người bắt cóc đem về Thái Lan giam giữ để đòi tiền chuộc với lý do đơn giản đây là một phi vụ béo bở. Mỗi con tin được ra giá trung bình 1.500 USD. Nếu gia đình họ vì nhiều lý do khác nhau không thể đáp ứng yêu cầu trả tiền chuộc, chúng có thể bán con tin sang Malaysia làm nô lệ lao động với giá bèo nhất cũng được 200 USD/người.
Bỗng dưng bị bắt cóc
Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng nói chung, kịch bản không khác nhau mấy. Một người tự xưng là thợ điện kể: “Tôi được một gia đình ở Cox’s Bazaar kêu tới nhà sửa điện. Đến nơi, tôi bị một nhóm người lạ mặt không hỏi không rằng bắt trói. Tôi rất lo cho mẹ mình. Bà ấy mỗi ngày được tôi cung cấp thuốc chữa bệnh. Kể từ ngày tôi bị bắt cóc, không biết có ai mua thuốc cho mẹ hay không”.
Cũng giống như vậy, một người đi biển được mướn tới tàu đánh cá vá lưới. Vừa đến nơi thì anh này bị trói tay. “Tôi bị bắt cóc. Tôi không có bà con họ hàng ở Malaysia. Tôi cũng không có ý định rời khỏi Bangladesh. Vợ và con tôi ở Cox’s Bazar chắc chắn không biết tôi đi đâu, làm gì” - anh lo lắng.
Một công nhân xây dựng nhớ lại: “Tôi được mướn sửa mái nhà. Đến nơi, họ bắt nhốt tôi trong nhà cùng 4 người khác. Chúng tôi bị trói tay và đưa lên một chiếc tàu nhỏ. Sau đó, họ đưa chúng tôi lên một chiếc tàu lớn hơn”.
Trong khi đó, một học sinh 17 tuổi cho biết cậu không hề có ý định bỏ học đi làm. Cậu bị bắt cóc khi đến một cửa hàng mua thẻ cào điện thoại. “Một người đàn ông to cao bụm miệng, bắt tôi dẫn đi giữa ban ngày ban mặt. Tôi bị đưa xuống tàu. Giờ này chắc cha mẹ tôi rất lo lắng không biết con mình đi đâu” - cậu hoang mang.
Một du khách Bangladesh cũng bất ngờ trở thành nạn nhân. Anh từ thủ đô Dhaka đến Cox’s Bazar tham quan. Một người tự xưng là nhân viên công ty lữ hành đề nghị anh làm hướng dẫn viên du lịch với mức lương hấp dẫn. “Gã dẫn tôi đến một chiếc tàu. Tôi chưa kịp nói gì thì bị người ta lùa xuống tàu. Gã nói với chủ tàu tôi muốn đi Malaysia. Thế là tôi bị bán và bị nhốt luôn” - du khách này cho biết.
Tất cả những người nêu trên khai họ bị nhốt trong hầm tàu đánh cá không có hệ thống thông hơi, không có cửa sổ suốt 5 ngày đêm từ Cox’s Bazar đến đảo Takua Pa. Trạm dừng chân đầu tiên của tốp 53 người là một căn nhà hoang ẩm thấp nằm giữa rừng cao su bạt ngàn. Họ được cảnh sát Thái giải cứu lúc 4 giờ.
Lợi nhuận lớn, cạnh tranh khốc liệt
Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế, sở dĩ bọn buôn người có tổ chức đổi phương thức hoạt động từ lừa đảo sang bắt cóc táo tợn người lao động ngay nơi ở của nạn nhân là do lợi nhuận lớn và cầu vượt cung. Việc cạnh tranh giữa các băng nhóm ngày càng trở nên khốc liệt.
Chris Lewa, thuộc Dự án Arakan, một tổ chức tư vấn cho người Rohingya ở Bangladesh, cho biết: “Trong vịnh Bengal luôn có từ 5 đến 8 tàu buôn người đói khách. Vì vậy, bọn buôn người tranh nhau săn mồi”.
Theo Matthew Smith - Gám đốc điều hành Fortify Rights, một tổ chức chuyên điều tra vi phạm nhân quyền ở Đông Nam Á - việc đối phó kém hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước trong vùng cũng là một nguyên nhân khiến bọn buôn người lộng hành.
Kỳ tới: Nhà tù nổi trên biển
Theo: NGUYỄN CAO - NLĐ