Thấy con “vã thuốc”, bà Thanh đi mua ma túy “đá” về cho con gái sử dụng. Một thời gian dài thương yêu mù quáng, bà Thanh bị trinh sát công an quận 7 phát hiện, bắt giữ.
Sự bất hợp lý về chính sách tập trung cai nghiện hiện nay đang dẫn đến một tình trạng bất ổn. Người dân luôn nơm nớp lo sợ tội phạm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, trong khi cơ quan chức năng thì gần như bất lực.
Bi kịch gia đình
Trong lá đơn đầy bi kịch của gia đình bà Thanh (ngụ quận 7, TP.HCM), con gái bà năm nay 24 tuổi, từng làm dâu trong một gia đình nghệ sĩ có tiếng. Sau khi ly hôn, con gái buồn chán và đi theo một nhóm giang hồ tại quận 4 tụ tập “đập đá”. Vì thương con, bà Thanh khuyên về nhà, sau đó khóa cửa nhốt con. Thấy con “vã thuốc”, bà Thanh đi mua ma túy “đá” về cho con gái sử dụng, sau đó giảm dần liều lượng để cắt cơn.
Một thời gian dài thương con mù quáng, bà Thanh bị trinh sát công an quận 7 phát hiện, bắt giữ. Sau khi mẹ bị bắt, con gái bà tiếp tục “đi bụi” theo những kẻ có nhiều tiền án. Chồng thứ hai của bà Thanh là từng là tướng cướp một thời khét tiếng nay cũng phải “khổ sở” vì trách nhiệm chăm sóc cô con gái mà vợ gửi gắm. Trong lúc đi tìm con, ông đau lòng khi phát hiện cô gái đang “đập đá” trong khách sạn với một người đàn ông ngoài 50 tuổi.
Một bi kịch khác liên quan đến “ngáo đá” xảy ra với gia đình ông Trần Quang (70 tuổi). Ông Quang làm đơn bảy trang giấy gửi Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), với ước mong con trai sớm hoàn lương.
Ông Quang viết: “Từ một đứa ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định, thu nhập cao, vậy mà trong những lần cá độ bóng đá, bạn bè rủ rê chơi ma túy đá… con trai tôi đã không còn tính người. Trước dị nghị của hàng xóm, tôi lặng lẽ đưa con đi cai nghiện nhiều nơi. Lần gần đây nhất là tại Trung tâm Thanh Đa. Mới được điều trị hai tháng, nó giở thủ đoạn nhịn ăn để được gặp gia đình.
Gặp tôi, nó tâm sự rất nhớ vợ con và hứa sẽ tu chí làm ăn. Trong phút yếu lòng, tôi cam kết xin cho con về. Lúc mới về nhà, nó rất ngoan, lo toan công việc gia đình, hứa phấn đấu trở thành người chồng, người cha tốt, nhưng mới được 25 ngày lại tái nghiện.
Đêm nào nó cũng mở nhạc ầm ầm, uống rượu, cầm búa, cầm dao dọa hàng xóm. Nó hay chửi rủa người đi đường, nhiều lúc nói lảm nhảm một mình như "ma nhập". Khi biết tin con tái nghiện, tôi thót tim. Vợ con can ngăn bị nó chửi mắng, đuổi ra khỏi nhà. Tôi chửi mắng, nó đánh cả tôi. Tôi nhìn con dâu và cháu nội nuốt nước mắt ra đi trong nhục nhã. Lỗi này là do tôi gây ra vì quá tin lời ngon ngọt của con”.
Ông Quang nói như bất lực: “Con tôi đã không còn tính người do ma túy điều khiển. Tôi phải năn nỉ các anh công an phối hợp để đưa nó đi cai nghiện. Trước khi đi, tôi có nói với con rằng, bố chỉ cứu con lần này nữa thôi. Điều tôi mong mỏi nhất là con trai của mình sẽ hoàn lương, trở thành công dân tốt. Dù ngày đó có thể tôi không còn sống nữa”.
Bị một người anh họ phê ma túy đá dùng ống sắt đập đầu, hai chị em bé Yến (quận 10) cấp cứu ở BV Nhi Đồng 1.
Bi kịch xã hội
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, từ năm 2013 trở về trước, người nghiện ma túy sẽ được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, chỉ có tòa án mới có quyền ra quyết định này. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 19.000 người nghiện, tăng hàng ngàn người so với năm trước. Và đây là một trong những lý do khiến tình hình an ninh trật tự trở lên phức tạp, đặc biệt là tình hình trộm cắp.
Tuy nhiên, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, có dấu hiệu cho thấy một số công an phường không còn kiên quyết, thậm chí ngần ngại khi lập biên bản người sử dụng ma túy.
“Bởi vì Nghị định 111/2013 (quy định chế độ áp dụng xử lý hành chính tại phường, xã, thị trấn) chưa có văn bản hướng dẫn nên việc giáo dục tại phường, xã bế tắc. Mà khi ra quyết định xử phạt người nghiện thì người ra quyết định lại phải chịu trách nhiệm cưỡng chế thi hành quyết định, nếu không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng chế tài đối với người thi hành pháp luật rất nặng nề”, Thiếu tướng Phan Anh Minh lý giải.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa phân tích “hàng đá” (một dạng tinh thể) được làm từ ma túy tổng hợp có chất methamphetamine gây kích thích. Người dùng chắc chắn sẽ bị nghiện như những loại ma túy khác.
Nếu mới hút một hai lần, người dùng có thể tự cai, nhưng để lâu hoặc dùng liều cao thì việc điều trị rất khó. Sở dĩ loại ma túy này đang được nhiều người sử dụng vì nó đem lại cảm giác hưng phấn, gây khoái cảm, phấn khích, không còn cảm giác đói, mệt, thiếu ngủ…
Với người mới sử dụng liều thấp sẽ có biểu hiện tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng huyết áp và thân nhiệt, khô miệng, đổ mồ hôi, tiêu chảy, ăn kém ngon. Khi sử dụng liều cao, người dùng trở nên lắm lời, hiếu động, hung bạo, mất ngủ, không còn khả năng suy xét, tăng nhu cầu tình dục. Ngoài ra, họ sẽ có những hành động kỳ quái do bị kích động.
Thế nhưng, theo bác sĩ Duy, điều nguy hiểm nhất cho xã hội là khó phát hiện người đang dùng “hàng đá”. Ngay cả lúc thiếu “hàng”, người nghiện chỉ thể hiện trạng thái mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ, trầm cảm và vẫn vượt qua được cơn thiếu thuốc chứ không có triệu chứng vật vã, đau đớn như kẻ nghiện heroin. Vì vậy, người khác nhìn vào lầm tưởng đó là phản ứng tâm lý bình thường của một người làm việc nhiều, thức khuya, căng thẳng...
Người nghiện thường được phát hiện khi đã sử dụng “hàng đá” một thời gian dài. Người dùng sẽ thay đổi hành vi, tâm tính, hiếu động, luôn có cảm giác khó chịu. Lúc này, hệ thống não đã bị tổn thương bởi chất methamphetamine, gây ra các hành vi hung bạo, liều lĩnh; một số người mắc các chứng bệnh tâm thần như: ảo giác, loạn thần, hoang tưởng.
Khi đó, tội phạm có thể ngay bên cạnh chúng ta, những người mà ta không hề có ý thức đề phòng. Bác sĩ Duy khẳng định: xã hội không thể trông đợi vào việc cai nghiện tự nguyện.
Sự bất hợp lý về chính sách tập trung cai nghiện hiện nay đang dẫn đến nhiều bất ổn. Người dân luôn nơm nớp lo sợ tội phạm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ những đối tượng sử dụng ma túy “đá”, trong khi cơ quan chức năng thì gần như bất lực.
Thực trạng này đã được ngành LĐ-TB-XH của TP.HCM cảnh báo và ngay cả cơ quan công an cũng thừa nhận, thế nhưng vẫn chưa có một sự điều chỉnh nào từ phía cơ quan ban hành chính sách hoặc sự quyết tâm cao của cơ quan thừa hành.
Sẽ còn bao nhiêu người phải tàn phế hoặc chết oan uổng, bao nhiêu gia đình tan nát vì ma túy, khi chính sách về cai nghiện ma túy tập trung còn bất hợp lý cùng với việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan liên quan?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy khuyến cáo: Người “đập đá” có thể làm những điều mà lúc bình thường họ không dám như: chạy xe điên cuồng, tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, thậm chí phi người từ trên cao xuống đất, có thể nhịn đói, không ngủ nhiều ngày…
Khi biểu hiện ảo giác qua đi, nhìn họ như người vô hồn, thân hình tàn tạ, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Do mất ngủ, nên các cơ quan sinh học nội tạng sẽ nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. Khi thiếu thuốc, người nghiện có cảm giác khó chịu, lo lắng, sợ hãi.
Nếu “đập đá” lâu dài, con nghiện nhanh chóng bị rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng, có nguy cơ đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp tim. Nam giới có thể bị tác dụng phụ là dương vật co rút lại, chỉ còn 1/3 so với bình thường và hoàn toàn mất cảm giác.