Tính được cho là giở trò đồi bại với 2 bé gái vào buổi chiều, trong khi đơn tố cáo của gia đình nạn nhân về hành vi của nghi phạm, gửi cơ quan chức năng viết từ khi sáng.
Cuối năm 2014, đoàn giám sát án oan sai của Quốc hội làm việc tại TP HCM, đã chất vấn lý do vụ Hoàng Văn Tính bị truy tố tội Hiếp dâm trẻ em, trải qua nhiều lần mở phiên tòa mà chưa có kết quả, bị cáo này liên tục kêu oan. Đại diện TAND TP HCM cho biết vụ án đang được điều tra lại do có nhiều điều cần làm rõ.
Tố cáo sau khi nghe trẻ 7 tuổi kể
Theo bản án sơ thẩm, 13h ngày 27/4/2011, bà Vũ Thị Hương (trọ tại quận 12, TP HCM) đang ở nhà may quần áo thì cháu gái hàng xóm (7 tuổi) kể lại việc bé và con gái bà (6 tuổi) bị Tính - nhà cùng khu phố hiếp dâm. Bà này kể lại cho Trần Thị Luyện (mẹ bé gái hàng xóm) biết. Hai người tìm gặp Tính hỏi chuyện. Thấy Tính thừa nhận, hai bà đưa nghi phạm đến Công an phường Đông Hưng Thuận tố cáo.
Bị cáo Hoàng Văn Tính khi còn tự do.
Tính bị bắt và khai nhận khoảng 9h ngày 10/4/2011, anh ta đang dọn dẹp nhà thấy bé gái hàng xóm ngồi ở ghế đá, liền kêu vào chơi. Khi bé vào, Tính nảy ý đồ giở trò đồi bại. Xong chuyện, anh ta dặn bé gái không nói với ai. Chiều hôm sau, Tính tiếp tục hành vi phạm tội lần 2.
Tháng 1/2012, TAND TP HCM phạt Tính 15 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em. Tính kháng cáo kêu oan, còn phía bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt.
Án qua tố giác phải đối chất
Tháng 7/2012, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện viện kiểm sát đề nghị hủy án do việc hỏi cung bị cáo, lấy lời khai các bị hại vi phạm tố tụng. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, tuyên hủy án. Lý do là TAND TP HCM căn cứ vào lời khai nhận tội của Tính, lời khai của các bị hại để kết tội anh ta là chưa có cơ sở. Ra tòa, bản thân Tính phản cung, kêu oan.
Mặt khác, lời khai của bị cáo mâu thuẫn với lời khai bị hại. Do đây là án qua tố giác, không phải án bắt quả tang nên tòa yêu cầu cho bị cáo và bị hại đối chất để làm rõ các mâu thuẫn. Tòa yêu cầu làm rõ thủ tục trưng cầu luật sư của Công an quận 12.
Sau khi có kết quả điều tra lại, TAND TP HCM thụ lý xét xử sơ thẩm lần 2. Tuy nhiên, tòa hoãn xử nhiều lần và trả hồ sơ để làm rõ các tình tiết (lần hoãn gần nhất hôm 12/12/2014). Mỗi lần ra tòa, Tính liên tục kêu oan. Anh ta khai bị đánh tại trụ sở công an phường, đau quá nên khai nhận theo ý họ. Khi chuyển đi, Tính giữ lời khai vì sợ...
Cha bị cáo là ông Hoàng Văn Sinh khẳng định con ông bị đánh. Khi Tính được đưa về nhà sau buổi đến công an phường làm việc, ông Sinh cho rằng mặt com nình bị thâm tím, khi đi cần 2 người dìu.
“Mỗi lần thăm con, tôi đau xót vô cùng. Con tôi khóc nhiều kêu bị oan, bị đánh nhiều lần ở phường”, ông nói.
Quá nhiều vi phạm tố tụng
Tại tòa, luật sư bào chữa cho Tính chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng ngay từ đầu vụ án. Thứ nhất, trong một giờ, một cán bộ điều tra ghi lời khai của 3 người. Cụ thể, các biên bản ghi lời khai của 2 cháu bé và Tính cùng thời điểm từ 16h30 đến 17h30 ngày 27/4/2011, do cùng một cán bộ công an phường thực hiện. Việc này sau đó được giải trình do ghi nhầm.
Thứ hai, trong giai đoạn điều tra có một luật sư tham gia với 2 tư cách, nhưng không tư cách nào chính danh. Theo đó, hồ sơ thể hiện luật sư Huỳnh Khắc Thuận (cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP HCM) chiều 27/4/2011 đang có mặt tại công an quận, được điều tra viên nhờ cùng sang công an phường chứng kiến việc lấy lời khai Tính lúc 19h đến 21h.
Trong hồ sơ có biên bản lập ngày 18/5/2011 giữa kiểm sát viên Lê Thị Mai, điều tra viên Mai Văn Dân và luật sư Thuận, thể hiện vị luật sư được phân công tham gia và chứng kiến việc lấy lời khai của Tính. Tuy nhiên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP HCM cho biết, không cử luật sư này tham gia vụ án, không nhận được đề nghị của cơ quan điều tra về việc cử luật sư.
Bản thân luật sư Thuận có văn bản báo cáo rằng, Trung tâm không cử ông tham gia vụ án, bản thân chỉ làm với tư cách người chứng kiến việc lấy lời khai”.
Ngoài ra, ông Thuận còn tham gia với tư cách luật sư chứng kiến việc ghi lời khai của 3 người cùng một lúc (2 cháu bé và Tính). Luật sư giải trình trong 2 giờ chứng kiến việc lấy lời khai của 3 người, là do đang chứng kiến bên Tính thì dừng lại để đọc biên bản của 2 bị hại (do cán bộ điều tra và điều tra viên mang đến). Vị này sau đó trở lại chứng kiến, đọc lại biên bản ghi lời khai cho Tính nghe… Tuy nhiên, trình bày tại tòa, mẹ của 2 cháu bé cùng khai không biết luật Thuận là ai. Tính khai không biết ông này.
Việc vi phạm tố tụng trong vấn đề yêu cầu luật sư còn thể hiện ở chỗ, anh Thuận được dự cung trước khi có giấy bào chữa. Cụ thể, ngày 10/5/2011, luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn luật sư TP HCM) được cấp giấy chứng nhận luật sư bào chữa chỉ định cho Tính trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, trước đó một ngày, luật sư Thân đã tham dự buổi hỏi cung Tính (thể hiện trên biên bản ghi lời khai).
Trình bày trước tòa, bị cáo Hoàng Văn Tính tường trình về mốc thời gian trong ngày để khẳng định sự ngoại phạm. Bị cáo khai: “Gia đình tôi làm nghề chế biến và bán đậu hũ. Theo lịch làm việc, 5h tôi phải chở cha đi bán ở chợ, rồi về chở mẹ đi bán chỗ khác. Sau đó Tính về chở em đi cùng bán với mình đến 10h, rồi lần lượt đi đón cha và mẹ về.
Cả nhà ăn trưa và nghỉ đến 14h. Sau đó cả gia đình cùng làm công việc buổi chiều, chuẩn bị cho buổi bán sáng hôm sau như ngâm đậu, xay đậu, ra khuôn đậu, đến 18-19h. Cứ thế, suốt 2 tháng từ khi gia đình tôi chuyển từ Lâm Đồng đến TP HCM ở trọ, lịch trình ngày nào cũng vậy”.
Người tố cáo có khả năng “ngoại cảm”
Bà Hương và bà Luyện có 4 đơn tố giác, trình báo tội phạm vào các ngày 11, 23 và 27/4. Trong khi đó, cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định cho đến ngày 27/4, bà Hương mới nghe kể và sau đó nói lại cho bà Luyện biết việc Tính có hành vi phạm tội với con gái 2 bà.
Cáo trạng xác định khoảng 15h ngày 11/4/2011 Tính phạm tội với con bà Luyện, trong khi 10h hôm đó, bà đã có đơn trình báo, tố giác hành vi của Tính.
Hồ sơ thể hiện Tính bị bắt hồi 13h, trong khi bà Hương khai chiều 27/4/2011, bà tắm cho con thì bé kêu đau. Bà hỏi bé không nói. Sau bị mẹ đánh, cháu mới kể việc bị Tính hiếp… (cáo trạng xác định 13h ngày 27/4, bà Hương đang may quần áo mới nghe bé gái kể).
Ra tòa, bà Hương và bà Luyện cùng khẳng định: “Không được chứng kiến, giám hộ khi công an lấy lời khai con mình. Chỉ khi xong việc, chúng tôi mới được gọi vào đọc lại, kí vào biên bản”.
Các cán bộ công an sau đó có giải trình rằng: “Hai bà được chứng kiến từ đầu đến khi kết thúc. Nếu không chứng kiến giám hộ và không biết luật sư Thuận, tại sao 2 bà đồng ý kí tên xác nhận vào các biên bản ghi lời khai khi Công an quận 12 làm việc”…
Theo Phương Loan/Pháp luật TP HCM