Dù đường được mở rộng, lực lượng chức năng lại thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng trên nhiều con đèo ở miền Trung vẫn xảy ra tai nạn liên miên
Trưa 4-9, từng đoàn xe nối đuôi nhau ì ạch “bò” qua đèo Phước Tượng trên Quốc lộ (QL) 1, đoạn giữa hai xã Lộc Trì và Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Vượt “ải“ Phước Tượng, Phú Gia
Xe container biển kiểm soát (BKS) 51C-11527 chạy hướng Bắc - Nam, khi tới sát chân đèo Phước Tượng buộc phải giảm tốc độ xuống 30 km/giờ. Cung đường lắm dốc lại có nhiều chỗ ngoặt khiến xe liên tục uốn lượn đến chóng mặt.
Đoạn cua khuỷu tay ở đèo Phú Gia gây khó khăn cho các xe qua lại. Ảnh: QUANG NHẬT
Do đoạn đường cấm vượt nên phía sau xe container này, một đoàn xe rồng rắn nối đuôi nhau qua đèo. Gần 20 phút mới “trườn” qua cung đèo dài 3,2 km, xe container lại gặp ngay chướng ngại vật là đèo Phú Gia. Đèo này chỉ dài 2,3 km nhưng có độ dốc 8%, đường ngoằn ngoèo liên tiếp, đặc biệt có khúc cua khuỷu tay rất ngặt. Vì vậy, tài xế phải căng mắt quan sát và mất chừng 25 phút mới qua được hết đèo.
Thoát đèo Phước Tượng và Phú Gia, tài xế Phạm Minh Chung (quê Hưng Yên, lái xe khách BKS 89L-1016) đột ngột dừng lại. “Xe chở không nặng nhưng khi qua đèo thường xuyên đạp phanh nên phải dừng lại để vừa nghỉ ngơi vừa kiểm tra độ an toàn xe” - anh Chung giải thích. Tài xế với hơn 10 năm ôm vô lăng này so sánh: “Đèo Phước Tượng độ dốc không cao nhưng khi lên dốc, thân xe đổ về phía trái chiều so với hướng di chuyển; còn đèo Phú Gia thì dốc hơn, khúc cua lại ngặt nên rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, tài xế Trần Minh Hoàn (quê Nghệ An, lái xe container BKS 16C-02414) cho biết rất nhiều lần xe anh bị tắt máy khi đang lên 2 đèo này . “Độ dốc không cao nhưng rất “tức”, tài xế chỉ cần nôn nóng hoặc tranh nhau vượt thì sẽ gặp họa. Mỗi lần qua 2 đèo này, chúng tôi thường nhường nhau” - anh Hoàn nói.
Đèo Lò Xo - đi mà lo
Đến nay, nhiều người vẫn chưa thể nào quên vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đèo Lò Xo (xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) gần 10 năm trước. Sáng 21-4-2005, xe khách chở 31 cựu chiến binh ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội cùng người thân đi thăm lại chiến trường xưa đã lao xuống vực, tất cả hành khách không ai sống sót.
Cụ A Ớt thường xuyên lên đèo Lò Xo lo hương khói cho người đã khuất. Ảnh: QUANG VINH
Tại địa điểm xảy ra tai nạn, người ta dựng lên một tấm bia ghi danh sách người tử vong và đặt một tượng Phật. Dừng lại đây thắp nén hương, chúng tôi gặp cụ A Ớt (người dân tộc Xê Đăng, ngụ xã Đắk Man) là đồng đội của các cựu chiến binh tử nạn. Nhiều năm nay, hầu như ngày nào cụ cũng lên đây quét dọn. Mỗi lần thắp hương, cụ luôn cầu sao cho tai nạn trên đèo Lò Xo không còn nữa nhưng thực tế, tai nạn chết người vẫn luôn xảy ra.
Trong sáng 4-9, sau khi đổ xuống vài con dốc, xe tải chở gỗ bị hỏng phanh, tài xế Nguyễn Huy Dũng (ngụ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) phải dừng lại chờ người đến sửa chữa. Ông Dũng cho biết chính vì đường ngoằn ngoèo nhưng không có dốc quá cao, lại xen kẽ nhiều đoạn dễ chạy nên các tài xế thường chủ quan.
Tài xế Nguyễn Hòa chạy xe khách tuyến Kon Tum - Đà Nẵng nhận xét đường đèo Lò Xo nhiều đoạn có độ dốc 10% và dài trên 3 km. Bên cạnh đó, kết cấu mặt đường bằng bê-tông nên vào mùa mưa thường bị ẩm ướt, có đoạn rêu mọc bám đầy lại kèm sương mù khiến việc lưu thông rất khó khăn. Theo ông Hòa, phần lớn xe gặp nạn ở đoạn đèo này là do chủ quan vì thấy đường không quá nguy hiểm.
Dù nói vậy nhưng suốt đoạn đường qua đèo Lò Xo, chúng tôi nhiều lần muốn đứng tim trước màn biểu diễn như xiếc của tài xế Hòa. Đường dốc, quanh co nhưng ông vẫn liên tục nhấn ga. Khi đổ dốc, xe phóng vun vút với vận tốc lên đến 80 km/giờ.
Đèo Lò Xo dài 27 km nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, giáp ranh giữa huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và huyện Đắk Glei. Các tài xế gọi nơi đây là “cung đèo tử thần” khi liên tục có những đoạn xoắn vòng như chiếc lò xo. Một số đoạn cong gần như tạo thành nửa vòng tròn ôm sát vào vách núi, phía bên kia là vực thẳm. Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum, từ năm 2011 đến hết tháng 6-2014, trên đèo Lò Xo xảy ra ít nhất 21 vụ tai nạn giao thông làm 15 người chết, hàng chục người bị thương.
Ngoài Lò Xo, theo ông Nguyễn Văn Nhân. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, trên nhiều tuyến đường nối các huyện miền núi ở tỉnh này còn có nhiững đoạn đèo hết sức nguy hiểm. Trong đó, đáng sợ nhất là những con đèo trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang...
Tuần tra suốt ngày đêm
Theo trung tá Hồ Quốc Văn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, công an tỉnh đã bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại hai đèo Phước Tượng và Phú Gia để thường xuyên đo tốc độ, ghi hình xử phạt các trường hợp chạy lấn đường, đậu đỗ trên đèo… “Từ khi các trạm cân lưu động hoạt động, số vụ tai nạn trên 2 đèo này đã giảm hẳn” - ông Văn cho biết.
Tại đèo Lò Xo, theo ông Lê Trung - cán bộ Trạm CSGT Ngọc Hồi, Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum - sau những vụ tai nạn giao thông liên tiếp, địa phương đã lập một chốt giao thông. Lực lượng CSGT của chốt túc trực 24/24 giờ để tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp với việc nhắc nhở các tài xế chú ý kiểm tra độ an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi qua đèo.