Ông Nguyễn Văn Thới, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, cần xử lý những cán bộ cấp đất, cấp phép xây dựng sai cho ông Truyền. Người làm sai phải lấy tiền túi ra bồi thường chứ không lấy ngân sách nhà nước.
Căn nhà cấp cho ông Truyền vừa được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi.
Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ký quyết định thu hồi thửa đất số 598B5 đã cấp sai cho ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2).
Việc ông Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi ông Truyền không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình ông Truyền có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm. Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công.
Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã quyết định miễn giảm cho ông Truyền theo Nghị định số 38/CP, ngày 23/8/2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên do giữa gia đình ông Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình đã bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.
Trong khi chưa giải quyết dứt điểm thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin xây nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Liên quan tới vấn đề này, ông Thới cho biết: “Nguồn gốc khu đất đó là của một ông thầy giáo dạy học theo cách mạng nên bị địch lấy gần 2/3 diện tích để làm hậu cứ, phần còn lại là những nền mộ xưa của dòng họ này. Sau năm 1975 đất nước thống nhất, khu đất này thuộc quân đội quản lý và sau đó chia cho các cán bộ trong quân đội, trong đó có cả ông Truyền. Thế hệ con của vị thầy giáo yêu nước năm xưa đến nay vẫn còn thưa kiện đòi lại khu đất của cha ông. Đáng ra đất này phải trả lại cho dân từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết xong mà lại cấp cho nhiều cán bộ”. Theo ông Thới, việc xử lý thu hồi thửa đất cấp sai cho ông Truyền là hoàn hoàn hợp lý nhưng những cán bộ liên quan phải giải quyết như thế nào để lấy lại lòng tin trong nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Thới, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre.
“Theo tôi phải xử lý cán bộ năm 1992 đã đề nghị Quân khu 9 cấp đất cho ông Truyền. Tôi biết cán bộ khi đó là Đại tá, Tỉnh đội trưởng sau đó là Bí thư Tỉnh uỷ. Tuy những cán bộ đó về hưu rồi nhưng cũng phải chịu trách nhiệm. Năm 2013, Sở Xây dựng cấp phép xây tạm thì phải chịu trách nhiệm. Những cán bộ làm sai phải tự lấy tiền túi là mà bồi thường, khắc phục hậu quả chứ không lấy ngân sách nhà nước được” - ông Thới chia sẻ.
Theo ông Thới, vụ việc ông Truyền xử lý hành chính thì rất dễ, nhưng dư luận nhân dân như vậy thì phải làm quyết liệt. Xã hội nhìn vào thì đây là tham nhũng, chỉ có giải quyết theo hướng tham nhũng mới giải thích được với dân. Bởi vì chỉ có con đường hối lộ mới có tiền xây dinh thự và tài sản nhiều như vậy. Nhân dân bây giờ theo dõi rất sát sao việc xử lý trách nhiệm các bước tiếp theo sau kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nên phải xử lý thật nghiêm minh, phải rốt ráo.