Tuy xuất hiện muộn hơn ở Việt Nam so với các loại tội phạm khác, nhưng tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) đang có xu hướng phát triển ngày càng nhanh tại Việt Nam. Đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội, hoạt động xuyên quốc gia và được tổ chức khá bài bản gây khó khăn lớn cho lực lượng chức năng trong quá trình thu thập chứng cứ phạm tội, truy xét và truy bắt đối tượng. Cùng với những đặc điểm chung ở các địa phương khác nhưng loại tội phạm này tại Thừa Thiên - Huế (TT-Huế) lại mang những nét riêng biệt, điển hình của một thành phố du lịch.
Bài 1: Lật tẩy những chiêu lừa công nghệ số của tây du lịch
Là một điểm đến thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, TT-Huế đang từng giờ, từng phút trỗi dậy, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, đã có gần 1 triệu lượt khách du lịch đến TT-Huế, trong đó khách quốc tế đạt gần 400 nghìn lượt người; doanh thu du lịch đạt gần 100 tỷ đồng. Số người đến Huế ngày một đông là thuận lợi cơ bản, tiền đề để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) nói chung và PCTP sử dụng CNC nói riêng.
1. Đối tượng người nước ngoài sử dụng CNC để phạm tội đang xuất hiện như một hiện tượng tất yếu của quá trình hội nhập. Tuy nhiên, là một tỉnh phát triển du lịch, lại nằm trên trục đường huyết mạch di chuyển Bắc – Nam nên lượng người qua lại, lưu trú trong một thời gian ngắn trên địa bàn tỉnh rất đông đã khiến loại tội phạm này tại TT-Huế càng trở nên nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh TT-Huế nhớ lại vụ án điển hình việc bọn tội phạm sử dụng CNC tại TT-Huế luôn luôn lưu động, gây khó khăn cho việc truy bắt đối tượng chính là vụ việc ngày 6/3 vừa qua. Khi một nạn nhân nữ đến trình báo với chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn TP Huế là mình vừa được ngân hàng thông báo đã rút 16 triệu đồng trong thẻ tài khoản ngân hàng trong khi chị đang ở nhà.
Hình ảnh người nước ngoài nghi đang lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin tại các cây ATM. (Ảnh cắt từ video)
Khi kiểm tra, ngân hàng này mới biết thông tin trên thẻ của nạn nhân đã bị đánh cắp và các đối tượng đã 8 lần rút tiền với tổng số 16 triệu đồng tại một cây ATM trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tại cây ATM mà nạn nhân bị đánh cắp thẻ, Đội PCTP sử dụng CNC và bộ phận kỹ thuật ngân hàng chủ quản đã thu được thiết bị trộm cắp thông tin tài khoản và camera thu hình hành vi lắp đặt thiết bị trộm cắp thông tin của nhóm đối tượng người nước ngoài nêu trên.
Qua công tác nghiệp vụ, Đội PCTP sử dụng CNC thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh TT-Huế còn phát hiện, chỉ trong 10 ngày, từ 6/3 đến ngày 16/3, nhóm đối tượng người nước ngoài này đã lắp đặt thiết bị trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng tại rất nhiều cây ATM trên địa bàn tỉnh. Thủ đoạn của chúng là lắp các thiết bị vào đầu đọc thẻ và tấm ốp phía dưới màn hình tại máy ATM để đánh cắp dữ liệu thẻ.
Khi khách hàng đưa thẻ ATM vào khe cắm thẻ thì thiết bị mà các đối tượng lắp đặt sẽ tự động ghi lại thông tin mã số bí mật trên thẻ ATM, đồng thời camera hoặc bàn phím tự động ghi lại mã PIN của khách hàng. Có được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ ghi lên thẻ trắng có sẵn hoặc chuyển thông tin cho đồng bọn đang ở một thành phố khác để ghi thông tin lên thẻ trắng, rồi trộm tiền của khách hàng.
Thế nhưng, điều đáng nói là trong khi lực lượng Công an đang tích cực truy xét đối tượng phạm tội thì nhóm đối tượng người nước ngoài này có thể đã xuất cảnh khỏi Việt Nam bất kỳ lúc nào, gây khó khăn cho việc truy bắt đối tượng.
2. Giữa tháng 4 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh TT-Huế đã bắt được đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Phạm Hữu Lợi, 40 tuổi, trú tại 481 Lê Duẩn, TP Huế, là “thầy giáo” dạy công nghệ thông tin và là đồng phạm cùng Võ Văn Nhân, 32 tuổi, trú tại 391/2 Bùi Thị Xuân, TP Huế cầm đầu đường dây sử dụng mạng Internet và mạng truyền thông để đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, xóc đĩa xuyên quốc gia, với tang số lên đến gần 38 triệu USD.
Ý nghĩa lớn nhất của việc triệt phá đường dây cá độ bóng đá do Nhân và Phi cầm đầu, là vụ án được lực lượng Công an TT-Huế triệt phá ngay trong mùa World Cup (tháng 7/2014) nên đã kịp thời ngăn chặn, răn đe tình trạng tổ chức và chơi cờ bạc, cá độ trên mạng Internet diễn ra trên địa bàn tỉnh và đem đến sự bình yên cho biết bao gia đình…
Thiết bị đánh cắp thông tin tại các cây ATM do cơ quan Công an thu giữ.
Tuy nhiên, khi lực lượng PCTP sử dụng CNC Công an TT-Huế phối hợp cùng Cục Cảnh sát PCTP sử dụng CNC Bộ Công an làm rõ, thì số tiền 37,7 triệu USD mà các đối tượng dùng để đánh bạc đã “không cánh mà bay” ra nước ngoài. Vì rốt cuộc, cả Phi và Nhân cũng chỉ là những “chân rết”, là thành viên giúp các “ông trùm” đánh bạc qua mạng Internet có máy chủ đặt tại nước ngoài quản lý trang mạng đánh bạc của họ mà thôi…
Và sau mỗi phi vụ đánh bạc, Phi và Nhân sẽ chỉ nhận được số tiền chênh lệch, còn số tiền gốc phải thanh toán lại cho các “ông trùm” ở nước ngoài. Do đó, khi Nhân và Phi bị bắt, tổng tài sản bị thu giữ của hai đối tượng chỉ còn lại ở con số vài tỷ Việt Nam đồng, chưa bằng một số lẻ trong con số 37,7 triệu đô mà họ đã làm “chảy” ra nước ngoài.
Để chúng tôi hình dung ra quy mô của vụ án, Thượng úy Hoàng Tiến Dũng, Đội trưởng Đội PCTP sử dụng CNC thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh TT-Huế miêu tả đường dây đánh bạc này được tổ chức theo kiểu hình nón, có quy mô 31 thành viên cấp “tổng quản lý”, 216 thành viên cấp “quản lý” và hơn 2.000 con bạc tham gia, trong đó có 1.487 con bạc đang hoạt động với tổng số tiền đánh bạc qua mạng là 35 triệu USD.
Cùng với cá độ bóng đá, đường dây này còn tổ chức đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa qua mạng với 10 thành viên cấp “quản lý”, hơn 150 con bạc tham gia. Tổng số tiền đánh bạc bằng hình thức này qua mạng hơn 2,7 triệu USD. Hành vi đánh bạc của Phi và Nhân qua vụ án nêu trên chỉ là điển hình cho gần 1.450 vụ đánh bạc và tổ chức đánh mạng thông qua mạng Internet mà lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã triệt phá trong năm 2014.
Đây là thành tích đáng nể phục của lực lượng Cảnh sát Việt Nam. Tuy nhiên, qua vụ án nêu trên ta có thể thấy tội phạm CNC có yếu tố nước ngoài đã và đang “ráo riết xâm nhập” vào Việt Nam và dòng tiền của Việt Nam đang ngày đêm “chảy” ra nước ngoài thông qua con đường đánh bạc là rất lớn và những hệ lụy kéo theo từ việc đánh bạc này cho xã hội là rất lớn.
Nhưng do vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phối hợp bắt giữ tội phạm nên những “tên trùm” ở nước ngoài, những kẻ cầm đầu, đứng đằng sau giật dây, gián tiếp gây ra những hệ lụy xã hội kéo theo vẫn đang nhởn nhơ ở ngoài vòng pháp luật của cả Việt Nam và các nước sở tại mà chúng đang sống…
Theo: Trần Xuân - CAND