Tệ nạn phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc ở các xã vùng sâu, vùng xa trên Tây Nguyên hiện nay không còn là điều mới mẻ. Thế nhưng nếu không kịp thời cảnh báo, sẽ còn nhiều nữa số sơn nữ nhẹ dạ, cả tin theo lời hứa về một sự đổi đời nơi xứ lạ và cứ thế sập bẫy bọn buôn người.
Đào Thị Phương (phải) kể lại hành trình chạy trốn khỏi động mại dâm
Việc dễ lương cao, hay ngây thơ say men tình với trai lạ tiếp tục sập bẫy bọn buôn người qua biên giới.
Sập bẫy những lời hứa hão
Trong nắng trưa tháng 10 chúng tôi đến thôn 7, xã Đắc Ha, huyện Đắc G’long, tỉnh Đắk Nông, để gặp H’Như 16 tuổi, người Ê Đê vừa trốn thoát về từ Trung Quốc. Chị H’Nhăi Bya - 34 tuổi, mẹ của H’Như nói: “Nó bây giờ suốt ngày cứ lầm lũi ngoài rẫy bắp, không muốn gặp ai”.
Trên rẫy, H’Như đang hái đậu. Bắt chuyện hồi lâu, cô mới chịu nghỉ tay lặng lẽ đi vào sân kể cho chúng tôi nghe về những ngày bị chà đạp nhân phẩm tồi tệ.
Một chiều đầu tháng 5/2014, H’Như gặp bạn trai mới quen qua điện thoại tên Hoàng Văn Quyền để “trao đổi công việc”. Quyền (23 tuổi, quê Yên Bái, tạm trú Đắk Nông) cho biết có bà chị đang cần gấp các cô gái trẻ ra Lào Cai giúp việc rửa bát với lương 30 triệu đồng/tháng, lại còn thưởng cao nếu Như rủ thêm được nhiều bạn đi cùng.
Vài ngày sau H’Như đón xe ra xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa rủ 2 cô bạn thân là H’Hòa và H’Thoa ra bến xe khách huyện Đắk G’long, có 2 thanh niên tên Lâm và Phong đến đón.
Tại bến xe, bỗng H’Hòa đổi ý không đi, chỉ còn H’Thoa và H’Như lên đường. Vừa đến Lào Cai, xuống xe đã thấy bà Tuyết được giới thiệu là chị của Lâm chờ sẵn, dẫn đi mua quần áo mỹ phẩm để “tân trang” lại nhan sắc.
H’Như nói trong nước mắt: “Trong lúc háo hức mong đến chỗ làm, em vô tình nghe họ bàn kế hoạch đưa bọn em qua động mại dâm bên kia biên giới. Biết bị lừa mà không có cách nào trốn”. Tại nhà chứa có tới 8 cô gái Việt Nam đều là nạn nhân của bọn buôn người.
Mỗi ngày, bình quân mỗi cô phải tiếp từ 6-8 lượt khách liên tục từ 5 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng hôm sau. “Phục vụ” xong, chủ nhà chứa lục soát người các cô có đồng nào khách “bo” là lấy sạch. Có lần 2 cô gái chống cự để tự vệ, liền bị cả lũ đàn ông xúm vào đánh đập, bỏ đói mấy ngày liền.
H’Như lên kế hoạch bỏ trốn khi một lần đi “khách” bên ngoài vô tình nhìn thấy đồn công an. Sáng tinh mơ, khi mọi người đang say giấc sau một đêm phục vụ rã rời, H’Như một mình trèo tường lẻn ra ngoài, chạy thục mạng đến đồn công an ấy với hy vọng được giải thoát. Nhưng không có giấy tờ tùy thân, cô bất lực trước những cái lắc đầu của lực lượng chức năng ở đây khi họ không biết tiếng Việt.
Trong cơn tuyệt vọng, H’Như may mắn gặp một phụ nữ người Việt tên Loan, được chị dẫn về nhà. H’Như gọi điện cấp báo về gia đình và được bố mẹ cùng người yêu gửi tiền tìm đường về Việt Nam.
Cả 3 mẹ con cùng bị bán
Ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số sập bẫy bọn buôn người.
“Vợ chồng tôi có 4 đứa con, cáng đáng hết công việc đồng áng mà vẫn nghèo xơ xác, đói khổ triền miên. Khi có một người đàn ông lạ nhiều lần gọi điện rủ đi làm thuê bên Trung Quốc lương tháng 9 triệu đồng, tôi liền đồng ý đi theo”. Chị Lý Thị Dợ (38 tuổi) vừa trốn thoát trở về kể lại.
Chị Lý Thị Dợ (phải) kể lại hành trình chạy từ Trung Quốc về Việt Nam
Chị kể: Tối ngày 5/2/2014, tôi lên xe theo “cò việc làm”, không ngờ bị bán làm vợ cho một người đàn ông bên kia biên giới lạ hoắc. “Cuộc sống hàng ngày của tôi là theo chồng lên nương rẫy.
Một lần theo chồng đi ăn cưới, nhìn thấy công an, tôi vội lục giấy chứng minh nhân dân đưa cho họ và xin cứu. Họ đưa tôi đến trụ sở lấy lời khai. Hai hôm sau họ dẫn tôi về biên giới trả cho công an Việt Nam”.
Về đến nhà, biết tin con gái thứ hai Thào Thị Chía cũng vừa bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Dợ đau khổ: “Vậy là cả 3 mẹ con tôi đều mắc lừa. Con gái đầu là Thào Thị Phương từ tháng 10/2012 đã kể với mọi người là có người rủ sang Trung Quốc làm thuê một thời gian về là giàu có, nó bế theo đứa con gái mới sinh được 4 tháng tuổi đi biệt tích, bỏ lại đứa con trai cho chồng. Nó bị lừa bán trước tôi mà tôi vẫn còn ngu muội đâm đầu vào con đường ấy”.
Bị bán vì yêu… qua điện thoại
Ngày qua ngày quanh quẩn bên rẫy sắn, nương ngô, là cuộc sống của Đào Thị Phương (17 tuổi, thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Nơi xa nhất cô đặt chân đến là… chợ xã. Cuộc đời xa xứ theo tưởng tượng sẽ rất thú vị của Phương bắt đầu vào một ngày giữa tháng 4/2014, khi có số máy lạ gọi điện đến làm quen.
Liên tiếp sau đó là những tin nhắn yêu đương ngọt ngào, của chàng “người yêu mới” có tên Trinh, nhà ở Đắk Nông. Cuộc gặp mặt sau hai ngày làm quen diễn ra. Phương đồng ý theo Trinh về Bắc ra mắt gia đình “chồng”.
“Anh ấy bảo không cần mang theo gì và không được cho ai biết, ra đến nhà anh rồi gọi điện về báo cho bố mẹ mừng. Em đã làm theo lời anh ấy dặn”, Phương kể. Đôi trẻ vừa xuống sân bay Nội Bài là tiếp tục bắt xe đi Lào Cai.
Ông Đào Văn Sáu, bố Phương giải thích: “Khi không thấy Phương ở nhà, gia đình tôi đinh ninh sắp có một chàng rể. Vì theo tập tục bắt vợ từ lâu đời của người Mông, con gái đến tuổi phải trốn sang nhà chồng ở trước, sau đó nhà trai sang gặp xin cưới.
Đợi mãi sang ngày thứ ba không thấy ai sang hỏi cưới, điện thoại cho con gái không liên lạc được, tôi lên cơ quan trình báo. Cán bộ lấy lời khai và nhận định có thể con bé bị bán sang Trung Quốc rồi”.
Sau khi trốn thoát trở về H’Như giúp mẹ làm rẫy
Trinh đưa Phương sang bên kia biên giới rồi giao cô cho hai gã “họ hàng”. Đến khi bị chúng đẩy vào khu nhà trọ lụp xụp, bên trong có khoảng 20 cô gái Việt Nam bị quản thúc chặt, Phương mới biết mình bị “người yêu” lừa bán. Sau 3 tuần tủi nhục trong động chứa, Phương may mắn tìm cách trốn được, một mình vượt núi băng rừng sang Lào Cai, và đón được xe tuyến Lào Cai - Đắk Lắk về nhà.
Cũng tại huyện Krông Bông, 2 cô Thào Thị Chía (18 tuổi) và Thào Thị Dua (16 tuổi) cùng ở thôn Cư Rang, xã Cư Pui cùng biệt tăm tích sau khi “yêu” hai trai lạ qua… điện thoại.
Ông Thào Văn Danh - bố Dua kể: “Hôm đó tôi đi huyện về, nghe con trai kể lúc xế trưa, hai chị nhờ đèo lên chợ xã, rồi lên chiếc taxi đã chờ sẵn đi luôn. Trước đó thấy chúng nó cứ nhắn tin gọi điện cả ngày lẫn đêm. Tôi cứ nghĩ con đến tuổi yêu đương nên thế. Ngờ đâu…”.
Nỗi lo còn đó
Sau khi lừa bán Đào Thị Phương, tên Trinh lại tiếp tục gạ gẫm lừa cô bạn cùng tuổi cùng thôn với Phương là Hoàng Thị Giang. Biết tin, công an xã đã lập kế hoạch vây bắt bọn buôn người. Tuy nhiên, “đánh hơi” thấy nguy hiểm nên tên Trinh đã cắt liên lạc, rồi biến mất - ông Trương Thế Mai, trưởng công an xã Hòa Phong cho biết.
Sau kế hoạch vây bắt không thành, xã phân công cán bộ đến từng nhà dân nói chuyện, nhất là những gia đình có con gái chuẩn bị đến tuổi… trốn. Những cuộc họp dân để tuyên truyền phát động cảnh giác đến tất cả các thôn bản được coi như biện pháp quan trọng nhất trong việc chống tệ nạn buôn người. Những nạn nhân đã may mắn trở về là nhân chứng sinh động cho công tác tuyên truyền giáo dục. Họ kể cho bà con biết những chiêu lừa lọc của kẻ xấu, kể về quãng thời gian sống tủi nhục nơi đất khách bằng tiếng Mông cho đồng bào nghe. Có bữa cả thôn tụ về đốt lửa họp đến nửa đêm.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: Ngoài những phụ nữ may mắn trở về, riêng huyện Krông Bông (Đắk Lắk) vẫn còn 10 người biệt tích. Đó là chưa kể những trường hợp gia đình vẫn còn tin con gái đi lấy chồng giàu nhưng chưa có thời gian để về nên không trình báo.
Theo thượng tá Bùi Văn Khẩu - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Nông: Thủ đoạn của bọn buôn người không có gì mới, song nhiều phụ nữ ngây thơ, cả tin vẫn sập bẫy dễ dàng. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 39 phụ nữ từ 16 - 30 tuổi bỏ nhà đi không rõ lý do. Trong đó 28 người có khả năng bị bán hoặc dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng, 11 người được xác định đã bị lừa bán.
Ngày 10/6/2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt tạm giam Hoàng Văn Quyền (trú xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), Vũ Gia Phường, lấy tên giả là Phong (trú xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Riêng Hà Văn Đoán, lấy tên giả là Lâm đã bỏ trốn. Quyền khai nhận đã lừa giao H’Như và H’Thoa cho Đoán và Phường đưa sang Trung Quốc bán.