UBND TP HCM đã chấp thuận đề xuất của sở GTVT TP về dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy theo hình thức đối tác công tư (xây dựng - sở hữu - kinh doanh, hợp đồng BOO) với tổng số vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng.
Theo đó, hai tuyến canô bus có tổng chiều dài hơn 21 km, từ quận Thủ Đức đến quận 8 sẽ được thực hiện trong hai năm 2015-2016 trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ.
Theo dự kiến, giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ đầu tư 10 phương tiện canô bus có sức chứa tối thiểu 60 chỗ/phương tiện với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Dự án kết hợp du lịch đường thủy nội địa TP HCM và góp phần giải quyết ách tắc giao thông đường bộ đang quá tải tại các điểm nóng kẹt xe hiện nay.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tình hình hoạt động môi giới, mua bán, sử dụng văn bằng giả để xin việc làm tại các cơ quan Nhà nước diễn biến phức tạp.
Từ tháng 10/2014 đến nay, Phòng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB) Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận thông tin, điều tra nhiều trường hợp sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ giả để thi tuyển viên chức. Ngoài ra còn phát hiện hàng loạt trường hợp sử dụng các quyết định tuyển dụng giả của Sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn để vào làm việc tại các cơ quan…
Qua đấu tranh, lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Ngãi làm rõ 20 trường hợp đã sử dụng các loại văn bằng giả vào làm việc tại các cơ quan, trường học dưới hình thức hợp đồng ngắn hạn. Phát hiện và làm rõ 11 đối đượng giữ vai trò trung gian, môi giới mua bán văn bằng giả; trong đó có nhiều đối tượng là cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng tại các cơ quan.
Trong số 7 trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp giả để thi viên chức vào Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, có 6 trường hợp nữ là nhân viên hợp đồng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đối với các trường hợp này, trinh sát đã điều tra, đấu tranh làm rõ nhiều người liên hệ với các đối tượng ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để mua bằng tốt nghiệp giả.
Đáng chú ý, một số người sau khi mua bằng giả cho mình, tiếp tục làm trung gian người khác mua bằng giả. Việc các nhân viên cấp dưới mua, sử dụng bằng tốt nghiệp giả để làm hồ sơ thi viên chức đều được lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ngãi biết, nhưng không xử lý ngăn chặn.
Tại huyện Mộ Đức, Phòng ANCTNB điều tra, đấu tranh làm rõ 9 trường hợp bằng tốt nghiệp và bảng điểm giả. Đa số các trường hợp này khai nhận thông qua Internet, các mối quan hệ bạn bè, người thân… để nhờ liên hệ, mua bằng tốt nghiệp giả.
Nghiêm trọng hơn, một giảng viên của một trường cao đẳng ở Quảng Ngãi đã thông qua một giáo viên khác ở một trường đại học ở tỉnh Quảng Nam để mua bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non giả cho bà T.T.H. ở huyện Mộ Đức.
Bên cạnh đó, tại huyện Nghĩa Hành và Trường Đại học Phạm Văn Đồng còn phát hiện 10 trường hợp bằng giả ở huyện Sơn Tây. Phần lớn các trường hợp phát hiện là giáo viên, nhân viên hợp đồng ngắn hạn tại các trường mầm non, tiểu học...
Đại tá Võ Ngọc Anh, Trưởng Phòng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Xuất phát từ những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan trong khâu xét duyệt, thẩm định tính hợp pháp của văn bằng mà các đối tượng sử dụng lợi dụng làm bằng giả để xin việc. Cũng từ việc tràn lan bằng giả đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, trường học trên địa bàn tỉnh, làm giảm niềm tin của nhân dân và tác động xấu đến tình hình an ninh nội bộ”.
Theo Đại tá Võ Ngọc Anh, các đối tượng trong đường dây làm bằng giả hoạt động rất tinh vi; chúng thường trà trộn các địa điểm trước cổng trường đại học, tụ điểm có sinh viên, quán giải khát, chủ động tìm gặp các trường hợp có nhu cầu mua bằng giả để tác động, dụ dỗ. Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường công tác xét duyệt, thẩm tra tính hợp pháp của văn bằng khi các ứng viên sử dụng để xin việc làm, thi tuyển công chức, viên chức tại các cơ quan; hoặc khi cán bộ, công chức bổ sung bằng cấp để nâng lương, bổ nhiệm chức vụ cao hơn...
Một số bằng giả Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi điều tra thu giữ.
------------------------
Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ 1.000 hộ nghèo xây nhà trước mùa mưa bão
Ngày 28/7, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế), Công ty CP Xi măng Đồng Lâm giới thiệu chương trình “Hành trình bền vững – Gắn kết muôn nơi”, nhằm tư vấn miễn phí và trao tặng xi măng Đồng Lâm cho 1.000 hộ nghèo trên địa bàn miền Trung xây dựng nhà ở kiên cố trước mùa mưa bão 2015.
Theo đó, từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2015, Công ty này sẽ cử các chuyên gia đến các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và TP Đà Nẵng để tư vấn miễn phí và trao tặng 2.000 tấn xi măng cho các hộ đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở; đồng thời giám sát thi công chặt chẽ cho đến khi công trình hoàn tất.
Ông Phan Lê Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm bày tỏ: “Mảnh đất miền Trung với thời tiết khắc nghiệt, hằng năm thường xảy ra những trận bão lớn nên người nghèo rất cần có sự tư vấn và hỗ trợ khi xây dựng căn nhà mơ ước là cơ nghiệp cả đời của mình”.
-------------------------
Cần Thơ: Xử phạt hơn 17 tỷ đồng vi phạm giao thông đường thủy
Ngày 28/7, Ban ATGT TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiên cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (2011 – 2015).
Theo bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, tình hình TTATGTđường thủy nội địa trên địa bàn thành phố cơ bản đi vào nề nếp, TNGT đường thủy giảm rõ rệt và đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy cho người dân.
Đáng chú ý, các lực lượng chức năng TP Cần Thơ đã tổ chức TTKS 7.959 cuộc, với trên 30.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Lập biên bản vi phạm hành chính 18.119 trường hợp với số tiền phạt trên 17,3 tỷ đồng. Ban ATGT tham mưu cho UBND thành phố lập Ban chỉ đạo giải tỏa đăng, đáy cá trên các tuyến sông.
----------------------------