Năm 2016 sẽ chạy thử tuyến đường sắt trên cao Hà Nội
Đến cuối 2015 toàn bộ hạ tầng chạy tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có thể đảm bảo hoàn thành để đến đầu năm 2016 khi đưa đoàn tàu về sẽ tiến hành chạy thử.
"Hiện nay tổng thầu dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) đang khó khăn trong việc huy động thêm tài chính, vốn lưu động. Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đang yêu cầu nhà thầu chuyển kinh phí từ vốn lưu động để thúc đẩy tiến độ thi công cho công trình”, ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết.
Liên quan đến tiến độ dự án, ông Thành cho biết: Ban QLDA đang cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đến cuối 2015 toàn bộ hạ tầng chạy tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có thể đảm bảo hoàn thành, đến đầu năm 2016 khi đưa đoàn tàu về sẽ tiến hành chạy thử, sau đó đưa vào khai thác thương mại.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nói rõ: Dự án đường sắt trên cao là công trình có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thi công nên tiến độ dự án rất dễ bị ảnh hưởng.
Trong đó, khâu thiết kế của dự án hiện chưa được hoàn thiện, Ban QLDA đường sắt đang phải sàng lọc, thống nhất và đưa công tác thiết kế đi trước một bước để không bị ảnh hưởng đến tiến độ.
Về nguồn kinh phí hiện nay, tổng thầu đang còn khó khăn trong việc huy động thêm nguồn lực tài chính – vốn lưu động. Hiện Ban QLDA đường sắt đang yêu cầu nhà thầu chuyển kinh phí từ vốn lưu động để thúc đẩy tiến độ thi công cho công trình.
Liên quan đến hạng mục thi công 7 nhà ga của tuyến đường sắt trên cao, ông Thành cho biết: hiện nay Ban QLDA đã cho khởi động lại 2/7 nhà ga và trong tuần này cho triển khai thêm 3 nhà ga. Hai nhà ga còn lại sẽ cho triển khai tiếp vào cuối tháng 3 này.
“Việc thi công các nhà ga này, hiện chúng tôi đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống nhất phương án xén mở đường, đóng kiến ở phía dưới để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn thi công các nhà ga chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị thi công phải sửa chữa lại toàn bộ các hệ đà giáo trước khi thi công trở lại...”, ông Thành nói.
Ngoài ra, dọc dự án Ban QLDA đang cho các đơn vị thi công tiến hành gác dầm trở lại để đảm bảo tiến hộ.
Theo Ban QLDA, toàn tuyến đường sắt có 806 phiếm dầm, đến thời điểm hiện tại các đơn vị thi công đã lặp được 354 phiếm dầm, số còn lại sẽ phụ thuộc vào kế hoạch xây lắp các nhà ga của dự án.
------------------------
Kêu gọi các sáng kiến bảo vệ môi trường sông ngòi
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa phát đi thông báo kêu gọi các sáng kiến từ cộng đồng, các nhóm hoạt động và mạng lưới nhỏ, nhằm bảo vệ môi trường sông.
Theo đó, trong năm 2015, VRN sẽ hỗ trợ triển khai 4 ý tưởng liên quan đến sáng kiến cộng đồng về bảo vệ môi trường sông; các mô hình bảo vệ môi trường sông; tổ chức các sự kiện, truyền thông về bảo vệ môi trường sông; tăng cường quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ môi trường sông. Mỗi ý tưởng được VRN lựa chọn sẽ được nhận khoản hỗ trợ 15 triệu đồng.
Thời hạn nộp đề xuất ý tưởng từ ngày 15/4 về văn phòng VRN qua email: rivervietnam@gmail.
-------------------
Hà Nội chi gần 36 triệu để chặt một cây xà cừ
Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 trên địa bàn Hà Nội do UBND TP ban hành mới đây, để chặt một cây xà cừ lớn, TP phải chi gần 36 triệu.
Đây là đơn giá được Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng ký, áp dụng từ 1/1/2015 thay thế đơn giá cũ áp dụng từ năm 2012 đến nay.
Cụ thể, theo đơn giá này, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm là 21,6 triệu đồng mỗi cây đối với vùng 2 và gần 23,7 triệu đồng mỗi cây đối với vùng 1.
Trong trường hợp chặt không thi công bằng xe nâng thì các mức giá tương ứng gần 23 triệu đồng và trên 25 triệu đồng.
Sau khi chặt hạ, với loại cây đường kính trên 120 cm, chi phí để đào gốc cây và lấp đất là 9,8 triệu đồng mỗi gốc ở vùng 2 và 10,7 triệu đồng khi thi công ở vùng 1.
Ngoài ra, chi phí để chặt hạ và đào gốc cây nhỏ nhất (đường kính 15-40 cm) cũng lên tới 4,5 triệu đồng/cây.
Đơn giá chặt hạ các loại cây khác như Sấu, Nhội, Bàng, Bông gòn, Bằng lăng, Chẹo, Lát, Sưa, Long Não, Sao Đen, Đa, Si, Gạo, Tếch, Xoài, Sung... bằng 70% chi phí so với cây xà cừ.
Thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có gần 50.000 cây xanh, trong đó xà cừ 5.000 cây. Hiện, 500 cây đã bị chặt trong thời gian vừa qua, trong đó có rất nhiều cây xà cừ cổ thụ.
-------------------------