“Sắp hết khóa rồi (Quốc hội khóa XIII), mọi thứ màn màn rồi, chân bước chậm lại là không được. Công việc phải chắc, chuẩn bị chu đáo với tinh thần không lùi, không chạy nhanh quá nhưng cũng không được đủng đỉnh ngắm hoa, ngắm cảnh”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ngày 16/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong 10 dự án Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, có 1 dự án xin lùi sang năm 2016 là Luật biểu tình; 1 dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 là Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Đối với 8 dự án luật còn lại, có 6 dự án luật đã được Chính phủ thông qua, 2 dự án còn lại đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 2/2015 là Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Luật phí, lệ phí.
Với lý do hiện nay chưa có gì trong tay liên quan đến Luật Biểu tình, vì vậy, Chủ Nhiệm Ủy ban Pháp luật Pham Trung Lý đề nghị cho lùi luật này sang kỳ họp thứ 10 (cuối 2015). Đồng tình với việc lùi Luật Biểu tình sang kỳ họp sau, nhưng ông Nuyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, đề nghị không nên lùi quá sâu.
“Qua ý kiến của Quốc hội là rất bức xúc, đặc biệt sau khi có sự kiện giàn khoan 981 hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam, nên Luật Biểu tình càng trở nên cần thiết. Đây là mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, nên luật này càng thực hiện sớm càng tốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh nói.
Ngoài ra, ông Khoa còn kiến nghị cần sửa đổi Luật quốc phòng và Luật an ninh quốc gia. Theo ông Khoa, nhiệm vụ quốc phòng hiện nay không còn phù hợp, và nhiệm vụ lực lượng vũ trang cũng đã có nhiều đổi mới. Việc sửa Luật quốc phòng để xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan nganh bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Quốc hội nên tập trung thời gian vào các dự án luật mặc dù khó, phức tạp nhưng thực tiễn rất bức xúc. Theo ông Dũng, các luật Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh đề cập ở trên khó nhưng rất bức thiết, nên cần cố gắng sửa sớm, không nên để quá lâu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những dự án luật khó cần lường trước để đưa vào, ví dụ Luật biểu tình nếu không làm, dây dưa để kỳ họp sau dễ bị hiểu “vì lý do khác” chứ không phải không làm được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại tình trạng các Ủy ban “đủng đỉnh” làm việc khi Quốc hội khóa XIII sắp hết. “Sắp hết khóa rồi (Quốc hội khóa XIII), mọi thứ màn màn rồi, chân bước chậm lại là không được. Công việc phải chắc, chuẩn bị chu đáo với tinh thần không lùi, không chạy nhanh quá nhưng cũng không được đủng đỉnh ngắm hoa, ngắm cảnh”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Xét các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình với quan điểm không đưa Luật Biểu tình vào nội dung kỳ họp tới. Với nội dụng khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tập trung làm cho xong những luật quan trọng cho dù có phải kéo dài thời gian họp.
Dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra từ 20/5 đến cuối tháng 6/2015.
--------------------
Kỷ luật hiệu trưởng và 9 học sinh vụ đánh bạn ở miền Tây
Chiều 16/3, ông Nguyễn Thành Nguyện - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh công bố quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh đánh bạn, quay và phát tán clip trên mạng xã hội.
Theo kết quả xác minh của lực lượng chức năng, nhóm học sinh đánh bạn và phát tán clip lên mạng gồm 9 em liên quan. Tất cả các em đều chịu kỷ luật.
Cụ thể, lớp trưởng Dương Thuý V., em Nguyễn Thuỳ D. (quay clip) và Lâm Trần Bình T. (nam sinh cầm ghế ném vào nạn nhân) bị buộc thôi học một tuần. Một em bị khiển trách, 5 học sinh khác bị cảnh cáo trước toàn trường.
Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên, Phó hiệu trưởng Võ Thanh Vũ, Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm và giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất cùng bị tạm đình chỉ công tác một tháng để làm rõ trách nhiệm.
Theo ông Nguyện, nguyên nhân của vụ việc là lớp trưởng Thúy V. thường sai P. (nữ sinh bị đánh) đi mua đồ. P. không chịu đi thì bị V. đánh. Có lần nữ sinh này đáp trả và lập tức bị nhóm của V. đánh tập thể với mục đích dằn mặt. Một em trong nhóm quay lại clip. Gần 2 tháng sau, tối 8/3, clip này bị phát tán lên mạng.
Trước khi clip thành tâm điểm trên mạng, 2 trong 9 học sinh trên bị buộc thôi học một tuần vì liên quan đến một vụ đánh nhau khác trong trường.
Theo ông Nguyện, điều đáng trách nhất trong vụ việc là nhà trường, thầy cô trong buổi trực không phát hiện sự việc kịp thời. Thầy tổng phụ trách đội được P. báo trượt cầu thang nhưng không xem rõ vết thương trên người em. Giáo viên lên lớp tiết đầu cũng không để tâm sự việc.
Ông Nguyện cho biết, hình thức kỷ luật trên đưa ra sau khi có sự cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng từ hội đồng giáo dục, nhà trường và những người làm công tác chuyên môn.
Tại cuộc họp hôm 13/3, hội đồng kỷ luật nhà trường đề xuất 3-4 trường hợp học sinh đánh bạn buộc phải thôi học một năm.
Ông Nguyện nói: "Các em còn quá nhỏ, chưa đủ 13 tuổi nên có nhiều hành động thiếu suy nghĩ. Một số em thiếu sự giáo dục, quan tâm của gia đình do cha mẹ ly dị. Trong vấn đề này, người lớn đáng trách hơn".
------------------------
Thanh tra phải tập trung vào lĩnh vực dễ tham nhũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngành Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra.
Ngày 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư đánh giá cao báo cáo của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Báo cáo đã nêu được nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo và xây dựng ngành.
Tổng Bí Thư chia sẻ những khó khăn và biểu dương chúc mừng những thành tích mà ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ đạt được trong thời gian qua.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất những vụ việc thanh tra đột xuất.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra nhiều vi phạm, tham nhũng và thường xuyên kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách, phát hiện kịp thời những vi phạm.
Tổng Bí thư yêu cầu ngành Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra. Đồng thời, phải mở nhiều kênh thông tin hơn nữa để tiếp nhận các tin báo tố cáo tham nhũng, có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hy vọng ngành Thanh tra sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới không chỉ nhận các huân chương cao quý của Nhà nước mà còn là huân chương trong lòng dân.
Thanh tra còn lộ lọt thông tin bí mật công tác
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số hạn chế khuyết điểm như việc thanh tra thu hồi tài sản, một số cuộc thanh tra chưa thực tế, chưa khả thi, còn hiện tượng lộ lọt thông tin bí mật công tác.
Phó Thủ tướng yêu cầu người làm công tác thanh tra phải trong sáng, đúng mực, đúng pháp luật; tập trung làm tốt công tác thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm; kết luận thanh tra phải khả thi, chính xác.
-----------------------