10 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT) hiện tồn tại được Công an TP HCM báo cáo trong buổi khảo sát, làm việc với Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân TP HCM sáng 13/3.
Tại buổi khảo sát, Thượng tá Vũ Như Hà - Phó Phòng Tham mưu (PV11), Công an TP HCM cho biết, tính đến tháng 12/2014, trong số 29 điểm đen về TNGT (28 đường bộ, 1 đường thủy) của năm 2013, có 27 điểm đen về TNGT không còn xảy ra TNGT vào đã đưa vào danh sách công bố xóa.
Tuy nhiên, còn 1 điểm đen của năm 2013, vẫn xảy ra TNGT (là khu vực vòng xoay An Sương, quận 12) và trong năm 2014, TP phát sinh mới 8 điểm đen về TNGT. Tính đến nay TP có tổng cộng 10 điểm đen về TNGT (9 đường bộ, 1 đường thủy).
Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị CSGT xây dựng các kế hoạt động cụ thể để tập trung xử lý điểm đen trên địa bàn đảm trách, trong tập trung bố trí lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến TNGT…
Về tình hình ùn tắc giao thông ở TP, chỉ xảy ra 1 vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút, so với cùng kỳ năm 2013, giảm 2 vụ (66,7%). Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ phương tiện vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra trên các tuyến trọng điểm như Cộng Hòa, Tân Kỳ Tân Quý, Xa lộ Hà Nội, Pasteur, Điện Biên Phủ…
Thượng tá Hà giải thích, tại những tuyến đường trên mặc dù đã huy động tối đa lực lượng CSGT để điều tiết, phân luồng nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ là do phương tiện di chuyển chậm, lưu lượng xe qua lại tăng cao trong giờ cao điểm.
Trong năm 2014, TP xảy ra 4.321 vụ TNGT, làm 723 người chết, 4.029 người bị thương, giảm 766 vụ so với cùng kỳ (15,08%), giảm 41 người chết, 599 người bị thương.
Về TNGT đường sắt xảy ra 2 vụ làm chết 2 người, giảm 7 vụ (77,7%), giảm 7 người chết (77,7%), một người bị thương (100%).
Trên tuyến giao thông đường thủy nội địa xảy ra 6 vụ TNGT, tuyến hàng hải xảy ra 4 vụ, không có người chết, không có người bị thương.
Trong năm 2014, công an TP phối hợp với Sở Giao thông vận tải vận động 16.968 hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kho, bãi, tài xế… cam kết chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các quy định về trọng tải, không buôn bán lấn chiếm lòng lề đường….
Tổ chức nhiều Tổ công tác chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Trong năm 2014, lực lượng CSGT TP đã xử lý 636.503 trường hợp vi phạm luật giao thông, phạt 527.748 trường hợp, tước giấy phép lái xe hơn 72 ngàn trường hợp.
Đồng thời, Công an TP xác định việc người điều khiển xe có sử dụng rượu bia là rất nguy hiểm và là nguyên nhân tác động dẫn đến TNGT, nên đã chỉ đạo CSGT thường xuyên tổ chức chuyên đề xử lý các vi phạm nồng độ cồn. Qua đó đã kiểm tra, xử lý 33.926 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
----------------------
Đề xuất cấm lãnh đạo gửi tiền ở nước ngoài
Đó là một trong những đề xuất từ nhóm nghiên cứu đề tài “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu tại Hội thảo về đề tài nêu trên diễn ra sáng 13/3, bà Vũ Thu Hạnh (Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương) cho biết trong các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.
Đây là quy định giúp phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa khả năng người tham nhũng tạo dựng cở sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước.
Thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến.
Theo nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên phạm vi cả nước. Song, theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%.
Năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên thực tế thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều.
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, đồng thời trả lại nguồn lực cho đất nước, hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng.
Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương) nhấn mạnh bên cạnh việc quan tâm đến mức độ nghiêm minh của hình phạt đối với các bị can, bị cáo và các biện pháp xử lý khác đối với người có hành vi tham nhũng, xã hội cũng đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng để trả về cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước.
“Kết quả nghiên cứu sẽ được lãnh đạo Ban Nội chính nghiệm thu và trở thành ý kiến chính thức của Ban Nội chính Trung ương gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”, Ông Tuấn nói.
Tham nhũng ở Việt Nam vẫn nghiêm trọng
Dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu cho hay tình hình tham nhũng ở Việt Nam được đánh giá là vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tính có tổ chức và biểu hiện lợi ích nhóm ngày càng rõ nét hơn.
------------------------
Miễn nhiệm Tổng biên tập với ông Kim Quốc Hoa
Ngày 10/3, Hội Người cao tuổi đã ra quyết định miễn nhiệm ông Kim Quốc Hoa, nguyên Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/3.
Hội Người cao tuổi đề xuất ông Nguyễn Duy Quyền - Phó Tổng biên tập lên làm Tổng biên tập, tiếp nhận công việc từ ngày 30/3 tới.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có công văn đề nghị Hội Người cao tuổi cách chức Tổng biên tập Kim Quốc Hoa do hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại báo này.
Đến ngày 9/2, Bộ Công an ký quyết định khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân đối với những sai phạm tại báo này.
Theo thông báo của Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, thấy hành vi viết, biên tập và đăng tải các bài viết trên báo Người cao tuổi có nội dung xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ba ngày sau, ông Kim Quốc Hoa đã phải tạm dừng nhiệm vụ điều hành báo Người cao tuổi.
Đến 13/2, báo Người cao tuổi đã nộp lại thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa cho Cục Báo chí, Bộ TT&TT cũng như thẻ hội viên cho Hội nhà báo Việt Nam. Cùng đó, Bộ TT&TT phạt báo Người cao tuổi gần 700 triệu đồng, tịch thu tên miền nguoicaotuoi.org.vn.
----------------------