“Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có thế mạnh, vậy vì sao lại trở nên lệ thuộc?”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng, sự “lệ thuộc” này diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng: Thành tựu nói chung và thành tựu kinh tế - xã hội năm 2014 nói riêng rất lớn lao, trong đó, “cú đấm 981 của Trung Quốc đã được hóa giải, tuy ai cũng biết là còn nhiều chiêu trò nữa đang được chuẩn bị, chúng ta vẫn tăng trưởng dương trên 5%, tài chính ngân hàng giữ được ổn định an ninh, chính trị, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững”.
Theo đánh giá của đại biểu, công lao lớn nhất thuộc về 90 triệu nhân dân, công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sỹ. Chúng ta đang bàn kế hoạch kinh tế - xã hội 2014 - 2015 nhưng khác với nhiều quốc gia, để giải quyết những vấn đề đặt ra của Việt Nam phải chỉ ra thực trạng, nguyên nhân ít nhất của 10 năm qua và hướng đi của 10 năm tới.
Khác với ý kiến một số đại biểu là các chuyên gia kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ thái độ “không tin là 2015 - 2016 sẽ có chuyển biến gì mạnh mẽ. Vì chúng ta chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ và những gì phải nỗ lực thực sự trong 5 - 10 năm mới có thể đạt thì chúng ta không thể đạt được ngay trong 1 - 2 năm. Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ về hướng cũ, làm sao nhìn thấy được chân trời mới?".
Dẫn nhận xét của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ông Nghĩa nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam không thể bay cao, vì đôi cánh của nó bị đeo quá nhiều gánh nặng. Những gánh nặng này nhiều năm qua không cởi bỏ được, chẳng những nó làm cho chúng ta không bay được cao, nhanh mà còn chệch hướng. Ví dụ như xuất khẩu đứng trong top 10, top 5, thậm chí nhất nhì thế giới, nhưng suốt 2 thập kỷ vẫn gia công với lao động giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên, giá trị gia tăng thấp, nhập khẩu đến 70, 80% linh kiện, nguyên liệu, phụ liệu, nhập khẩu hàng tiêu dùng rẻ tiển, thậm chí nông sản, lương thực và nguyên liệu, năng xuất lao động thấp.
“Hai thập kỷ qua, cách phát triển kinh tế Việt Nam có 3 cái hao không khắc phục được. Một là rất hao vốn, hai là rất hao ngoại tệ và ba là rất hao tài nguyên môi trường. Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, nợ xất chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát. Kinh tế nhà nước chiếm giữ nhiều tài sản lớn được ưu tiên phân bổ nguồn lực nhưng hiệu quả kém. Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông là những nhân tai dai dẳng làm thiệt hại sức người, sức của rất lớn”, đại biểu Nghĩa thẳng thắn nói.
Đặc biệt, theo đại biểu: “Một trong những nguy cơ mới từ 10 năm qua đó là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tôi dùng chữ “lệ thuộc” theo nghĩa là muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt không hay nhưng vẫn phải tiếp tục. Sự lệ thuộc này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lệ thuộc về xuất nhập khẩu, về nguyên phụ liệu, về đấu thầu thi công, về năng lượng, về viễn thông, về khai thác khoáng sản, về trang thiết bị, về công nghệ, về nhân công, về hàng tiêu dùng”.
Đại biểu Nghĩa cho biết: Tại kỳ họp 7, đại biểu có chất vấn về sự lệ thuộc về tài chính thì được trả lời là không đáng kể. Nhưng một số cử tri không đồng ý, cho rằng có sự lệ thuộc về vốn và tài chính, tuy rằng đang còn dấu nhiều con số.
Đề cập đến Trung Quốc như một đối tác kinh tế trong cộng đồng kinh tế toàn cầu, đại biểu Nghĩa cho rằng: “Các doanh nghiệp Trung Quốc là các đối tác kinh tế giống như từ Mỹ, Nga, Nhật, Ấn độ và ASEAN. Có được một nền kinh tế mạnh, núi liền núi, sông liền sông, trước hết không phải hay không chỉ là thách thức mà là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận chuyển đã đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các nước khác”.
Tuy nhiên, “trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có thế mạnh, vậy thì vì sao lại trở nên lệ thuộc, có những bài học từ nhân dân, từ tiền nhân đó là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “khôn thì sống mà mống thì chết”. Nếu chúng ta giao quyền và tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để người ta phải làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước. Một nước có tiềm năng lương thực lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu, thực phẩm từ Trung Quốc, kể cả rau, quả và trứng gà”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa đặt một loạt câu hỏi: Chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu, tại sao lại lọt những nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, có ngành lại chiếm đến 80%, 90% số lượng dự án? Tại sao thương gia Trung Quốc có thể bằng visa du lịch đến tận miền tây Nam Bộ thu mua nông sản, lập kho chứa, lũng đoạn giá, phá thị trường? Tại sao buôn lậu hàng chất lượng kém, thực phẩm ô nhiễm vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch? Tại sao nhà máy của Sam Sung xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ USD sử dụng 45.000 lao động mà chỉ sử dụng có 70 người Hàn Quốc? Chúng ta lại để 23.000 lao động Trung Quốc, chủ yếu là phổ thông làm việc khắp nơi, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Trà Vinh. Dự án Formosa có 4.268 lao động Trung Quốc trên tổng số 5.917 người, tại sao Formosa không được cho xây miếu thờ mà vẫn cứ xây, họ thờ ai và sau này có dẹp được không?...
Theo đó, đại biểu Nghĩa cho rằng, “con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp. Đại hội Đảng XII phải là một cuộc cách mạng về nhân sự, những người năng lực kém, đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao. Công nhân, nông dân và đồng bào các diện chính sách đã nghèo và khó khăn lắm, phải có ngay những biện pháp trợ cấp, nếu chúng ta không tăng lương bình quân đồng loạt nhưng phải có ngay một số biện pháp trợ cấp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cần có đối sách khôn khéo và cương quyết, lành mạnh hóa quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đa dạng, đa phương hóa quan hệ kinh tế, dựa vào các định chế WTO, ASEAN, EU, TPP và các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Châu Đại Dương.
-------------------
Việt Nam vay khoảng 77.000 tỷ đồng để đảo nợ trong năm nay
Với nhiều nguyên nhân, nợ công Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và dự kiến ở mức 64% GDP vào cuối năm 2015.
Theo số liệu được báo cáo lên Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 29/10 vừa rồi, đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP.
Dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Như vậy, các chỉ tiêu về nợ công vẫn đang nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ khẳng định, nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).
Mục tiêu của Chính phủ là sẽ giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016-2020 để đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (giới hạn quy định là không quá 25%). Đồng thời, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, có một thực tế là nợ công thời gian qua của Việt Nam tăng rất nhanh. Nợ công đã tăng mạnh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và 64% GDP vào cuối năm 2015.
Nguyên nhân được Chính phủ lý giải do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đã giảm từ 24,8% GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2011-2015.
Trong khi đó, yêu cầu chi ngân sách tăng mạnh, phải dành nguồn kinh phí lớn cho thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tỷ trọng chi cho con người trong tổng chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%; giai đoạn 2011-2014 đã 3 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu và 2 lần tăng phụ cấp công vụ; chi an sinh xã hội tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10% của thu, chi ngân sách. Điều này khiến nguồn ngân sách nhà nước còn lại để bố trí cho trả nợ và đầu tư phát triển là rất hạn hẹp trong khi nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là rất lớn.
Trước tình hình này, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam phải phát hành trái phiếu Chính phủ 335.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2011-2014 đã phát hành 250.000 tỷ đồng, năm 2015 theo kế hoạch phát hành thêm 85.000 tỷ đồng), đồng thời đã đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới...
Mặt khác, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên Việt Nam chuyển sang vay trong nước. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn (năm 2012, kỳ hạn phát hành bình quân là 2,9 năm, lãi suất bình quân 10%/năm; năm 2013 là 3,4 năm và 7,96%/năm; 10 tháng đầu năm 2014 là 4,84 năm và 6,81%/năm) dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ khẳng định, vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%). Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn (năm 2014 vay đảo nợ khoảng 77.000 tỷ đồng). Việc đảo nợ này được Chính phủ khẳng định không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Còn chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
--------------------------
Đại biểu Quốc hội: “Có phải chúng ta tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?"
Phân tích về cơ cấu tỷ lệ nợ công 65% GDP, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã đặt câu hỏi như vậy và nhấn mạnh yếu tố nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Sáng nay 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng: Sau nhiều năm chúng ta phê bình nhau về tính dự báo trung hạn trong báo cáo không đạt yêu cầu, thì 2014 là năm đầu tiên chúng ta dự báo 14 chỉ tiêu thì đạt 13 chỉ tiêu. Điều này cho thấy tính dự báo, khả năng dự báo của Chính phủ đã được nâng lên.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt được những thành tích nhất định, làm cho vốn giải ngân ODA và vốn trái phiếu tăng lên. Năm 2014, Chính phủ đã phát hành lượng trái phiếu lớn để đảo nợ. Qua báo cáo của Bộ Tài chính và qua trình bày của Bộ trưởng Tài chính chiều 30/10, đảo nợ đã giúp kéo dài thời gian làm giảm áp lực trả nợ trong những năm tiếp theo. Đây là một thành công mà đại biểu không thấy trong báo cáo.
Ba năm vừa qua đã đảm bảo giá trị tiền đồng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và giúp ổn định thị trường tiền tệ.
Theo đại biểu Kiên, về cơ bản, kế hoạch năm 2015 đã đi vào đường ray, do đó khoảng cách điều chỉnh chính sách để đạt ra những động lực lớn sẽ khó và các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ ở tốc độ ổn định. Vì thế, ông Kiên kiến nghị, “không nên đề ra chính sách có tính đột phá hay làm hài lòng các đối tượng khác vì chúng ta đã có rất nhiều chính sách nhưng chưa đủ thời gian để chính sách đi vào cuộc sống”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng kiến nghị rằng chúng ta cần phải phân tích thêm về vấn đề tăng sản xuất. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ tại sao các báo cáo của ADB, IMF, World Bank hạ chỉ tiêu của thế giới nhưng riêng Việt Nam vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 5,8%. Vậy yếu tố nào trong cơ cấu kinh tế, điều hành kinh tế năm 2014 giúp Việt Nam vượt qua khó khăn mà cả thế giới đang khắc phục để đạt được chỉ tiêu?
Lấy ví dụ số liệu về dầu thô, ông Kiên cho hay, nếu nhìn vào số liệu sản xuất dầu thô, năm 2013 sản xuất 15,25 triệu tấn (tương đương 120.428 tỷ); năm 2014 cũng sản xuất được như vậy nhưng chỉ thu về 107.000 tỷ đồng, tức là cùng một sản lượng xuất khẩu sản xuất dầu như nhau nhưng không thu được về như thế.
Cũng theo ông Kiên, trong kế hoạch 5 năm, có 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất để làm ra tiền không đạt. “Phải phân tích trong bối cảnh nền kinh tế đang khó như thế mà chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo những thức khác thì, liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không? Hay chúng ta lại thấy, một trong những nguyên nhân làm nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên”, ông Kiên đặt câu hỏi.
Theo phân tích của ông Kiên, báo cáo của Bộ trưởng Tài chính là bắt đầu từ năm 2011 chúng ta phải phát hành trái phiếu để đảo nợ. Trong đó, tỉ lệ nợ công 65% là trong chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020 chứ không phải đến 2015 đạt 64% tỉ lệ. “Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không”?, đại biểu Kiên thắc mắc.
Thảo thuận trước Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, nợ công không phải vấn đề riêng của Việt Nam hay các nước đang phát triển. Năm ngoái, Mỹ cũng đối mặt với vấn đề nợ công nghiêm trọng. Nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Tuy nhiên, nợ công của chúng ta đã vượt quá 84 tỷ USD, nếu tính bình quân đầu người là trên 900 USD. Trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên khoáng sản xuất khẩu.
Vì vậy, Chính phủ phải rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, kiểm soát chặt để cho chiến lược trả nợ rõ ràng. Ngoài ra, đại biểu đề xuất một số giải pháp như: quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu, hạ tầng cơ sở; đổi mới chi tiêu công; xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp thắt chặt nợ công, mỗi người phải tự tiết kiệm theo nguyên tắc “xếp gạch xây ngày mai”.
Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), nợ công những năm qua đã tăng khá nhanh đi cùng nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, một phần nguyên nhân là do hiệu quả quản lý vốn vay không chặt chẽ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu ngân sách sụt giảm nhưng cũng vẫn phải dùng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.
“Đối với quốc gia có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kém như nước ta thì khi khủng hoảng, nợ công tăng nhanh là điều dễ hiểu, nhưng cần có giải pháp xử lý hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.
Do đó, theo đại biểu, cần tập trung thống nhất 1 đầu mối quản lý nợ công, quy định rõ chức năng thẩm định sử dụng vốn vay, cân nhắc kỹ hiệu quả dự án trước khi đầu tư, phân kỳ dự án để giải ngân, kiên quyết loại bỏ dự án không hiệu quả, tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tái đầu tư để trả nợ; Cần cơ cấu lại thời hạn vốn vay trong nước và kiểm soát chặt chẽ lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai.
--------------------------
Trường tiền tỷ xây mới để … “bỏ hoang”
Trong khi hàng trăm học sinh giáo viên phải dạy và học trong một ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng thì chỉ cách đó 500m, một ngôi trường mới được đầu tư hàng tỷ đồng lại bị bỏ hoang. Thực trạng này diễn ra hơn 3 năm nay tại xã Phong Thịnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Kẹt vốn, trường mới bị bỏ hoang
Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã thấu hiểu những khó khăn khi các thầy cô giáo cùng hàng trăm học sinh tại Trường tiểu học Phong Thịnh đang từng ngày gồng mình nuôi con chữ trong những lớp học xuống cấp nghiêm trọng. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại đây.
Bời vậy vào năm 2011, kế hoạch xây dựng mới Trường tiểu học Phong Thịnh đã được triển khai với tổng số vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng (trong đó 90% là vốn của Nhà nước, và 10% là vốn đối ứng). Toàn bộ khuôn viên của trường được xây dựng trên diện tích 1,4 ha. Gồm dãy nhà 2 tầng với 12 phòng học, dãy nhà nhà hiệu vụ và các công trình phụ trợ khác.
Tháng 8/2011, gói thầu thứ nhất được triển khai và hoàn thành gồm dãy nhà 2 tầng kiên cố với 12 phòng học và được đơn vị thi công bàn giao cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên gói thầu số 2 gồm dãy nhà hiệu vụ, nhà vệ sinh, tường bao cùng các công trình phụ trợ sau đó chưa được được tiếp tục triển khai vì nguồn vốn không được rót về như dự kiến.
Vì vậy dự án xây dựng Trường tiểu học Phong Thịnh cũng bị tạm dừng. Và dãy nhà 2 tầng khang trang được xây dựng trước đó cũng bị bỏ hoang, nhiều năm liền. Khuôn viên của ngôi trường mới trở thành khu chăn thả trâu bò của bà con trong xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tư Nhân - Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh cho biết: “Gói thầu số 1 của dự án xây dựng Trường tiểu học Phong Thịnh hoàn thành chúng tôi cũng đã tiến hành nghiệm thu và thanh toán đầy đủ cho đơn vị thi công. Tuy nhiên trường chưa được đưa vào sử dụng là do gói thầu số 2 chưa được triển khai. Chúng tôi cũng rất mong dự án sớm hoàn thành để con em trong xã được yên tập học tập”.
Nhìn dãy nhà hai tầng khang trang được đầu tư hàng tỷ đồng bị bỏ hoang, người dân ở đây không khỏi xót xa. Những đồng tiền ấy cũng chính là mồ hôi nước mắt mà nhân dân đóng góp. Nhiều người đặt câu hỏi. Nếu như vốn vẫn không được tiếp tục rót về thì chẳng lẽ dãy nhà 2 tầng, hơn 3 tỷ đồng cứ mãi trong tình trạng đó sao? Nếu thời gian còn kéo dài thì đến khi gói thầu số 2 hoàn thành thì dãy nhà hai tầng cũng đã xuống cấp rất nhiều.
Cô trò nuôi con chữ dưới mái trường mục nát
Phóng viên Dân trí vừa đến thăm cơ sở của Trường tiểu học Phong Thịnh nơi hàng trăm học sinh (HS), giáo viên (GV) đang dạy và học. Chúng tôi không khỏi lo ngại khi thấy những phòng học tại đây đa phần đã hư hỏng, mục nát. Phần tường dù năm nào cũng được Hội Phụ huynh HS của trường góp công, góp của duy tu bảo dưỡng cũng bị bong tróc trơ ra lớp gạch đá phía trong.
Những cánh cửa số, cửa chính của các phòng học hầu như không còn đủ sức làm hết nhiệm vụ của chúng. Trên trần nhà được đóng một lớp cót (tấm đan bằng nứa) để ngăn không cho nước thấm vào phía trong qua thời gian sử dụng cũng đã “hết hạn”.
Nhiều GV trong trường không khỏi lo ngại: "Cơ sở vật chất của trường đã quá xuống cấp. Đầu năm học nào nhà trường cũng cùng với Hội Cha mẹ HS để sửa sang lại cho đảm bảo. Trời nắng thì còn đỡ đi phần nào nhưng trời mưa thì dột khắp nơi. Mỗi khi có mưa bão, chúng tôi rất sợ bởi nếu có điều gì đáng tiếc thì… Chúng tôi cũng rất mong trường mới được hoàn thiện để yên tâm hơn trong công tác".
Các thầy cô giáo tại đây luôn luôn thấp thỏm sợ rằng nếu một ngày nào đó những căn nhà này không còn đủ sức gắng gượng được nữa và điều chẳng may xảy đến thì không biết hậu họa sẽ ra sao. Tính mạng của hàng trăm GV, HS bị đe dọa bất cứ lúc nào. Ước mơ của họ là có được một ngôi trường vững chãi hơn để yên tâm trong công tác dạy và học.
Họ càng xót xa hơn khi ngôi trường mới, giấc mơ của hàng trăm cán bộ GV, HS tại đây đã được triển khai xây dựng tại một địa điểm các đó chỉ chừng 500m nhưng lại đang bị bỏ hoang suốt hơn 3 năm nay. Với một lý do quá “muôn thủa” là “kẹt vốn”. Nhìn những dãy nhà hai tầng khang trang với 12 phòng học kiên cố lại bị bỏ hoang không những chỉ GV, HS tại trường mà nhân dân trong xã không khỏi đau xót.
Không biết mong ước của của thầy trò Trường tiểu học Phong Thịnh đến khi nào mới thành hiện thực? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên sớm có biện pháp tháo gỡ, để dự án xây dựng Trường tiểu học Phong Thịnh hoàn thành đúng theo tiến độ. Để cô trò tại đây không còn phải thấp thỏm nuôi con chữ dưới mái trường mục nát nữa.
---------------------