Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) nhộn nhịp với nhiều hoạt động về các chủ đề khác nhau.
Các đoàn của Quốc hội VN tham gia tất cả các nội dung được thảo luận. Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 và điều hành phiên toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU.
Ông khẳng định IPU-132 là hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất của Quốc hội VN từ trước đến nay, đồng thời là điểm nhấn trong tổng thể ngoại giao nhà nước và ngoại giao đa phương của VN với cộng đồng quốc tế.
Ông Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của Quốc hội các nước để thật sự “biến những lời nói thành hành động”.
Đại diện đoàn VN, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự tán thành với nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói giảm nghèo; phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; quản lý sử dụng tài nguyên; bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh sự phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội.
Trong khi đó, tại phiên họp của Ủy ban thường trực về các vấn đề Liên Hiệp Quốc thảo luận chuyên đề kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, ông Hà Minh Huệ - đại diện đoàn VN - kiến nghị Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ.
“Tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên” - ông Huệ nói.
VN ủng hộ nỗ lực cải tổ các hoạt động phát triển của Liên Hiệp Quốc và đang tích cực thực hiện sáng kiến “Một Liên Hiệp Quốc” nhằm đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của quốc gia, phát huy vai trò làm chủ của Chính phủ và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển của Liên Hiệp Quốc ở các nước. VN sẽ tiếp tục tích cực tham gia cơ chế thương lượng liên chính phủ về cải tổ Liên Hiệp Quốc.
Một trong các phiên họp đáng chú ý trong khuôn khổ IPU-132 là phiên họp của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế thảo luận về dự thảo nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”.
Các đại biểu thống nhất việc sử dụng Internet rộng rãi trên phạm vi toàn cầu đồng thời với sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng, đe dọa đến an ninh của mỗi quốc gia, cộng đồng.
Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, xung đột kinh tế và xung đột quân sự xảy ra trong thời gian qua đều có sự tham gia của công nghệ cao và mạng Internet.
“Chiến tranh mạng là vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về chúng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Chính vì vậy việc thảo luận về chủ đề này là rất quan trọng” - ông José Calos Mahía, báo cáo viên của ủy ban nói.
Các thành viên ủy ban này khuyến cáo nghị viện các nước dùng quyền năng lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết quốc tế và thực hiện nghĩa vụ quốc gia trong việc sử dụng Internet, đảm bảo an ninh thông tin.
Vấn đề chiến tranh mạng cũng được cùng lúc thảo luận tại diễn đàn nghị sĩ trẻ. Nhiều ý kiến tại diễn đàn này cho rằng trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin bùng nổ, việc trước mắt là cần phải đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đạt được nhận thức chung về những nguy hiểm từ loại hình tội phạm này cũng như việc ngăn chặn tội phạm mạng, chiến tranh mạng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ tịch nhóm nghị sĩ trẻ VN, nhấn mạnh đến những hậu quả từ chiến tranh mạng có thể nguy hiểm hơn so với các cuộc chiến tranh thông thường do không gian mạng không có giới hạn, khó nhận biết được các cuộc tấn công xuất phát từ người nào và ở đâu trên thế giới.
“Chúng tôi khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên Hiệp Quốc nhanh chóng xây dựng hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin” - ông Vinh nói.
Các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ IPU-132 sẽ tiếp tục diễn ra vào hôm nay.
“Công an TPHCM đã vô hiệu hóa nhiều âm mưu, kế hoạch chống phá của các thế lực thù địch. Các đồng chí luôn chủ động và đã góp phần vào giữ vững an ninh, an toàn xã hội, góp phần giữ bình yên cuộc sống của nhân dân… ” - Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Ngày 29/3, Bộ Công an, Thành ủy, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học: “Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM (1945 – 2015”.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, các lão thành cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… đã cùng tham dự hội thảo.
Đây là hội thảo thứ 2 sau hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội thảo này được tổ chức nhằm làm sáng tỏ hơn vai trò và những đóng góp cực lỳ to lớn, những chiến công hiển hách, những hy sinh thầm lặng vô bờ của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong 40 năm bảo vệ, xây dựng và phát triển TP.HCM.
GS.TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình đấu tranh cách mạng, Trung ương Cục miền Nam cấp ủy và chính quyền địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, “Thành phố Anh hùng”.
Từ các tổ chức tiền thân “Đội tự vệ đỏ”, “Đội tự vệ công nông”, “Quốc gia tự vệ”, Công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, An ninh T4 trước đây và công an TP.HCM hiện nay luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, vừa chiến đấu vừa xây dựng, trưởng thành…
Nhận xét về vai trò của công an TP.HCM qua các thời kỳ, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Công an TPHCM đã chủ động, kiểm soát và tham mưu tốt tình hình. Các đồng chí đã vô hiệu hóa nhiều âm mưu, kế hoạch chống phá của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an TPHCM luôn luôn chủ động và đã góp phần vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ bình yên cuộc sống của nhân dân và đảm bảo tốt môi trường phát triển chung của thành phố”.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đánh giá cao vai trò to lớn của lực lượng công an TPHCM trong các thời kỳ, luôn “đi trước, về sau” trong đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn. Tình hình xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng… đang diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giảm ý chí chiến đấu trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên đang là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đối với sự tồn vong của chế độ…
Chính vì vậy, ông Lê Thanh Hải yêu cầu công an TPHCM phải lấy bài học xây dựng “căn cứ lòng dân” trong kháng chiến, thực hiện nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, trong mọi tình huống để xây dựng, bảo vệ, phát triển TPHCM… Để hoàn thành sứ mệnh đó, mỗi chiến sĩ công an phải không ngừng học tập, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hi sinh, xây dựng củng cố thế trận lòng dân, chủ động làm thất bại mọi âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
“Công an Việt Nam là công an của Nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Lực lượng công an Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trước đây và lực lượng công an TPHCM ngày nay luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao, chấp nhận thử thách, hiểm nguy, vượt qua mọi gian khó bằng lòng dũng cảm, sự mưu trí, tính năng động, sáng tạo… xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh trấn áp, làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên cuộc sông của người dân”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
----------------------
Những lý do quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh chóng
Những ngày gần đây, báo chí nước ngoài có nhiều bài viết đánh giá cao mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.
Ngày 27/3, tờ Eurasiareview đã đăng tải bài viết của nhà báo Veeramalla Anjaiah (Jakarta, Indonesia) trong đó nhận định, sau khi tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây bước vào giai đoạn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như thực thi pháp luật, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải và an ninh mạng.
Nhà báo Anjaiah nhắc lại chuyến thăm Mỹ mới đây của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Theo đó, về cơ bản, mục đích chính của chuyến thăm này là để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và khám phá thêm những lĩnh vực hợp tác mới.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã thảo luận về khả năng hợp tác trong việc thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin, các mối đe doạ xuyên quốc gia, buôn bán người, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh hàng hải và không gian mạng.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng ký một thư thỏa thuận với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc chuyển nhượng phần mềm phân tích ADN.
"Có lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về kinh tế và quân sự, đã dẫn đến sự ra đời của các mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ.
Indonesia, một nước lớn và có tầm quan trọng trong ASEAN, có mối quan hệ khá tốt với Mỹ. Nhưng bây giờ Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực, vượt qua các đồng minh truyền thống của Mỹ như Philippines và Thái Lan.
Việt Nam cho biết lợi ích kinh tế và địa chính trị là những lý do chính đằng sau các mối quan hệ phát triển nhanh chóng với Mỹ; trong khi Mỹ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược trong chính sách xoay trục về châu Á", nhà báo Veeramalla Anjaiah viết.
Nhà báo Anjaiah đặt câu hỏi: Quan hệ Mỹ-Indonesia lâu năm hơn nhiều so với Việt Nam, tại sao Mỹ bây giờ lại ủng hộ Việt Nam hơn Indonesia, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, thậm chí cả trong lĩnh vực khoa học hạt nhân?
Mặc dù các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Indonesia nhưng họ không muốn đầu tư mạnh vào quốc gia này do nhiều vấn đề khác nhau, từ pháp luật, tham nhũng, thuế đến các vấn đề lao động và thu hồi đất.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại ASEAN của Mỹ, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Indonesia xếp thứ 5. Chi phí lao động thấp, giàu tài nguyên, cải cách kinh tế và chính trị mạnh mẽ, ưu đãi cho các nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng tương đối tốt hơn, Việt Nam đã trở thành nơi thu hút các nhà sản xuất nước ngoài trong những năm gần đây.
Nhà báo Anjaiah cho rằng, Indonesia, quốc gia mà ngành sản xuất đang trong tình trạng xấu, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam.
Năm nay sẽ có hai chuyến thăm quan trọng. Đầu tiên là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, để định hình lại các mối quan hệ song phương và mở đường cho quan hệ đối tác chiến lược.
Một bước ngoặt trong quan hệ hai nước là khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức 100 tỷ USD trong 2-3 năm. Ngày càng có nhiều khoản đầu tư đổ vào Việt Nam không chỉ từ Mỹ mà còn từ các nước thành viên TPP khác.
Đánh giá mối quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng tốt đẹp còn có nhiều tờ báo của châu Âu.
Cổng thông tin Đức (pressportal.de) ngày 26/3 đánh giá chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một bộ trưởng thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam, cũng là để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến vào tháng 6/2015 tới.
Điều này cho thấy quan hệ Đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam (từ tháng 7/2013) ngày càng được củng cố trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Xét từ góc độ địa chính trị chiến lược, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất tại khu vực Đông Á mà Mỹ muốn tranh thủ, tăng cường quan hệ trong chính sách “tái bân bằng” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của mình.
Cũng theo bài viết, tầm quan trọng của quan hệ với Việt Nam đối với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, được thể hiện trong chương trình làm việc dày đặc của Bộ trưởng Trần Đại Quang.
Trong khi đó, trang Tin tức Đức (achrichten.de) đề cập việc hai bên trao đổi về những vấn đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền một cách thẳng thắn, cởi mở.
Trong đó, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ còn tồn tại một số bất đồng quan điểm được thể hiện qua việc Mỹ thường xuyên chỉ trích Việt Nam về một vài trường hợp Mỹ cho là vi phạm nhân quyền, song điều này không ảnh hưởng đến bầu không khí trao đổi, làm việc rất tích cực giữa hai bên nói riêng và quan hệ song phương nói chung.
Cả Việt Nam và Mỹ đều ý thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương vì những lý do chính trị chiến lược cũng như kinh tế.
-----------------------
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam 3 ngày
Ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev sẽ thăm chính thức Việt Nam ba ngày 5, 6 và 7/4 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó, tân đại sứ Nga tại Việt Nam Vnukov Konstantin Vasilievich xác nhận thông tin này trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với báo chí tại Hà Nội vào ngày 13/3.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về nội dung cụ thể chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Medvedev, đại sứ Vasilievich cho biết các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai bên về cơ bản là tốt vì sau chuyến thăm sẽ có nhiều thỏa thuận được nhất trí hoặc được ký kết giữa hai bên.
Đại sứ Vasilievich tiết lộ thêm rằng “chuyến thăm sẽ có nhiều hoạt động thú vị”.
Đại sứ Vasilievich thông tin thêm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Matxcơva ngày 9/5 sắp tới để tham gia các hoạt động trọng thể kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít Đức của Liên bang Xô-viết trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
------------------------