Tiếp theo SGK môn vật lý được biên soạn và sử dụng từ năm 2011, năm học này, TPHCM tiếp tục sử dụng SGK môn toán lớp 6 bậc THCS và dự kiến tiếp tục biên soạn ở các lớp theo hướng mới.
Ông Trần Đức Huyên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những người trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn toán, cho biết cuốn sách mới của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được biên soạn theo hướng tích hợp, mang tính thực tiễn và ứng dụng, nhất là ứng dụng về kinh tế.
Ông Huyên cho biết SGK ở các quốc gia khác trên thế giới có tính ứng dụng rất cao, gần chúng ta nhất là Singapore. Đặc biệt là Nhật Bản và Úc, sách toán của họ được biên soạn với các chủ đề có tính ứng dụng như toán kinh tế, toán trong cuộc sống hằng ngày với những ứng dụng thực tiễn như thống kê lời lỗ trong kinh doanh và toán thuần túy. “Sách toán của chúng ta bao lâu nay chỉ dừng lại ở toán thuần túy, tức là toán lý thuyết và những bài tập sư phạm ứng dụng lý thuyết mang tính hàn lâm, chỉ dành để đào tạo những nhà giáo dạy toán. Chính vì thế có tình trạng học sinh của chúng ta giải bài tập rất giỏi, giải những bài phương trình không thua kém học sinh nước nào nhưng quay lại tự đặt một phương trình khác thì không biết. Đó là lý do vì sao học sinh chúng ta giỏi nhưng kinh tế vẫn thua kém những quốc gia khác” - ông Huyên nhận định.
Trên thực tế, từ năm 2011, TPHCM đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK vật lý do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn ở khối lớp 6 bậc THCS và dần mở rộng đến khối lớp 8 năm 2013. Tuy các trường chỉ sử dụng như sách tham khảo nhưng nhiều giáo viên, học sinh rất thích thú.
Một giảng viên đang trực tiếp giảng dạy môn vật lý Trường THCS Bạch Đằng chia sẻ: Sách có giao diện phong phú, in màu, nội dung y như SGK của Bộ GD-ĐT nhưng có mở rộng ra thực tế, liên quan đến thực tế và cập nhật những kiến thức mới. Chẳng hạn như bài đo độ dài ở lớp 6, ở SGK của bộ yêu cầu tìm thước đo phù hợp thì ở sách của sở mở rộng ra như ngoài yêu cầu tìm thước đo, học sinh có thể dùng những vật dụng gì để đo. Ở sách của sở, thông tin bài bản, hình và chữ hài hòa với nhau trong khi sách của bộ rất cô đọng, yêu cầu ngoài bài học trên lớp, học sinh về nhà tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và thực tế, điều này hơi quá sức với học sinh lớp 6, 7. Trong khi sách do sở biên soạn thì hướng dẫn chi tiết hơn.
Ông Trần Đức Huyên nói thêm: Khi biên soạn sách, tính ứng dụng và tích hợp là điều kiện tiên quyết. Chẳng hạn như ở lớp 7, học về đo lường thì chúng tôi tích hợp thêm kiến thức về địa lý như đo mực nước biển, rồi từ đó mở rộng thêm như kiến thức về biển thì học sinh được tìm hiểu thêm về Trường Sa, Hoàng Sa. “Tôi tin nếu TPHCM làm tốt thì các địa phương khác cũng sẽ ủng hộ, học sinh vùng miền nào cũng có thể sử dụng sách do TPHCM biên soạn vì một khi internet tỏa rộng thì không lẽ học sinh không biết đến password, không biết đến thẻ ATM. Mà trong khi đó khi dạy về số nguyên trong sách toán thì chúng tôi có đưa những ứng dụng này vào” - ông Huyên nói.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng ý tưởng làm SGK với đội ngũ biên soạn bao gồm những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường là ý tưởng tốt của
TPHCM vì chỉ những người đang trực tiếp giảng dạy mới biết học sinh mình đang cần gì, thiếu gì, khắc phục được những kiến thức hàn lâm ở bộ sách cũ. Tuy nhiên, nếu có cơ chế được sử dụng sách riêng, cần phải công khai đấu thầu việc in sách để tìm giá hợp lý nhất cho học sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường kêu giá sách quá cao, giá sách vật lý lớp 7 do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn 180 trang giá 40.000 đồng trong khi SGK vật lý 7 của Bộ GD-ĐT giá 5.500 đồng (88 trang).
Dù được đánh giá là tốt nhưng nhiều trường THCS tại TPHCM chỉ dùng SGK của TP HCM để tham khảo. Ông Lê Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (quận 4), cho rằng do tính pháp lý của SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn cao hơn nên nhà trường vẫn chỉ dùng SGK của sở như tài liệu tham khảo, mở rộng thêm, không dạy song song vì sợ học sinh quá tải.
Làm việc với lãnh đạo và một số doanh nghiệp Nga, cả hai bên đều nhận thấy chưa phát huy hết tiềm năng to lớn trong mối quan hệ lâu dài, gắn bó giửa VN và Nga. Điều này cần được bổ sung và khắc phục ngay!
LTS: .... Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Nhân dịp này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Văn Hồ, GĐ Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN – PTNT về kế hoạch đưa hàng hóa nông sản Việt trở lại “mái nhà xưa” Liên bang Nga.
Ông Đào Văn Hồ cho biết, ông vừa trở về từ hội chợ chuyên ngành nông nghiệp của Nga. Bối cảnh năm nay khiến tình hình xuất nhập khẩu nông lâm sản thay đổi rất nhiều.
Xin ông có thể giải thích rõ hơn?
- Vì cuộc khủng hoảng Ukraina nên châu Âu và Nga đang căng thẳng, cấm vận qua lại. Các mặt hàng nông sản thực phẩm từ châu Âu đã bị cấm vào Nga khiến thị trường to lớn này đang rất cần nguồn bổ sung.
Các mặt hàng mà VN đem tới triển lãm được đặc biệt chú ý. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev sau khi tham gia lễ khai mạc đã đến thăm gian hàng VN cùng rất nhiều DN Nga. Nhiều hợp đồng đã được ký kết ngay tại đây như hợp đồng của công ty chế biến hạt điều phía Nam đã ký với DN của Nga trị giá 500.000 USD.
Gần như các mặt hàng nông lâm thủy hải sản của VN có mặt đều được nhiều đối tác Nga quan tâm và sẵn sàng ký ngay. Tuy nhiên, tiếc rằng do đây là lần đầu tiên nên trong công tác chuẩn bị của chúng ta chưa được chu đáo cho lắm.
Nhiều DN đưa hàng hóa qua nhưng không có người đủ thẩm quyền để ký hợp đồng nên đành phải hẹn làm việc sau. Tiếc nhất là nhiều DN Nga kỳ vọng sẽ mua được gạo của VN nên đến tìm để ký kết. Song lần này lại không có DN chế biến kinh doanh lương thực nào của VN tham gia cả. Tiếc quá!
Vậy thị trường Nga có tiềm năng đến đâu, thưa ông?
- Theo thông báo của Liên bang Nga, hiện Nga đang thiếu nguốn cung nông lâm thủy sản khoảng 15% so với nhu cầu. 15% này trị giá khoảng 20 tỷ USD chứ không ít đâu.
Nếu chúng ta chỉ cần đáp ứng được 1/10 nhu cầu này thì cũng là tốt lắm. Đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm nông nghiệp.
Chính phủ Nga yêu cầu DN phải tìm nguồn cung và nhập mỗi tháng 30 container cá tra để cung cấp cho bán đảo Crimea do trong nước chưa thể có nguồn thực phẩm chế biến nào khá. Toàn thể nước Nga đang tập trung lo cho bán đảo Crimea nên ngoài cá tra còn rất nhiều sản phẩm khác họ đang cần.
Liên bang Nga có dân số khá đông, diện tích rộng lớn. Nhưng yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu. Rất phù hợp với khả năng và năng lực của phần lớn DN Việt hiện nay.
Truyền thông Nga cũng quan tâm đặc biệt tới gian hàng Việt Nam và các loại hàng hóa của chúng ta. Báo chí Nga khẳng định, dù có thăng trầm, gián đoạn nhưng giữa VN và Liên bang Nga vẫn là đối tác tốt, cần thiết cho nhau.
Làm việc với lãnh đạo và một số doanh nghiệp Nga, cả hai bên đều nhận thấy chưa phát huy hết tiềm năng to lớn trong mối quan hệ lâu dài, gắn bó giửa VN và Nga. Điều này cần được bổ sung và khắc phục ngay!
Sau khi tham gia Hội chợ triển tại Moscow vừa rồi, qua đó tìm hiểu sâu hơn về thị trường này, chúng tôi đã họp lại cùng lãnh đạo Bộ NN – PTNT.
Có thể nhận thấy, thị trường Nga rất tiềm năng để VN đưa hàng hóa vào. Từ đây chúng ta đa dạng hóa được thị trường. Tránh trường hợp bị phụ thuộc vào thị trường cố định có nhiều rủi ro và không bền vững như thị trường TQ.
Để hàng nông lâm thủy sản VN vào được Nga, Bộ NN – PTNT và Trung tâm xúc tiến thị trường nông nghiệp có chính sách và biện pháp như thế nào?
- Bộ NN – PTNT đã quyết định sắp tới sẽ tham gia Hội chợ thực vật đồ uống lớn nhất của Nga. Trung tâm chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức giao thương cho doanh nghiệp của VN và doanh nghiệp Nga.
Thị trường này sẽ được chú trọng hơn, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia XK hàng hóa cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nga đầu tư vào VN.
Có một số doanh nghiệp phía Nam biết nhu cầu thị trường Nga rất lớn song họ vẫn e ngại sự khác biệt giữa phong cách làm ăn giữa 2 nước. Bằng chứng là Nga đã mở Trung tâm xúc tiến thương mại tại TP.HCM song việc liên lạc để gặp người có trách nhiệm lại rất khó?
- Đúng là có một số khác biệt. Hiện tượng như anh nói thì cũng có. Nhưng là trước đây. Có lần lãnh đạo của Bộ NN – PTNT qua Nga vẫn không gặp được cơ quan có trách nhiệm của họ để làm việc.
Nhưng hiện nay đã có sự thay đổi khác hẳn. Chính sách hướng Đông và những cải cách thủ tục của họ đang triển khai rất nhanh và mạnh mẽ. Phong cách làm việc đã thay đổi rất nhiều.
Vừa rồi chúng ta gửi danh sách hơn 40 DN chế biến thủy sản qua. Chỉ mấy ngày sau họ đã cử đoàn qua kiểm tra và cấp code ngay. Nhanh lắm, tôi cũng không ngờ!
Chúng ta cũng nên biết thêm đặc điểm của thị trường Nga, đó là, thị trường này chưa mở hoàn toàn. Cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và cấp code cho doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Nga là Cục kiểm dịch động và thực vật trực thuộc phủ Tổng thống Liên Bang Nga. Tuy nhiên, cơ quan này hiện nay đang thay đổi theo hướng năng động và mau lẹ hơn nhiều.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp VN phàn nàn, khâu thanh toán và phương thức thanh toán với Nga hiện đang rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro? Ông thấy điều này thế nào?
- Phải hiểu mặt khó khăn hiện nay. Đó là, đồng Rúp của Nga có lúc bị mất giá rất nhanh. Sau đó Ngân hàng Trung ương Nga phải tung ngoại tệ dự trữ ra để giữ giá trị cho đồng rúp.
Nhưng theo như tôi được biết, sắp tới đây Chính phủ hai nước sẽ đưa Ngân hàng Việt – Nga vào cuộc để giúp DN hai bên vượt trở ngại này.
Nếu mở ra được thị trường Liên bang thì đó là cơ hội vô cùng tốt cho VN. Theo ông, doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu để đưa hàng hóa vào Nga?
- Cơ quan Cục kiểm dịch động vật và thực vật của Nga là cửa đầu tiên. Doanh nghiệp VN nên gửi hồ sơ đến Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN – PTNT. Để thuận lợi, trước khi làm hồ sơ thì hãy vào website của cơ quan này tìm hiểu trước. Sau khi có hồ sơ, phía Nga sẽ qua kiểm tra và cấp code cho hàng hóa vào.
Do tác động khách quan và chủ quan, Nga đang thay đổi rất nhiều. Chúng ta đã gõ và cửa đã mở, nên mạnh dạn bước vào. Đây là cơ hội rất lớn và quý báu cho hàng hóa của VN…
Người Nga, thị trường Nga đang rất cần hàng hóa chúng ta. Nên nhanh chân bước vào.
----------------------------
Hãng tin châu Âu đánh giá cao chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngày 22/11, hãng tin châu Âu Euro Presse Image ( www.epi-agency.com ) đã có bài viết đưa ra các đánh giá tích cực về chuyến thăm Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, bài báo nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - LB Nga ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả. Quan hệ chính trị tốt đẹp với độ tin cậy cao tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi đoàn các cấp, trong đó có cấp cao nhất, giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội hai nước, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Bài báo cũng cho rằng chuyến thăm nhằm mục tiêu củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch hàng không. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo tiền đề cho việc Việt Nam trở thành đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan (Nga - Kazakhstan - Belarus) trong năm 2015.
Đề cập đến hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, bài báo khẳng định các dự án trong lĩnh vực dầu khí đang được triển khai hiệu quả tại Việt Nam và Nga, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách cả hai nước. Hai bên cũng đạt thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các nhà máy điện ở Việt Nam, trong đó có nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.
Liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, bài báo viết: Việt Nam và Nga có nhiều điểm tương đồng và gần gũi trên hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng. Hai nước duy trì tốt cơ chế hợp tác chặt chẽ, phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc (LHQ), góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước cũng như tăng cường và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm LB Nga và Belarus từ ngày 23 đến 28/11.
-------------------------
Người Hà Nội ăn toàn cá quả Trung Quốc, cá Việt Nam đâu?
Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm 2014, chợ cá Yên Sở nhập khoảng 252 tấn thủy sản từ Trung Quốc, trong đó cá quả chiếm 90 tấn.
Trả lời Infonet, đại diện Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết chợ Yên Sở mỗi ngày giao dịch khoảng 60-70 tấn cá, hoạt động dưới sự quản lý của tổ quản lý chợ và chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành (gồm Chi cục Thủy sản, công an, quản lý thị trường).
Và tổ quản lý và chốt kiểm dịch hoạt động 24/24, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm thủy sản. Những thủy sản có nguồn gốc, có giấy tờ chứng minh xuất xứ mới được đưa vào chợ.
Cũng theo ông Minh, Chi cục vẫn thường xuyên lấy mẫu các loại thủy sản tại chợ Yên Sở để kiểm tra, thông thường 1-2 tháng kiểm tra một lần hoặc có khi kiểm tra đột xuất. Nhưng kết quả kiểm tra không phát hiện tồn dư kháng sinh hay chất cấm trong các mẫu thủy sản.
Vào khoảng 11 giờ ngày 21.11, Infonet cho biết PV của họ đã có mặt tại chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành số 01 tại chợ Yên Sở (theo lời ông Minh là hoạt động 24/24), nhưng chỉ thấy có 1 nhân viên của Chi cục Thủy sản.
Thắc mắc về điều này, nhân viên kiểm dịch cho biết: “Đến giờ này các anh ấy nghỉ rồi hoặc có lúc đột xuất thì các anh ấy đi về họp".
Câu chuyện cá quả Trung Quốc (TQ) ngập chợ Hà Nội xuất phát từ tin "Tiêu hủy 800kg cá quả TQ nhập lậu" đăng trên Quảng Ninh Online cuối tháng 7.2014.
Thông tin cho biết các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái, Quảng Ninh đa tổ chức tiêu hủy 800kg cá quả nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số cá này được thu giữ tại xã Hải Tiến, TP Móng Cái, ngày 26.7.
Đến ngày 14.11, một bài báo khác trên Infonet cho biết cá quả TQ gần như "độc chiếm" chợ cá lớn nhất Hà Nội.
Nằm sát đường vành đai 3 (thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), chợ cá Làng Sở Thượng (chợ Yên Sở) có diện tích gần 10.000m2, được xem là chợ cá đầu mối “đệ nhất Hà thành”. Chợ có gần 100 hộ tham gia kinh doanh, mỗi ngày chợ tiêu thụ hơn 100 tấn cá, phân phối khắp nội thành Hà Nội và một số vùng lân cận.
Cá quả lờ đờ là cá Trung Quốc
Mục sở thị vào khoảng 5h30 sáng, hầu hết các hàng đều có cá quả, tuy nhiên ở quầy hàng nào cá quả cũng trong tình trạng lờ đờ.
Theo tiết lộ của một tiểu thương tại chợ này thì cá quả lờ đờ là cá Trung Quốc. Trước đây chợ nhập nhiều loại như cá cao cấp như cá tầm nhưng nay chuyển sang nhập cả cá quả, ếch, chạch, cá trê… từ Trung Quốc.
Nhưng khi nghe thắc mắc về việc cá trong bồn lờ đờ, một người bán giải thích “do nước cạn nên thế”. Tiếp xúc với vài ba chủ kinh doanh cá quả khác tại chợ Yên Sở, họ đều phủ nhận cá bán tại quầy của mình là cá quả TQ.
Tuy nhiên, khi PV đóng vai người mua có nhu cầu mua cá quả ta về ăn, duy nhất chủ một ki-ốt kinh doanh cá quả thuộc hàng lớn nhất chợ Yên Sở thẳng thắn trả lời: “Ở đây không có một con cá nào là cá quả ta, toàn cá quả Trung Quốc hết. Đó là chị nói thật!”.
Chị này còn nói, thi thoảng người ta đánh ao mới bắt được mấy con nên giá cá quả ta khá đắt, từ 150.000- 200.000 đồng/kg. Thỉnh thoảng nhập được vài con nên có hàng về là có người mua hết ngay. Nếu muốn mua khách phải đặt tiền trước.
Qua quan sát, cho thấy dân kinh doanh cá nhỏ lẻ đến lấy hàng thường chọn những loại cá nhỏ khoảng 4-5 lạng để về bán tại các chợ lẻ, chợ dân sinh vì cá có trọng lượng nhỏ dễ lừa người mua là cá ta hơn. Còn những loại cá lớn, có trọng lượng từ 6-7 lạng thường được cung cấp cho các nhà hàng.
Tại chợ đầu mối Hoàng Mai, anh Hòa một người bán cá lâu năm cho biết thời điểm này mua được cá quả ta rất khó, phải vài tháng nữa mới là mùa của cá này. Hơn nữa cá quả ta giá phải từ 150.000-200.000 đồng/kg chứ không bao giờ có giá mấy chục ngàn.
Do cá quả Trung Quốc có giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với cá quả ta nên được nhiều người chọn mua. Phổ biến hiện nay là 80.000-85.000 đồng/ký, thấp hơn là 60.000-70.000 đồng/ký. Về đến chợ dân sinh, cá được bán với giá 120.000 đồng/kg.
Anh này cùng tất cả chủ sạp hàng tại 2 chợ đầu mối được hỏi đều nói chỉ có những người buôn cá mới nhận biết được cá quả Trung Quốc và cá quả Việt Nam. Còn người tiêu dùng thì rất khó để biết, trừ khi người tiêu dùng phải mua về ăn thử hoặc tìm các mối quen hay mua. Điều này cũng đã được Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội thừa nhận.
Một số đặc điểm phân biệt cơ bản: Cá quả Trung Quốc có màu da đen sậm, nhẵn bóng như da rắn. Miệng cá nhọn, bụng cá to tròn, ngắn, đặc biệt nhiều mỡ và ruột. Còn cá bông lau trên thân cá to trong khi cá quả ta bông lau nhỏ hơn. Thân cá quả ta tròn, dài, chắc chắn. Khi mổ cá ra thịt chắc, không có mỡ, ruột cá bé tẹo như cái tăm.
----------------------------