Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã tạm thời đình chỉ 3 cá nhân liên quan việc thay thế, chặt hạ cây xanh trên địa bàn.
Sở Xây dựng tạm thời đình chỉ công tác ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm. Quyết định cũng tạm thời đình chỉ công tác ông Trịnh Văn Lý - Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm và ông Lê Trung Ngọc - cán bộ Phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm.
Ba Quyết định trên của Sở Xây dựng căn cứ vào thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp về việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo kết luận ngày 20/3/2015.
Ông Thảo cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra.
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án“Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát.
Trong thông báo gửi tới các cơ quan báo chí, VRN bày tỏ bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai” sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam.
“Chúng tôi, các thành viên thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, quan tâm sâu sắc và bày tỏ sự lo ngại về việc Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã và đang triển khai ồ ạt việc thi công dự án này. Mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư (Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21/7/2014) dưới một hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị nhưng thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai mà hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông”- thông báo của VRN nêu rõ.
Theo VNR, sông Đồng Nai là sông liên tỉnh, việc xây dựng hạ tầng cơ sở lớn ở lòng sông sẽ tác động đến đoạn sông qua tỉnh Đồng Nai; tác động xấu đến các môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực, ảnh hưởng đến các địa phương khác cùng chia sẻ dòng sông, trong đó có TPHCM.
Việc tiếp tục xây dựng và phát triển ồ ạt các cụm công nghiệp, nhà máy ven sông hay các công trình đô thị, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, cao ốc văn phòng, nhà hàng cũng như dự án lấn sông “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng” sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của cả lưu vực.
VNR khẳng định dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án là 8,4 ha trong đó đã chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. Chính vì vậy chính quyền các cấp cần xem xét lại vấn đề tuân thủ Luật Tài nguyên Nước, Luật Bảo vệ Môi trường và nhiều quy định khác liên quan đến quản lý đất ngập nước.
Hơn nữa, vị trí của dự án nằm trong khu vực đông dân cư và mang tính nhạy cảm về môi trường cho nên cần phải có những tham vấn sâu rộng ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Đồng thời, dự án cũng cần phải được tham vấn cẩn thận ý kiến của các Bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ủy ban lưu vực sông, UBND các cấp ở các tỉnh đang sử dụng chung tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai cũng như các tỉnh nằm trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai, các cù lao ven sông, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ...
Cho rằng chỉnh trang cảnh quan đô thị là việc phải làm, nhưng VNR khẳng định những quy hoạch phát triển có liên quan đến sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước ven sông và nước mặt không chỉ nhằm mục đích khai thác sử dụng, kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu trước mắt mà còn phải nhằm bảo đảm môi trường trong sạch, giữ gìn được tài nguyên nước của con sông ổn định cho phát triển trong tương lai.
“Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam mong muốn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” và đề nghị Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan trong đó có các bộ ngành liên quan ở Trung ương, địa phương, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội”- văn bản của VNR nêu rõ.
Sông lớn thứ 3 cả nước
Sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ hai ở phía Nam và đứng thứ ba toàn quốc, lưu vực rộng lớn của nó gần như nằm trọn trong địa phận nước ta, chỉ có một bộ phận nhỏ nằm ở nước ngoài (Campuchia). Đồng Nai là con sông chính của hệ thống sông Đồng Nai, một số phụ lưu lớn của nó như: Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn). Sông chảy qua địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.
Sông Đồng Nai bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), phía Nam dãy Trường Sơn, nơi có đỉnh Bi Doup tỉnh Lâm Đồng cao nhất (2287 m), sông chảy qua những vùng sinh thái cảnh quan đặc trưng và là một phần quan trọng của đồng bằng Nam Bộ. Diện tích lưu vực của hệ thống sông Đồng Nai là 42.600 km2 (tính đến TP Biên Hòa là: 23.500 km2). Lưu vực đang có mức độ phát triển mạnh đặc biệt về công nghiệp và đô thị, có nhu cầu sử dụng nước cao nhất trong khu vực, nhưng lại chưa kiểm soát xử lý được về việc xả thải các chất thải công nghiệp, thiếu kiểm soát về môi trường đã làm cho môi trường khu vực, đặc biệt là môi trường nước đang ở trong tình trạng báo động.
Theo VNR, sông Đồng Nai là một lưu vực sông có tầm quan trọng vô cùng lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội và dân sinh của 11 tỉnh nhưng lại là lưu vực có bình quân lượng nước hàng năm trên đầu người thấp nhất trong các lưu vực của Việt Nam.
----------------------