Tân đại sứ Mỹ: Sẽ thúc đẩy quan hệ gắn liền hai dân tộc Việt - Mỹ
Ngày 18-11, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Ted Osius làm đại sứ tại Việt Nam.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 6, ông Osius cam kết sẽ hàn gắn những khác biệt giữa hai nước để thúc đẩy mối quan hệ lịch sử.
Ông Osius được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử làm đại sứ Việt Nam hồi tháng 5. Đây không phải là một sự lựa chọn tình cờ. Năm 1996, ông là một trong số những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến làm việc tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
“Tôi từng có vinh dự được hỗ trợ đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson khi ông ấy thiết lập nền tảng của mối quan hệ mới giữa hai quốc gia” - ông Osius cho biết trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Ông Osius cũng từng đại diện Phó tổng thống Mỹ Al Gore trong đội ngũ đã chuẩn bị thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam.
Ông tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2.000. Năm 1997, ông hỗ trợ việc thành lập Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. “Đối với tôi, việc được đề cử làm đại sứ tại Việt Nam là giấc mơ trở thành hiện thực” - ông Osius khẳng định.
Ông Osius là một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm. Ông từng học tại Trường Harvard College và Trường Nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, có bằng thạc sĩ kinh tế quốc tế và chính sách ngoại giao.
Ngoài Việt Nam, ông từng làm việc tại Indonesia, Thái Lan, tòa thánh Vatican, Philippines và Ấn Độ. Khi ở Thái Lan ông viết cuốn sách The US - Japan security alliance (Liên minh an ninh Mỹ - Nhật).
Sau thời gian dài làm việc tại châu Á, ông quay trở lại Washington vào năm 2012. Tại đây, ông Osius trở thành chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Năm 2013, ông đảm nhận vị trí giáo sư tại ĐH Quốc phòng (NDU). Ông Osius thông thạo tiếng Việt, Pháp, Ý và cũng có thể sử dụng tiếng Ả Rập, Hindi, Thái, Nhật và Indo.
Hồi năm 1997, ông Osius từng đạp xe gần 2.000km từ Hà Nội vào TP.HCM. “Tại một nơi từng là khu phi quân sự, tôi đứng trên một cây cầu, nhìn về phía những khu đất trũng giống như ao trên mặt đất. Một người phụ nữ lớn tuổi nói với tôi rằng đó không phải là ao, mà là hố bom. Khi tôi nói rằng mình đại diện chính phủ và người dân Mỹ, bà ấy nói rằng hôm nay chúng ta là anh chị em” - ông Osius hồi tưởng quá khứ, thời hai nước mới bình thường hóa quan hệ.
Ông Osius nhận định từ khởi đầu đó, quan hệ Mỹ - Việt Nam đã lớn mạnh thành một mối quan hệ đối tác quan trọng, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chiến lược chung.
Ông nhắc lại lời của Ngoại trưởng John Kerry phát biểu năm ngoái ở Hà Nội rằng một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng là đối tác quan trọng của Mỹ để đối phó với rất nhiều thách thức khu vực và quốc tế.
“Lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam rất phức tạp, và kể cả ngày nay chúng ta vẫn còn nhiều khác biệt. Nhưng cũng giống như trong các gia đình, giữa anh chị em, mọi khác biệt đều có thể được hàn gắn và chúng ta có thể vượt qua lịch sử. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ đã gắn kết hai dân tộc chúng ta” - ông Osius cam kết.
Các lĩnh vực hợp tác
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện, ông Osius đánh giá mối quan hệ giữa con người với con người là yếu tố trọng tâm trong quan hệ đối tác toàn diện mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang từng ký kết năm 2013.
“Trao đổi giáo dục là một ví dụ cụ thể. Đã có 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ và nhiều người khác tham gia chương trình đào tạo kinh tế học Fulbright ở TP.HCM” - ông Osius cho biết.
Ông Osius cho rằng thương mại cũng là yếu tố rất quan trọng khác của mối quan hệ Mỹ - Việt. Thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 30 tỉ USD năm 2013.
“Việc thành lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại và chiến lược, đưa Việt Nam vào cộng đồng đóng góp 40% vào GDP của toàn thế giới” - ông Osius tin tưởng.
Tân đại sứ Mỹ cũng cho biết Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng ta phải đảm bảo các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế thay cho sự cưỡng ép và vũ lực. Đáng tiếc là chúng ta mới chứng kiến hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền, bao gồm việc đưa giàn khoan tới vùng biển gần Việt Nam” - ông Osius đánh giá. Ông cũng cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề như nhân quyền.
-------------------------
Từ 1/1/2015 tăng mức phạt xe quá tải
Đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng). Phạt đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu.
Những chiếc xe quá tải trên QL1A đoạn qua huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Những chiếc xe quá tải trên QL1A đoạn qua huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó sẽ tăng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải.
Cụ thể, theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có 1 khung phạt từ 5-7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành thì hành vi này được tách ra thành 2 khung phạt.
Cụ thể, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).
Phạt đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu
Tương tự, hành vi điều khiểm xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được Nghị định 107/2014/NĐ-CP tách thành 2 khung phạt.
Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 3 tháng.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.
-------------------------
Việt Nam sẽ thu hút 100.000 du khách Ấn Độ/ năm?
Đó là mong muốn của Tổng cục du lịch Việt Nam qua phát biểu của ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam tại cuộc họp báo trưa 21/11, tại Hà Nội.
Du khách Ấn Độ tới Việt Nam. Du khách Ấn Độ tới Việt Nam.
Ông Hưng cho biết, với dân số 1,2 tỷ người, lượng khách du lịch Ấn Độ ra nước ngoài dự kiến tăng từ 15 triệu hiện nay lên 50 triệu vào năm 2020, nhưng con số du khách Ấn Độ tới Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 10.000 người/ năm, chủ yếu là khách công vụ.
Đánh giá được tiềm năng của du khách Ấn Độ, Tổng Cục Du lịch Việt Nam đang đặt mục tiêu tuyên truyền và quảng bá mạnh du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, nhất là khi đường bay thẳng giữa New Delhi và Mumbai tới TP.HCM của hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways vừa được khai trương ngày 5/11 và sắp tới Vietnam Airline và Vietjet Air sẽ có đường bay thẳng tới Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng) của Ấn Độ.
Ông Hưng nói: “ Trong chiến lược marketing du lịch Việt Nam, chúng tôi đã đưa Ấn Độ từ “thị trường tiềm năng” sang “thị trường cần xúc tiến mạnh.”
Để làm được điều này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang chuẩn bị kinh phí và hợp tác với Ấn Độ để mời một số nhà làm phim Bollywood sang quay phim quảng bá du lịch Việt Nam, đưa các nhà báo Việt Nam tham quan một số địa danh du lịch nổi tiếng của Ấn Độ. Ông Hưng tin rằng, với kế hoạch xúc tiến du lịch được chú trọng và đẩy mạnh, con số du khách Ấn Độ tới Việt Nam không chỉ dừng lại ở 10.000 người/ năm như hiện nay, mà có thể lên tới 100.000 người/ năm.
Đồng tình với quan điểm của Tổng cục Du lịch Việt Nam, bà Preeti Saran, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, Hội An, có nhiều đồ ăn ngon, nhưng chưa bao giờ chúng được quảng bá tại Ấn Độ.
Thực tế, trong hơn một năm sinh sống tại Việt Nam, bà Preeti Saran rất thích hoa quả Việt Nam. Bà cho biết, nhiều loại hoa quả chỉ ở Việt Nam mới có. Điều này, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách Ấn Độ.
Ngoài ra, 1,2 tỷ người Ấn Độ rất ngưỡng mộ người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, do đó các địa danh lịch sử như Bảo tàng chiến tranh sẽ rất được du khách Ấn Độ quan tâm.
Bà Preeti Saran cũng gợi ý, Việt Nam nên quảng bá các địa danh lịch sử, gắn bó chặt chẽ với quan hệ Việt Nam- Ấn Độ. Chẳng hạn như năm 1959, trong chuyến thăm Việt Nam, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã mang cây bồ đề từ Bồ đề Đạo tràng và trồng tại chùa Trần Quốc, Hà Nội.
Ấn Độ và Việt Nam có mối liên hệ truyền thống thông qua các giá trị của Đạo Phật. Những địa danh như Tháp Chàm và các chùa cổ Việt Nam hứa hẹn thu hút nhiều du khách Ấn Độ.
“Nếu như khách du lịch thích phong cảnh đẹp, đồ ăn ngon, nhiều địa điểm shopping, thì Việt Nam đều có, ” bà Preeti Saran khẳng định.
Tại Hội nghị hợp tác Du lịch và Hàng không Ấn - Việt được tổ chức vào ngày 29/11 tới tại Hà Nội, 22 các hãng lữ hành hàng đầu Ấn Độ và nhà báo Ấn Độ sẽ được mời tới Việt Nam. Hội nghị sẽ được đồng tổ chức bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ trong khuôn khổ Chương trình FAM TOUR do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức từ ngày 23-29 tháng 11 năm 2014.
-------------------------
Ông Hồ Quốc Dũng là tân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Sáng 21/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Kỳ họp thứ 9 (Kỳ họp bất thường) bầu bổ sung Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tỉnh. Với 56/57 phiếu (đạt 94,9%), ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016 thay ông Lê Hữu Lộc nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Hồ Quốc Dũng (bên phải, cầm hoa) được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ông Hồ Quốc Dũng (bên phải, cầm hoa) được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Ông Hồ Quốc Dũng sinh năm 1966, quê quán xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Luật; Trình độ Lý luận chính trị Cao cấp. Vào Đảng ngày 11/7/1995.
Các đại biểu cũng bầu ông Phan Cao Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với 48/57 phiếu (đạt 81,3%). Ông Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh, với số phiếu 55/57 (đạt 93,2%) .
-------------------------