Trung Quốc xây sân bay trái phép trên bãi đá Chữ Thập
Trung Quốc ngang ngược xây dựng một sân bay trái phép trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh có quyền tiến hành bất kỳ hoạt động nào ở Trường Sa, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 19.10 dẫn lại thông tin từ tạp chí China NewsWeek (Trung Quốc). Tạp chí này nhấn mạnh Trung Quốc đang xây dựng một sân bay mới trên bãi đá Chữ Thập để phục vụ cho Không quân nước này.
Theo đài NHK (Nhật Bản), các bức ảnh chụp bãi đá Chữ Thập cho thấy có một sân bay dành cho máy bay trực thăng, một thứ trông giống như nhà kính trồng cây và các ụ súng trên bãi đá này. Bắc Kinh đang vận chuyển vũ khí và trang thiết bị quân sự đến các cơ sở ở Trường Sa, quân đội Philippines hồi tháng 8.2014 cho biết.
Kể từ tháng 2.2014, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp nhằm biến 6 bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Tờ Đại Công Báo và United Daily News (Đài Loan) mới đây dẫn lời ông Lee Hsiang-chou, người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan, tiết lộ rằng đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng.
Một quan chức an ninh cấp cao Philippines tiết lộ Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trên biển Đông sau khi hoàn tất dự án xây dựng căn cứ quân sự trên 4 bãi đá Châu Viên, Ken Nan, Ga Ven, và Gạc Ma ở Trường Sa.
Trong một cuộc họp ở Viện lập pháp Đài Loan ngày 15.10, ông Lee nói Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã lên một con tàu quân sự thị sát hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa vào tháng 9.2014.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố xây dựng hoàn tất đường băng dùng cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Tân Hoa xã, đường băng ở Phú Lâm đã được xây dựng hoàn tất, với chiều dài 2.000 m và được dùng cho mục đích quân sự. Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc có thể điều động các máy bay quân sự đến Hoàng Sa sau khi hoàn tất đường băng này.
Việt Nam đã nhiều lần và liên tục lên tiếng phản đối các hành động xâm phạm vùng biển, các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
-------------------------
Tạm cấm nhiều tuyến đường trong thời gian họp Quốc hội
Để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, phục vụ bảo vệ kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIII, từ 6h-19h các ngày từ 20/10 đến 29/11, CSGT Hà Nội sẽ tạm cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện trên nhiều tuyến đường.
Theo kế hoạch của Phòng PC67 Hà Nội, từ 6h-19h các ngày từ 20/10 đến 29/11/2014, sẽ tạm cấm hoạt động đối với các loại phương tiện (trừ các xe ôtô tham gia kỳ họp Quốc hội khóa XIII, xe buýt, xe vệ sinh và giải quyết sự cố) trên các tuyến đường, gồm: Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, Hùng Vương (từ Hoàng Văn Thụ đến Phan Đình Phùng), Phan Đình Phùng (từ Hùng Vương đến Nguyễn Tri Phương), Hoàng Diệu (từ Phan Đình Phùng đến Điện Biên Phủ), Điện Biên Phủ (từ Hoàng Diệu đến Độc Lập), Lê Hồng Phong, Chu Văn An (từ Trần Phú đến Điện Biên Phủ). Đặc biệt, đường Độc Lập và Bắc Sơn sẽ tổ chức cấm triệt để phương tiện giao thông.
Phòng Cảnh sát giao thông sẽ có phương án phân luồng giao thông từ xa cho các loại phương tiện. Cụ thể, xe từ phía Bắc xuống phía Nam, sẽ đi theo tuyến Yên Phụ-Cửa Bắc-Nguyễn Tri Phương-Điện Biên-Hoàng Diệu.
Các xe từ phía Nam lên phía Bắc đi theo tuyến Tôn Đức Thắng-Nguyễn Thái Học-Hoàng Diệu-Điện Biên-Cửa Bắc-Yên Phụ.
Các loại xe trong diện tạm cấm từ phía Tây sang phía Đông, đi theo tuyến Hoàng Hoa Thám-Hùng Vương-Thanh Niên-Yên Phụ hoặc Hoàng Hoa Thám-Ngọc Hà-Đội Cấn hoặc Lê Hồng Phong-Ông ích Khiêm-Trần Phú-Lê Trực.
Xe từ phía Đông sang phía Tây, đi theo tuyến Điện Biên-Trần Phú-Lê Trực hoặc Điện Biên-Nguyễn Tri Phương-Cửa Bắc-Yên Phụ.
-------------------------
Giải cứu thành công tàu chở gần nghìn tấn quặng sắp chìm
Khoảng 16h00 chiều 18/10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin yêu cầu khẩn cấp cứu nạn của Tàu Trường Hải chở gần 950 tấn quặng sắt, đang hành trình đi Hải Phòng thì bị nghiêng, có nguy cơ bị chìm. Tàu yêu cầu cứu nạn 10 thuyền viên khẩn cấp.
Nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều tàu SAR 412 lên đường ra cứu hộ cứu nạn các thuyền viên tàu Trường Hải. Đến 17h00 chiều 18/10, các thuyền viên trên tàu Trường Hải đã được chuyển sang tàu SAR 412 và tàu Trường Hải tránh khỏi bị chìm, hướng dẫn tàu bị nạn di chuyển vào bãi cạn để đảm bảo an toàn và quay trở lại Quy Nhơn.
Hiện 6 thuyền viên tàu Trường Hải đã được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam bàn giao cho cơ quan chức năng.
------------------------
Các giải pháp chưa đủ mạnh để ngăn chặn tham nhũng
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng chống tham nhũng (PCTN) 2014. Báo cáo cho biết tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội vẫn chưa kịp thời và đủ mạnh để ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích...
Báo cáo cho biết, việc rà soát, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh. Qua tiến hành 7.349 cuộc kiểm tra về vấn đề này đã phát hiện 212 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật 93 người, thu hồi và bồi thường 561 tỷ đồng (trong đó đã thu hồi 154 tỷ đồng). Việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Qua kiểm tra tại 8.683 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 81 đơn vị có vi phạm. Qua đó cho thấy vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 31.885 tỷ đồng, 4.717ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.109 tỷ đồng và 3.661ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4.776 tỷ đồng, 1.056ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.688 tập thể, 2.989 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ. Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành 163 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 13.626,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc chuyển các hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tham nhũng còn vướng mắc, các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
Đáng chú ý hơn, báo cáo cho rằng qua giải quyết đơn thư cho thấy người dân tố cáo tham nhũng chưa nhiều, có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân chưa tin vào việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng. Công tác giải quyết đơn thư tố cáo còn bất cập, trong khi cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đáp ứng tình hình, nên vẫn còn tâm lý người tố cáo sợ bị trả thù.
Thanh tra Chính phủ khẳng định: Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều hạn chế. Việc rà soát, sửa đổi, khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên, nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công
-------------------------
Philippines và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác
Việt Nam và Philippines vừa nhất trí tiếp tục hợp tác theo hướng duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như thúc đẩy tầm quan trọng của luật pháp trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Trang tin InterAksyon của Philippines cho biết Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã có cuộc gặp song phương với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) 10 tại Milan (Ý).
Hai bộ trưởng cùng bày tỏ sự quan ngại về tình hình leo thang căng thẳng ở biển Đông. Hai bên cũng nhất trí cùng kêu gọi các đối tác trong ASEM ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002 về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
“Những hành động đơn phương ở biển Đông đang vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và trái với DOC” - Ngoại trưởng Del Rosario tuyên bố.
Ngày 17-10, Đài Tiếng nói nước Nga tại Matxcơva cho biết Trung Quốc có khả năng sẽ tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, sau khi xây dựng đảo nhân tạo và công bố đã xây đường băng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc có thể sẽ sử dụng sân bay này để làm căn cứ đệm cho không quân và hải quân hoạt động ở biển Đông.
-------------------------