Một hành khách người Đài Loan sau khi đi xe khách từ Ninh Bình về Hà Nội đã bỏ quên vali trên xe. Nhân viên bến xe Giáp Bát đã nhiệt tình tìm giúp chiếc vali để gửi về cho chủ của nó.
Sự việc xảy ra chiều hôm 26/10 vừa qua, hành khách bỏ quên vali trên xe khách là ông Lin Stay Chih (quốc tịch Đài Loan).
Theo kể lại, hành khách này cùng với hành khách Đỗ Lan Anh (phiên dịch viên của Công ty TNHH Vina Kim Long) bắt xe khách từ Ninh Bình lên Hà Nội. Khi xe chạy đến Pháp Vân thì người phiên dịch xin xuống xe trước, còn vị khách nước ngoài tiếp tục ngồi trên xe để di chuyển về bến xe Giáp Bát. Sau 1 tiếng xuống xe, ông Lin Stay Chih điện thoại báo cho chị Lan Anh để nói chuyện về việc đã bỏ quên vali trên xe khách.
Nhận được tin này, chị Lan Anh đã điện thoại tới bến xe Giáp Bát và gặp một người tên Hiền. Chị Lan Anh đã mô tả về chiếc vali, hành trình chạy xe, đặc điểm nhận dạng xe và đề nghị hỗ trợ tìm kiếm, phát thanh ở bến xe về hành lý nói trên và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân viên bến xe.
Trong chiều cùng ngày, chiếc vali đã được tìm thấy nguyên vẹn trên xe mà hành khách Lin Stay Chih đã đi và được trao lại cho hành khách này. Hành khách Lin Stay Chih bày tỏ thiện ý gửi quà cảm ơn nhân viên Hiền đã giúp ông tìm kiếm hành lý nhưng nhân viên bến xe đã từ chối nhận quà và khẳng định đó là công việc, trách nhiệm phải làm.
Sau khi về Đài Loan, hành khách Lin Stay Chih đã gửi thư cảm ơn nhân viên và Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đã giúp ông tìm lại được hành lý. Ông Lin cũng bày tỏ sự cảm kích về lòng tốt hiếm có của nhân viên Hiền. Ông này cho biết đã có 20 năm đi lại làm việc ở Việt Nam và chứng kiến nhiều sự việc tương tự nhưng hành khách không may mắn nhận được sự giúp đỡ tận tình như vậy.
Được biết, bằng việc áp dụng hệ thống camera giám sát tại bến xe, đã có rất nhiều trường hợp hành khách bỏ quên đồ được tìm thấy ở các bến xe tại Hà Nội và được nhận lại. Thậm chí có trường hợp một bà mẹ trẻ bỏ con ở bến xe Giáp Bát nhưng đứa bé đã được nhân viên tại đây chăm sóc và giúp tìm lại mẹ của mình.
“Hiện có hàng chục công ty dược, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng. Với phát hiện, công bố ở nước ngoài trong vụ Bio-Rad sẽ giúp ta thấy được giá thuốc thực tế bị chi phối bởi những khoản hoa hồng thế nào”…
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11 về việc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vừa ra trát lệnh yêu cầu công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ) cáo buộc Bio-Rad đã đưa hối lộ gần 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Việt Nam, Nga và Thái Lan từ năm 2005 đến năm 2010. Cụ thể, tính từ năm 2005 đến cuối năm 2009, văn phòng Bio-Rad tại Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD tiền hối lộ và ký kết được hợp đồng với doanh số 23,7 triệu USD.
Thêm một “nghi án” quan chức Việt Nam nhận hối lộ bị phát giác, tố cáo từ các đối tác nước ngoài, lần này là trong lĩnh vực y tế. Là người phụ trách nhiệm vụ giám sát các hoạt động trong lĩnh vực này, ông đã nắm thông tin vụ Bio-Rad?
Bộ trưởng Y tế đã có văn bản gửi cho Bộ trưởng Bộ Công an về việc này rồi, vấn đề chính bây giờ là phải xác định cụ thể nội dung này. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xử phạt một công ty của Mỹ là Sasco Smith mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ và tập đoàn này đã chấp nhận chịu phạt.
Còn trường hợp này ở Việt Nam, chúng ta cần phải xác định Bio-Rad họ hoạt động trong lĩnh vực nào, thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm mà chỉ có 2,2 triệu USD chi thì có lẽ còn quá nhỏ. Chỉ riêng Bảo hiểm xã hội mỗi năm đấu thầu lại giá thuốc cũng đã dư ra mấy ngàn tỉ đồng rồi. Vậy nên cần kiểm tra cho rõ xem sao.
Còn thực tế nhiều năm nay, chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là một chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ, họ kiểm soát ngay từ các công ty bằng cách xem danh sách chi hoa hồng của doanh nghiệp xem anh chi cho những ai để phát hiện. Chúng ta cũng muốn kiểm soát việc này nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được ra xem tiêu cực nằm ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.
Theo ông có những hình thức hối lộ như thế nào của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực y tế ?
Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo. Nhiều công ty có thể tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, chi phí mỗi người vài ngàn USD, cộng lại đã thành một khoản lớn.
Hình thức hối lộ trong lĩnh vực này rất đa dạng. Không chỉ tài trợ cho cán bộ cho đi thăm (du lịch), trả tiền trực tiếp hoặc hoa hồng theo đơn thuốc, gói thiết bị mà còn có những cơ chế hối lộ rất tinh vi, không qua tài khoản, không qua ngân hàng. Đây là câu chuyện khá phổ biến trên thế giới mà nhiều nước cũng phải đau đầu để xử lý. Như ở Trung Quốc, họ tìm xem chứng từ có vấn đề gì để xem xét, xử lý. Đó cũng là một cách giám sát.
Tôi nghĩ là với những công bố, phát hiện của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp chúng ta thấy được mức giá thuốc, giá thiết bị y tế thực tế mà các công ty nước ngoài cung cấp cho ta như thế nào để tránh bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.
Tôi rất muốn trong Luật Đấu thầu có quy định chặt chẽ, có mục riêng cho việc đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng việc này cũng rất khó vì nó khá phổ biến ở nhiều nước.
Thực tế hoạt động tài trợ cho đi nước ngoài, chi tiền, hoa đồng với cán bộ, bác sĩ y tế ở Việt Nam khá phổ biến và rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ hối lộ, tiêu cực. Theo ông, có giải pháp nào để kiểm soát, phát hiện và xử lý sai phạm trong việc này?
Theo tôi việc đó rất khó. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ hay mời đi tham dự hội thảo khoa học. Bình thường thì đây cũng là dịp tốt cho cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng ẩn bên trong đó, có chế độ, chính sách tài chính cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được. Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác hay cách thức quản lý của cơ quan chủ quản cán bộ, bác sĩ đó.
Có khá nhiều công ty cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Làm thế nào để kiểm soát được hoạt động này, thưa ông ?
Tôi nghĩ là có hàng chục công ty dược, cung cấp thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Và tôi nghĩ là ở chỗ nào cũng có hoa hồng chứ không phải không nhưng làm thế nào để phát hiện là việc khó.
Có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ y tế, bác sĩ để hạn chế tình trạng nhận hối lộ, chung chi chiết khấu, hoa hồng như này không?
Việt Nam có cơ chế buộc kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam dẫn đến việc rất khó kiểm soát. Ở Nhật, họ kiểm soát thu nhập bác sĩ rất chặt. Thu nhập của bác sĩ ở họ gấp 3 lần ở nhiều lĩnh vực khác nhưng vì kiểm soát chặt, bác sĩ chỉ có thu nhập chính đó thôi. Còn ở ta, lương bác sĩ nhiều bệnh viện lớn theo chế độ thế thôi nhưng chúng ta cũng không kiểm soát được hết các nguồn thu nhập khác. Tôi nghĩ, chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập qua tài khoản thì tình hình chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!
-------------------------
Thủy điện chồng thủy điện, lũ chồng lũ…
Trận lũ lịch sử vào tháng 11/2013 vừa qua chính là minh chứng đau xót cho quá trình phát triển thủy điện ồ ạt, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Bài học xương máu chưa kịp nguôi ngoai, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cho phép xây dựng thủy điện ở huyện nghèo.
Thủy điện nằm trên đầu dân
Nằm giữa đại ngàn, huyện Sơn Hà có 4 con sông Tang, Rin, Xò Lò và Re cùng đổ về dòng chảy trên con sông lớn nhất tỉnh - sông Trà Khúc. Với vị thế có nhiều nhánh sông, các nhà đầu tư thường xuyên “dòm ngó” huyện miền núi Sơn Hà để làm thủy điện.
Cho đến tháng 11/2014, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho đầu tư xây dựng tại huyện Sơn Hà với 4 công trình thủy điện (Nước Trong, Sơn Trà 1, Trà Khúc và Đăkrinh 2).
Theo thiết kế dự án, thủy điện kết hợp hồ chứa nước Nước Trong có dung tích hồ chứa nước khoảng 210m3, công suất 12 MW (đang hoàn thiện); thủy điện Sơn Trà 1 có dung tích hồ chứa 5,479 triệu m3, công suất lắp máy 42 MW; thủy điện Trà Khúc với thiết kế hồ chứa nước 11,07 triệu m3 và công suất lắp máy 36 MW; thủy điện Đăkrinh 2 có hồ chứa 9,3 triệu m3 nước và công suất 13 MW.
Với 4 thủy điện trên, “ôm gọn” thị trấn Di Lăng cùng nhân dân Sơn Hà, nguy cơ hơn 71.000 người dân huyện Sơn Hà trở thành tâm “túi nước” khi lũ về.
Không chỉ vậy, nằm phía trên huyện Sơn Hà là huyện miền núi Sơn Tây (độ cao so với mực nước biển khoảng 1.500m) cũng đang hoạt động thủy điện Đăkrinh. Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi lại thống nhất cho đầu tư dự án thủy điện ĐakBa (đặt tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) với công suất 19,5 MW.
Xót xa khi tỉnh cho đầu tư thủy điện, ông Sang Lâm Biên (73 tuổi, ngụ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) - nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà - rầu rĩ nói: “Những ngày cuối đời, tôi chọn nơi đây là chốn nghỉ ngơi bình yên. Sau hơn 13 năm nghỉ hưu, lòng tôi càng nặng trĩu khi hàng loạt dự án thủy điện cho đầu tư ở huyện nghèo này. Khi 4 thủy điện hình thành, nhân dân Sơn Hà nằm hướng nào cũng đụng đầu thủy điện cả. Rồi khi lũ về, chúng tôi biết chạy đi đâu đây…”.
Riêng thị trấn Di Lăng có hơn 25.000 người dân, nếu liên kết nhánh với các vị trí đặt thủy điện, huyện Sơn Hà như mô hình “màng nhện” thủy điện nằm trên đầu dân nghèo.
Nước mắt chan cùng lũ
Trong trận lũ lịch sử vào cuối năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 người thiệt mạng, sập và cuốn trôi 130 nhà, hư hỏng 495 phòng học, thiệt hại hơn 4.000 ha lúa và rau màu. Nhiều công trình thủy lợi, đê kè, hồ chứa nước, đập dâng, đường giao thông, thông tin liên lạc hư hại, ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Riêng huyện Sơn Hà cho biết, hơn 3.000 hộ dân bị cô lập (xã Sơn Cao, Sơn Linh và Sơn Nham), 165 nhà bị sập và trôi hoàn toàn, 300 nhà bị sạt vách, 1.000 nhà có nguy cơ đổ. Trận lũ gây ra 63 điểm sạt lở trên các tuyến đường, cuốn trôi 1 cầu treo. Về nông nghiệp, ảnh hưởng 1.300 ha đất lúa bị sa bồi, thủy phá, 45 ha mía, 20 ha mì, 15 ha keo bị đổ, trôi, 10 tấn lúa giống bị ước và hư hỏng; hơn 1.800 con gia súc, gia cầm bị trôi. Bên cạnh đó, nước lũ làm hư hỏng 16 công trình nước sạch trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước khoảng 81 tỷ đồng.
“Cuối năm 2013 vừa qua, khi xảy ra lũ thì ở huyện Sơn Hà và Sơn Tây chưa vận hành thủy điện nào mà thiệt hại đã vậy. Khi 6 thủy điện (Sơn Hà 4 thủy điện, Sơn Tây 2 thủy điện) cùng xả lũ, tôi e rằng không chỉ huyện Sơn Hà mà khu vực đồng bằng cũng chìm trong biển nước. Lũ càng càng quét dữ dội hơn khi rừng phòng hộ mất dần theo những dự án thủy điện không thuận lòng dân…”, ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư Huyện ủy Sơn Hà chua xót nói.
Xây dựng thủy điện ồ ạt không tính toán kỹ được mất sẽ dẫn đến rừng phòng hộ bị triệt hạ, cuộc sống người dân bị đảo lộn, nguồn nước canh tác bấp bênh khi mùa nắng hạn, tính mạng nhân dân bị đe dọa lúc lũ về,…
“Khi xảy ra biến động ảnh hưởng đến đời sống người dân, địa phương phải “đứng mũi chịu sào”. Lúc đó, tìm gặp doanh nghiệp rất khó”, Bí thư Đặng Ngọc Dũng bày tỏ hệ lụy về sau.
--------------------------
Hà Nội sẽ tiếp tục chặt hàng trăm cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trong tháng 11 này sẽ chặt hạ 275 cây trên tuyến đường Nguyễn Trãi trong tổng số 597 cây được trồng trên hai bên vỉa hè, dải phân cách.
Tại cuộc họp ở Sở Xây dựng về việc chặt hạ và trồng thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Trãi sáng 6/11, ông Hưng cho biết, hiện nay, trên đường Nguyễn Trãi có 597 cây bóng mát được trồng hai bên vỉa hè và trên dải phân cách giữa đường dành cho xe buýt và đường giao thông.
Trên dải phân cách phải (theo hướng đi Hà Đông), loài cây trồng chủ yếu là xà cừ, lát, phượng. Dải phân cách trái loài cây trồng chủ yếu là keo lá chàm. Một số loài cây không thuộc loại cây đô thị như bàng, dâu da, dướng, keo lá chàm, trứng cá, vông, xoan. Đặc biệt trong số này có những cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cần được chặt hạ, thay thế để đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông.
Ông Hưng cho biết, mục đích chính của việc chỉnh trang cây trên đường Nguyễn Trãi nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống cây bóng mát của tuyến đường hướng tới sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Khối lượng cây bị chặt trên đường Nguyễn Trãi được ông Hưng cho biết là 275 cây. Chặt hạ cây không đúng chủng loại cây đô thị 194 cây, trong đó có 26 cây bàng, 1 cây bông gòn, 1 dâu da, 3 cây trứng cá - đây là những loài cây do người dân tự ý trồng, dễ gây đổ, quả nhiều rụng mất vệ sinh. Ngoài ra còn có 160 cây keo được trồng tạm thời trên dải phân cách để lấy bóng mát nhưng hay gãy cành, đổ khi gặp mưa bão.
Đợt này cũng có 58 cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông bị chặt, trong đó có 9 cây xà cừ, 4 cây bằng lăng, 13 cây chẹo, 13 cây muồng, 3 cây phượng. Hơn 20 cây nhỏ trên đường Nguyễn Trãi cũng được di chuyển đi nơi khác trong đợt này.
Chặt 275 cây nhưng chỉ có 78 cây dự kiến được trồng thay thế, trong đó chủ yếu là cây hoa lát ở vỉa hè 2 bên đường. Sở Xây dựng sẽ nghiên cứu phương án báo cáo UBND thành phố thực hiện sau khi Sở GTVT phê duyệt phương án tổ chức giao thông.
---------------------------