Hà Nội xây dựng phương án phòng chống thảm họa trong lễ hội
UNBD TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận huyện xây dựng phương án phòng chống thảm họa, cháy nổ trong lễ hội.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận huyện xây dựng phương án phòng, chống thảm họa, phòng, chống cháy nổ, hỏa hoạn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động lễ hội.
Về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc hướng dẫn đặt hòm công đức trong di tích đúng quy định, quản lý việc thu, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch; hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định.Không để dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch diễn ra trong di tích và lễ hội, không thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hà Nội cũng lên kế hoạch điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nội dung phần nghi lễ trang nghiêm, thành kính; phần hội phong phú, đa dạng, vui tươi, lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng, miền, dân tộc.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý các sở ngành, địa phương xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để hoạt động trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật.
Tại buổi giao ban báo chí chiều 3/3, ông Phan Đăng Long cho biết trong lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre và người xưa quan niệm ai cướp được sẽ gặp may mắn cả năm.
Về những hình ảnh xô xát khi cướp lộc tại hội Gióng được báo chí đăng tải, ông Long cho biết các cơ quan chức năng của thành phố đã tìm hiểu và khẳng định không có chuyện đánh nhau để cướp lộc.
Cũng theo ông Long, một số cơ quan truyền thông đã đăng tải những hình ảnh hỗn loạn từ các lễ hội năm trước, gây hiểu nhầm trong dư luận. Bàn thêm về ý nghĩa của lễ hội này, ông nhấn mạnh không nên hiểu từ “cướp lộc” ở lễ hội Gióng với nghĩa “cướp giật”.
----------------------
Công an theo dõi Facebook giả mạo chính khách
Trong trường hợp có kẻ dùng Facebook giả danh lãnh đạo để trục lợi mà gây thiệt hại đến vật chất thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện, các tài khoản Facebook hoặc Fanpage trùng tên Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, các Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng có thể dễ dàng tìm thấy trên Facebook. Tuy nhiên ngoại trừ Fanpage của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được xác nhận là thật, tất cả đều là những trang giả mạo.
Việc tràn lan Facebook giả mạo chính khách Việt Nam đã khiến dư luận không khỏi lo ngại bởi các tài khoản đó có thể sử dụng uy tín của những người mà họ mạo danh để truyền bá thông tin sai lệch, hoặc để lừa đảo với những mục đích khác nhau.
Theo luật sư Dương Thanh Biểu (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc giả mạo Facebook là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP).
"Tuy nhiên, trong trường hợp có kẻ dùng Facebook giả danh lãnh đạo để trục lợi mà gây thiệt hại đến vật chất thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo", Luật sư Biểu phân tích.
Còn theo luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc mạo danh một người nào đó ở trên Facebook cũng có thể xem là hành vi mạo danh người khác.
"Với trường hợp này, cần phải xem xét từng hành vi để áp dụng pháp luật. Trong trường hợp mạo danh Facebook mà cung cấp thông tin trái sự thật, nhất là làm ảnh hưởng đến cơ quan Nhà nước, có thể xác định theo tội danh giả mạo chức vụ, cấp bậc theo Điều 265 của bộ Luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm", Luật sư Hưng cho biết thêm.
Cũng theo Luật sư Hưng, nếu đơn thuần chỉ là việc lạm dụng tên tuổi người khác để câu view hay kinh doanh, buôn bán thì chưa thật sự đáng lo. Nhưng nếu kẻ xấu dùng Facebook đó để tuyên truyền, chống phá chính quyền thì rất nguy hiểm.
Cơ quan công an theo dõi
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Cục An ninh, thông tin và truyền thông, Bộ Công an: "Về mức độ an ninh, chúng tôi phải theo dõi. Nếu phát hiện những trường hợp giả mạo sẽ có kế hoạch điều tra, xác minh, làm rõ những hiện tượng giả mạo đó...
Trong trường hợp người dân, các cơ quan báo chí cung cấp danh sách những Facebook giả mạo, chúng tôi có thể phối hợp với nhiều đơn vị để điều tra, xác minh làm rõ đối tượng giả mạo. Trên cơ sở làm rõ đến đâu thì xử lý đến đấy. Nếu thấy các đối tượng giả mạo Facebook, Fanpage vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ đề xuất xử lý hình sự, còn chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ dại dột, thích nổi tiếng sẽ có những biện pháp xử lý hành chính.
Như những vụ việc tung tin đồn dịch bệnh Ebola vừa rồi trên Facebook chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị để điều tra phát hiện đối tượng. Sau đó bàn giao cho công an Hà Nội để bắt đối tượng và xử lý hành chính."
Một điều cần lưu ý là trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng điều tra xử lý các trường hợp giả mạo Facebook, bản thân những người dùng mạng xã hội cũng nên tỉnh táo trước những Facebook giả mạo.
Nếu phát hiện ra được Facebook cá nhân hoặc Fanpage giả, người dùng nên sử dụng công cụ là “report” gửi cho Facebook. Nếu facebook giả mạo nào có số lượng report vượt quá giới hạn thì sẽ bị khóa hoặc không được hoạt động nữa.
---------------------
Thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Huế
Chiều 4/3, Văn phòng Đại học Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 274/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế.
Theo đó, Trường được thành lập dựa trên cơ sở Khoa Luật, Đại học Huế; có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và trụ sở chính đóng tại TP Huế. Trường hoạt động theo điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Bộ GD&ĐT có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh. Như vậy, đến nay, Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên, 2 khoa và 1 phân hiệu trực thuộc.
---------------------
Nước mặn đang xâm nhập sâu khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mức độ xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40 - 60km.
Tỉ lệ nước mặn xâm nhập ở mức từ 1-3 phần nghìn, cá biệt có những nơi lên đến mức 5-6 phần nghìn độ mặn và dự báo mức nhiễm mặn của đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao nhất vào giữa tháng 3/2015.
Mức nhiễm mặn cao nhất sẽ tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, bởi ảnh hưởng thủy triều từ biển Tây theo kênh Long Xuyên - Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế đổ vào vùng Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và khu vực Đông Hồ (tỉnh Kiên Giang), dù trước đó các cửa đập ngăn mặn của vùng tứ giác Long Xuyên đã đóng lại.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 5/2015 và chỉ giảm xuống dần khi mùa mưa bắt đầu.
----------------------