Người dân sống ở Ciputra cho hay, họ phải mua nhà giá cao, đóng gần 10 triệu đồng phí dịch vụ/quý nhưng nước thải vẫn trào ngược vào nhà khiến salon, sàn gỗ bị ngâm trong nước bẩn.
1.001 lý do trì hoãn
Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ) do Tập đoàn Đầu tư Phát triển Bất động sản Ciputra (Indonesia) liên doanh với Tổng Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Đây được xem là khu đô thị kiểu mẫu xuất hiện sớm tại Hà Nội cùng nhiều khu đô thị khác như: Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân), Linh Đàm (Hoàng Mai)…
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nơi xử lý nước thải (mặc dù trong quy hoạch được phê duyệt có). Theo Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố Hà Nội), toàn bộ nước thải khu đô thị đều xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Phòng Cảnh sát Môi trường từng kiểm tra và xử phạt các khu đô thị xả thẳng nước thải ra môi trường, như: Khu đô thị Mỹ Đình-Mễ Trì của Sudico, Khu đô thị Văn Khê của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, Khu đô thị Yên Hòa của Contrexim... Tuy nhiên, mức phạt cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng", Đại úy Lê Quang Minh, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội.
Năm 2012, cư dân khu đô thị này từng “chịu trận” khi nước thải từ các đường ống thoát nhà vệ sinh trào ngược vào nhà khiến toàn bộ salon, sàn gỗ bị ngâm trong nước bẩn.
Chị Nguyễn Hằng, cư dân sống trong Ciputra bức xúc: “Chúng tôi mua nhà với giá cao, đóng gần 10 triệu đồng phí dịch vụ/quý, nhưng chủ đầu tư không xây nơi xử lý nước thải cho các tòa nhà là điều không chấp nhận được. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh khu đô thị”.
Đại úy Lê Quang Minh, cán bộ Đội 2 Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư Ciputra tìm đủ mọi cách hoãn làm khu xử lý nước thải như thiết kế rồi đổ lỗi cho việc khó khăn giải phóng mặt bằng.
“Đây là cách lách rất khôn của chủ đầu tư bởi việc giải phóng khu nghĩa trang làng (theo thiết kế là nơi xử lý nước thải) không đơn giản. Chúng tôi chỉ có thể phạt chủ đầu tư Ciputra vì xả thải ra môi trường, nhưng không thể buộc họ phải xây khu xử lý nước thải ngay. Phạt đi phạt lại nhiều năm, tình trạng xả thải vẫn diễn ra thường xuyên”, đại úy Minh nói.
Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có trên 150 khu đô thị mới, hàng nghìn chung cư cao tầng nhưng có rất nhiều khu đô thị không có trạm xử lý nước thải hoặc không xử lý qua hệ thống bể tự hoại mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Nguyên nhân là, chủ đầu tư không chịu “bỏ tiền túi” để đầu tư một công trình không đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử phạt để buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết trong quy hoạch đã được duyệt.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cũng thừa nhận, khu đô thị mới xây dựng xong phần thô khu xử lý nước thải và chưa đưa vào hoạt động do chi phí máy móc, công nghệ tốn kém.
Theo một lãnh đạo phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác Tài nguyên nước – Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường), mức phạt hiện tại (tối đa 2 tỷ đồng với doanh nghiệp, 1 tỷ với cá nhân) theo Nghị định 117 của Chính phủ vẫn chưa đủ sức răn đe. Xử phạt vi phạm môi trường rất khó vì cần bắt quả tang. Trong khi đó, hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước còn hạn chế, cả về trang thiết bị và nhân lực, nên số vụ việc bị phát hiện và xử lý không nhiều.
Gây ô nhiễm nước ngầm
Ông Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) phân tích: Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các khu đô thị lớn, tình trạng này cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn...
“Việc các khu đô thị mọc lên phải có nơi xử lý nước thải là điều đương nhiên, bởi trong khu đô thị có hàng nghìn cư dân sinh sống. Khi bán nhà, chủ đầu tư cũng cộng vào giá bán kinh phí xây nơi xử lý nước thải. Nước thải đô thị có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe con người nhưng tích lũy, ngấm dần sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. Đáng sợ nhất, nếu nguồn nước khu đô thị xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”, ông Nhuệ nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, tình trạng ô nhiễm và suy thoái nước ngầm đang phổ biến ở các khu đô thị, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người, trong khi 35 – 40% lượng nước sinh hoạt của người dân Hà Nội từ nguồn nước ngầm.
“Khắc phục ô nhiễm tốn gấp ba lần xây nhà máy xử lý nước thải. Xử lý ô nhiễm nước ngầm khó hơn xử lý nước bề mặt, đòi hỏi thời gian lâu dài”, ông Hòe nói.
Câu chuyện những khu đô thị xả thẳng nước thải từng được báo Tiền Phong đề cập bằng loạt bài phản ánh cách đây không lâu. Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng này hầu như không có gì thay đổi.
---------------------------
TP HCM yêu cầu không mua xe công
Đó là một trong các chỉ đạo nhằm siết chặt chi ngân sách mà UBND TP HCM nhấn mạnh tại văn bản triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015.
Cụ thể, UBND TP HCM yêu cầu các cơ quan không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập).
UBND TP HCM cũng yêu cầu dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách.
Bố trí kinh phí tổ chức đại hội Đảng các cấp, tổ chức các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm thành lập ngành theo tinh thần triệt để tiết kiệm; cắt giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài...
--------------------------
Gần 7.000 cây xanh ở Hà Nội sẽ bị chặt hạ, thay thế
Việc khảo sát, chặt và trồng thay thế hàng nghìn cây xanh ở thủ đô sẽ ngốn hơn 70 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể qua việc khảo sát gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Số cây bị chặt hạ do không thuộc loại cây xanh đô thị (dâu da, vông, trứng cá, xà cừ…).
Ngoài ra, một số cây bị cong, nghiêng, chết và sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông.
Sở Xây dựng cho biết để chặt hạ số cây xanh trên phải huy động 73 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các việc như khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa, hoàn trả vìa hè.
Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m. Các cây sẽ tiếp tục được đánh mã số để làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.
Trước đó, để phục vụ dự án đường sắt trên cao, 146 cây xà cừ trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Nội) đã bị đốn hạ, trong đó 123 cây có đường kính lớn hơn 50 cm, cao 14 - 20 m. Ngoài ra, hàng xà cừ ven hồ Thủ Lệ và một số hàng cây tại đường Láng cũng bị đốn hạ để phục vụ dự án.
Theo lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cây xà đây không phải là cây xanh đô thị. Do thân cao, lớn… đặc biệt là rễ chùm của cây rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến.
Cây xanh ở Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu...
----------------------
Việt Nam, Hội An trong danh sách các nước và thành phố đáng tham quan nhất 2015
Dựa theo số phiếu bình chọn của du khách, tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh Wanderlust đưa Việt Nam và thành phố Hội An vào top các nước và thành phố đáng tham quan nhất trong năm 2015.
Hàng năm, tạp chí du lịch Wanderlust đều có những cuộc khảo sát thường niên dành cho độc giả để tìm ra những điểm đến hấp dẫn nhất, thành phố đáng tới thăm nhất, sân bay quốc tế ấn tượng nhất… Trong cuộc bình chọn cho năm 2015, kết quả được tổng hợp và công bố vào ngày 29/1 vừa qua. Theo đó, Việt Nam và thành phố Hội An đều có tên trong danh sách.
Với kết quả 94.56%, Việt Nam đứng vị trí số 10 trong Top các nước được nhiều du khách quan tâm nhất. Xếp vị trí quán quân là đại diện đến từ châu Úc New Zealand với 97.78%. Trong Top 10 xuất hiện nhiều quốc gia ở châu Phi như Nambia (97.37%), Ethiopia (97.27%), Zambia (96.36%). Đặc biệt, danh sách không có bất kỳ “gương mặt” tới từ châu Âu.
Trong khi đó, Hội An tỉnh Quảng Nam đứng vị trí thứ 5 trong top 10 thành phố được du khách yêu thích nhất với tỷ lệ 94.12%. Thành phố Luang Prabang đạt số phiếu cao nhất: 97.14% và dẫn đầu bảng. Tiếp đó là Bagan - Myanmar (95%); Stockholm - Thụy Điển (94,74%); Kyoto - Nhật Bản (94,29%); Hội An (94,12%); Vancouver - Canada (93,85%); Berlin - Đức (93,51%); Rome – Italy (93,13%); Vienna – Áo (92,86%) và Krakow - Ba Lan (92,5%).
Ngoài ra, cuộc bình chọn còn tìm ra top 10 sân bay thế giới tốt nhất, top 10 hãng hàng không tốt nhất, top 10 tạp chí hướng dẫn du lịch tốt nhất….
-------------------------