Dừng triển khai dự án trên đèo Hải Vân
Ngày 26-11, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế tại mũi Cửa Khẻm, núi Hải Vân là Công ty CP Thế Diệu đã quyết định thống nhất dừng triển khai xây dựng dự án này.
Ông Nguyễn Quê, Phó Trưởng ban phụ trách Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, cho biết dự án bắt đầu dừng triển khai kể từ ngày 26-11. Theo ông Quê, nguyên nhân dừng là do dư luận thời gian qua có quá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vị trí xây dựng dự án. Vì vậy, không những phía Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mà cả chủ đầu tư là Công ty CP Thế Diệu cũng yêu cầu dừng triển khai.
Tuy nhiên, để đi đến thống nhất dừng triển khai dự án, ông Quê cho biết giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và chủ đầu tư đã ngồi lại đàm phán với nhau từ ngày 22-11 đến chiều tối 26-11 mới kết thúc.
“Những buổi cả hai bên ngồi bàn bạc tất nhiên có những vấn đề này khác cần thảo luận nhưng đến nay, phía Công ty CP Thế Diệu chưa có bất kỳ yêu cầu đền bù hay hỗ trợ gì khi phải dừng dự án. Họ cũng không nói nguyên nhân muốn dừng nhưng tôi nghĩ là do dư luận quá nhiều nên họ cũng không muốn triển khai tiếp” – ông Quê giải thích.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế được Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cấp giấy phép đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu trên diện tích gần 200 ha tại mũi Cửa Khẻm, núi Hải Vân vào tháng 10-2013. Công ty này do 4 người mang quốc tịch Trung Quốc đại diện, có trụ sở tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Theo quy định 6 bước triển khai dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, khu du lịch nghỉ dưỡng World Shine – Huế đã được chấp nhận địa điểm nghiên cứu đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa được lập và phê duyệt các dự án đầu tư; chưa tiến hành thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất; chưa cấp phép xây dựng.
Chủ đầu tư đã tiến hành rà phá bom mìn, xây dựng một căn nhà tạm trên núi Hải Vân để chuẩn bị triển khai dự án. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do dư luận lên tiếng về vị trí dự án liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh nên chủ đầu tư đã tạm ngưng mọi công việc.
-------------------------
Ông Trần Văn Truyền mới có dấu hiệu vi phạm về tài sản
Sáng nay 26-11, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động bên hành lang buổi Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 do Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức về việc ông Trần Văn Truyền có dấu hiệu tham nhũng hay không, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói: “Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vụ việc của ông Truyền mới chỉ có dấu hiệu vi phạm về tài sản, về chế độ chính sách của nhà nước thôi”.
Theo ông Tranh, sau khi Ban Bí thư chỉ đạo và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có kết luận, việc thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền đã được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện kịp thời. “Trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng việc này sẽ được thực hiện có kết quả tốt” - ông Tranh nhận định.
Ông Tranh cho rằng bên cạnh việc thu hồi tài sản thì thực hiện theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Bến Tre phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Truyền và xử lý vụ việc theo các quy định của Đảng và Nhà nước. “Chúng tôi là cơ quan cũ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ nên chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin kịp thời cho báo chí và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng” - ông Tranh cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Giles Lever, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết vấn đề của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đã được đưa ra, phanh phui bởi một tờ báo cho thấy vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc phát hiện, đưa lên nghi vấn về tham nhũng.
“Nếu vai trò của báo chí được tăng cường thì bất cứ quan chức nào làm việc gì sai thì sẽ rất sợ bị báo chí phát hiện và đưa lên dư luận. Khi họ nghĩ như vậy thì họ sẽ do dự và bớt tham nhũng đi” - ông Giles Lever nói.
Theo ông Giles Lever, ở nước Anh, những người đang ở trong quá trình nghiên cứu xử lý như vụ việc của ông Trần Văn Truyền , sẽ không bao giờ được bàn đến. “Thế nên trong đối thoại lần này sẽ không bàn đến những trường hợp này bởi nó vẫn đang trong quá trình điều tra” - ông Giles Lever nói và đánh giá cao sự hợp tác của Thanh tra Chính phủ trong suốt 4 năm vừa qua.
-------------------------
Việt Nam - Belarus: Hợp tác trong mọi lĩnh vực
Vào lúc 11 giờ ngày 26-11 theo giờ địa phương, tức 15 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Minsk, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus theo lời mời của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Thủ tướng Cộng hòa Belarus Mikhail Myasnikovich ra tận chân cầu thang máy bay chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Cộng hòa Belarus. Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Minsk với những nghi lễ cao nhất và trọng thị nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Tại Phủ Tổng thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Lukashenko, bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng ngày càng toàn diện; tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Theo TTXVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của mỗi bên vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Theo website chính thức của Cộng hòa Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và được thử thách qua thời gian của Belarus ở Đông Nam Á; Belarus coi phát triển quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại tại châu Á. Tổng thống Alexander Lukashenko nhấn mạnh ngày nay, hai nước đang hợp tác mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực.
Về tình hình biển Đông, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
-------------------------
'Giải tỏa nhà ở quận 1, không được đưa dân xuống tận huyện Bình Chánh'
Đó là lưu ý của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đối với Sở Xây dựng và các quận, huyện về chính sách tái định cư cho người dân trong thời gian tới.
“Không được mù mờ, giấu diếm nữa”
Tại cuộc họp của UBND thành phố vào chiều 26.11, liên quan đến việc di dời, giải tỏa, tái định cư trên địa bàn, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết kể từ khi triển khai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ năm 1996 đến nay), thành phố đã đầu tư xây dựng hơn 35.000 căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư. Theo đó, đã bố trí sử dụng khoảng 26.000 căn hộ và nền đất, hiện còn khoảng 10.000 căn hộ và nền đất chưa bố trí.
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố có khoảng 230 dự án công ích, trọng điểm sẽ triển khai với tổng nhu cầu tái định cư gần 18.000 căn hộ và nền đất.
Ông Tín nêu ra một bất cập, tồn tại trong việc bố trí nhà tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa trong thời gian qua: “Người ta nhà ở quận 1 nhưng lại bị đẩy xuống huyện Bình Chánh ở. Vợ làm một nơi, chồng làm một nơi. Con thì vẫn học ở quận 1. Chạy lui chạy tới rất khổ. Dù là ở tạm cư cũng không được”.
Ông Tín đưa ra quan điểm chung để xử lý nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân có nhà bị giải tỏa trong thời gian tới: “Giải tỏa nhà ở quận 1, không được đưa dân xuống tận huyện Bình Chánh. Nếu trong địa bàn quận không có quỹ nhà đất tái định cư thì bố trí ở các quận lân cận. Không nên đưa người dân đi quá xa nơi ở cũ vì nếu bị đưa đi xa, bà con khổ đủ đường”.
“Để làm được điều này, UBND thành phố giao Sở Xây dựng đứng ra quản lý, điều phối tất cả quỹ nhà, đất tái định cư của thành phố. Từ nay về sau không giao cho quận, huyện quản lý nữa, vì giao cho quận, huyện thì mỗi nơi làm một cách, không ai giống ai”, ông Tín chỉ đạo.
Trước đề xuất của Sở Xây dựng bán bớt một số quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn mà chưa bố trí hoặc chuyển sang nhà ở xã hội để thu hồi vốn để đầu tư tiếp những dự án mới, ông Tín khẳng định: “Hiện tại thì không được bán. Phải rà soát lại kỹ tình hình thực tế quỹ nhà, đất và nhu cầu tái định cư để lo cho người dân cái đã. Lúc nào dư thì mới tính đến chuyện bán. Tinh thần giải quyết là vậy”.
Ông Tín yêu cầu Sở Xây dựng, các quận, huyện phải công bố rõ từng địa chỉ nhà, đất tái định cư để cho người dân biết, lựa chọn “chứ không được mù mờ, giấu diếm nữa”.
Chính quyền không thay mặt tòa án để xử kiện
Chiều cùng ngày, UBND TP.HCM họp bàn với các sở ngành chức năng, 24 quận, huyện để thông qua dự thảo quy chế quản lý nhà chung cư trên toàn địa bàn thành phố.
Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh để ban hành thực hiện từ tháng 1.2015.
Một số nội dung quan trọng của quy chế phải theo nguyên tắc: áp dụng chung cho chung cư thương mại và chung cư tái định cư; cư dân và chủ đầu tư (nếu cũng có sử dụng mặt bằng chung cư) thì đều phải đóng phí quản lý như nhau; người đóng tiền sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý; giữa các bên liên quan nếu không thực hiện đúng cam kết thì sẽ ra tòa án giải quyết “chứ chính quyền không thay mặt tòa án để xử khiếu nại, kiện tụng”…
“Mấy đồng chí nghiên cứu, làm sao đó thì làm nhưng quy định ban hành ra rồi thì phải thực hiện được. Phải lấy hết ý kiến tất cả các quận, huyện và các đơn vị liên quan. Đừng có để ban hành ra rồi mà mọi thứ lại rối thêm nữa”, ông Tín lưu ý với lãnh đạo Sở Xây dựng, là cơ quan soạn thảo quy chế.
-------------------------