Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Giữ nguyên hiện trạng biển Đông!
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định như vậy bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 20-8
* Phóng viên: Xin bộ trưởng cho biết kết quả chuyến làm việc đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tại Trung Quốc vừa qua do ông dẫn đầu?
- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Phía bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. Mục đích của chuyến đi là hai bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước.
Hai bên thống nhất với nhau là tranh chấp thì phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình còn quân đội thì phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; tránh không để xảy ra xung đột và va chạm vũ trang trên biển. Hai bên thống nhất ký một bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai bộ trưởng quốc phòng để khi có tình huống va chạm, vụ việc xảy ra trên biển thì hai bên có thể gọi để trao đổi với nhau, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột. Hai bên thống nhất với nhau là phải kiểm soát tốt biên giới để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, làm ăn hợp pháp.
Tôi cũng đề nghị phía Trung Quốc sớm dỡ bỏ cảnh báo về du lịch để nhân dân hai nước đi lại giao lưu và hoạt động du lịch phát triển, qua đó hoạt động hàng không cũng phát triển, như thế thì mới tăng cường sự tin cậy giữa hai bên.
* Hai bên có nêu chuyện Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không?
- Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng. Trên biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) theo tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Nói chung là bên bạn ghi nhận ý kiến của Việt Nam.
* Họ có đưa ra một cam kết, lời hứa nào về việc giữ nguyên hiện trạng như thế này?
- Hứa thì không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC - nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đều là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, bảo đảm điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên, nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.
* Nhiều chuyên gia nêu ý lo ngại hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình hành một căn cứ quân sự tấn công. Điều đó đe dọa mối an ninh hàng hải trong khu vực. Cảnh báo đó có đáng suy nghĩ, lo ngại, thưa ông?
- Đó là các nhà nghiên cứu dự báo thôi chứ còn đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả. Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực.
-------------------------
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp"
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Trong khi đó, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước QH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri và nhân dân mong muốn nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân như thời gian qua.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiềm lực quốc phòng an ninh và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được tăng cường… “Kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên bên lề QH, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng trong thời đại ngày nay, thông tin mọi mặt về tình hình đất nước được cập nhật liên tục bằng nhiều cách, trong đó có cả những thông tin “nhiễu loạn”, chưa được kiểm chứng, không chính thống. Chính vì thế, người dân lo lắng, hoang mang, thậm chí là mất lòng tin. Cụ thể, đối với vấn đề biển Đông, người dân cũng cần được thông tin đầy đủ, minh bạch tất cả những gì có thể minh bạch, giữ được lòng tin để người dân có thể tin cậy việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà Chính phủ được giao phó.
Cũng theo ĐB Dương Trung Quốc, trong bài phát biểu, báo cáo được trình bày tại QH sáng 20-10 đã nêu đích danh “Trung Quốc” quanh các cuộc gây hấn trên biển Đông gần đây, qua đó cho thấy không hề có sự rụt rè, đồng thời đưa ra những cảnh báo lo ngại không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực. “Chính phủ cũng chủ động đưa vào chương trình kỳ họp nội dung báo cáo về biển Đông, tôi cho là rất đúng” - ông nhìn nhận.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) - Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - ngày 25-10 tới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước QH về tình hình biển Đông, trong đó có nội dung việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng việc xây dựng đường băng ở quần đảo Trường Sa là vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Đây cũng là nơi mà Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng trái với luật pháp quốc tế. “Tôi cho rằng Trung Quốc tiến hành việc xây dựng và mở rộng công trình khu vực Trường Sa hoàn toàn vì mục đích quân sự và tham vọng độc chiếm biển Đông” - ĐB Rinh nói.
Ông bày tỏ: “Tôi và nhiều đại biểu QH khác rất muốn được biết đầy đủ thông tin về tình hình Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa như họ xây những công trình gì, quy mô, mục đích ra sao và ảnh hưởng đến hàng hải, hàng không quốc tế như thế nào. Đặc biệt, chúng tôi muốn nghe giải pháp của Chính phủ về vấn đề này”.
-------------------------
Đặt vấn đề về giàn khoan, xây dựng ở Trường Sa với Trung Quốc
Ngày 20-10, bên lề phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XIII, trả lời phóng viên Báo Người Lao động, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết trong chuyến làm việc của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tại Trung Quốc vừa qua do ông dẫn đầu, hai bên đã thống nhất phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Quân đội phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực và tránh không để xảy ra xung đột và va chạm vũ trang trên biển.
Trong chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai bộ trưởng Quốc phòng để khi có tình huống, va chạm, vụ việc xảy ra trên biển, hai bên có thể trao đổi được với nhau, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Việt Nam và Trung Quốc thống nhất phải kiểm soát tốt biên giới để xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, làm ăn hợp pháp.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị phía Trung Quốc sớm dỡ bỏ cảnh báo về du lịch để nhân dân hai nước đi lại giao lưu. "Hoạt động du lịch phát triển thì hoạt động hàng không cũng phát triển, như thế thì tăng cường hữu nghị và mới tăng cường sự tin cậy giữa hai bên" - Đại tướng nói.
Trả lời câu hỏi về việc trong chuyến thăm có nêu ra việc phía Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, Bô trưởng Phùng Quang Thanh cho biết hai bên đã có trao đổi. "Giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên Biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) theo tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam" - Đại tướng cho biết.
Cho biết phía Trung Quốc không đưa ra một cam kết hay lời hứa về việc giữ nguyên hiện trạng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định nhìn chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC, nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết mục đích của chuyến đi là 2 bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước. "Quan trọng nhất là thoả thuận hai bên phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hoà bình và kiểm soát cho được hoạt động của lực lượng vũ trang hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển" - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
-----------------------
12 quan chức Bộ Tài chính nộp lại quà tặng
Sáng 20/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu.
“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”- nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội sáng 20/10.
Khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, báo cáo Chính phủ do Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày sáng nay đã nhìn nhận Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn được nhìn nhận là diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Sau 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng. Về trách nhiệm, Thanh tra các cấp cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ.
Tỷ lệ thu hồi tài sản đạt gần 65% (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng). Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.
Năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng.
Tổng Thanh tra cũng nhìn nhận việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức.
Những tồn tại, theo báo cáo Chính phủ, là việc rà soát các văn bản thực thi pháp luật còn thấp, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời, công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập…
-------------------
Thầy giáo vượt mặt 3 cục phó, trúng tuyển cục trưởng
Vượt qua 3 cục phó, một hiệu trưởng, ông Hoàng Hồng Giang (Phó trưởng khoa Công trình trường Đại học Hàng hải) đã trúng tuyển Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa.
Bộ Giao thông Vận tải vừa thông báo kết quả cuộc thi tuyển Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, theo đó ông Hoàng Hồng Giang, Phó trưởng khoa Công trình trường đại học Hàng hải Việt Nam đạt 82,60 điểm.
Theo sát ông Giang là ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đạt 82,43 điểm; ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam 80,93 điểm; ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam 80 điểm; ông Trần Đức Hải, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam 77,67 điểm; ông Chu Xuân Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT III 74,82 điểm.
Theo thể lệ cuộc thi được Bộ thông báo, mỗi người dự thi có tối đa 60 phút bảo vệ đề án về chương trình hành động của mình trước Ban Giám khảo và 180 phút trả lời câu hỏi của các giám khảo. Điểm số được tính theo thang điểm 100 và là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo. Người có điểm số cao nhất sẽ trúng tuyển.
Được biết, trong phần thi của mình, ông Hoàng Hồng Giang đã đưa ra 11 giải pháp tái cơ cấu toàn diện ngành Đường thủy nội địa Việt Nam.
Ông Giang cũng thể hiện được những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đường thuỷ đã tích luỹ được trong quá trình học tập, làm việc với các đối tác nước ngoài về phát triển vận tải thủy nội địa.
Ông Giang cam kết, nếu trúng tuyển và được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng sẽ chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ Giao thong về thực hiện các giải pháp và chương trình hành động đã đề ra.
-----------------------