Trung Quốc xây dựng khu dân cư trái phép trên đảo Cây thuộc Hoàng Sa
Theo Tân Hoa Xã, từ ngày 16/11, Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng Dự án công trình nhà ở cho ngư dân Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong ngày 16/11, Trung Quốc đã cho tàu thuyền chở vật tư xây dựng lên đảo Cây để phục vụ cho xây dựng công trình này.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng khu nhà ở trên đảo Cây với diện tích xây dựng là 5.504 m2. Trong giai đoạn đầu của dự án này, Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng 27 căn nhà trên đảo Cây.
Xinhua cho biết, mục đích của việc thực hiện công trình xây dựng này nhằm nâng cao điều kiện sống cho ngư dân Trung Quốc đồn trú trên đảo, phục vụ đánh bắt cá và duy trì chủ quyền cho Trung Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Việt Nam khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên có các hoạt động xây dựng trái phép nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.
-------------------------
Bộ trưởng Tài chính: Khó điều hành giá sữa
Thừa nhận việc điều hành giá sữa khá khó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có công văn gửi Bí thư các tỉnh, chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp làm việc này.
Sáng nay 18/11, trả lời đại biểu Lê Đình Khanh về giá sữa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có quyết định về điều hành giá sữa, trong đó công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa.
Đây là việc làm rất khó, báo cáo với Quốc hội, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bí thư các tỉnh, chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp làm việc này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Thông tin từ Bộ trưởng cho hay, đến nay, chúng ta đã công bố giá tối đa 182 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá sữa so với thời điểm trước khi quản lý có những mặt hàng đã giảm đến 34%.
Theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính: “Đây là việc làm chúng tôi thấy rất hiệu quả và qua đây chúng tôi thấy, kể cả quản lý giá, chống buôn lậu gian lận thương mại, không thể thực hiện được tốt hơn nếu như chúng ta phối hợp giữa các ban ngàng địa phương cũng như chưa vào cuộc thực sự của các cấp ủy chính quyền đại phương quản lý địa bàn cua mình”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Qua việc chống thất thu thuế, việc phối hợp với chính quyền cấp ủy địa phương, quản lý giá, rồi việc chống buôn lậu gian lận thương mại, việc huy động vào cuộc một cách đồng bộ mới đảm bảo công tác bình ổn giá sữa đạt được kết quả tốt hơn.
Xăng liên tục giảm nhưng giá vận tải không xuống
Đề cập tới giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trương điều hành theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số mặt hàng quan trọng như điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Về giá xăng dầu, trước ngày 1/11/2014, thực hiện theo Nghị định 84, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu. Trong 10 tháng vừa qua, điều hành tăng giảm 25 lần giá xăng dầu theo tín hiệu của thị trường.
Còn từ 1/11/2014, việc điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp điều hành giá xăng dầu.
“Trong tháng 11, chúng tôi đã phối hợp với nhau tương đối nhuần nhuyễn. Thời gian vừa qua giảm giá hai lần dưới 15 ngày là tuân theo tín hiệu thị trường, do giá xăng dầu thế giới giảm nhanh”. Bộ trưởng nói.
Chốt phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá về công tác điều hành giá theo cơ chế thị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Việc quản lý bình ổn giá như trình bày của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta thực hiện tốt công tác điều hành giá như Quốc hội đã ban hành. Quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước, bình ổn những mặt hàng thiết yếu gắn với đời sống của nhân dân, đảm bảo đời sống cho nhân dân. Chúng ta chống lạm phát được rồi nhưng chúng ta bình ổn giá là một biện pháp để đảm bảo giá cả hợp lý, thiết thực đối với đời sống nhân dân.
“Nay giá xăng xuống nhiều lần nhưng giá cước vận tải không xuống. Mai kia chắc Bộ trưởng Thăng sẽ có giải pháp tích cực hơn. Cho nên tính hài hòa, tính đồng bộ và sự phối hợp của chúng ta trong chính sách và thực hiện chính sách cũng còn có vấn đề. Xăng giảm liên tục nhưng vận tải không xuống, còn trước đây, tăng xăng tôi thấy cắt tóc cũng tăng giá, bán rau cũng tăng giá nhưng hiện nay, vận tải không xuống nên việc điều hành giá là rất khó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Và theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Kinh tế thị trường rất khó. Định hướng xã hội chủ nghĩa cũng rất khó. Xin Bộ trưởng lưu ý”.
--------------------------
Tỷ phú Thái thâu tóm siêu thị Metro và “bốn chân rết” ở Việt Nam
Được biết nhiều đến sau vụ thâu tóm siêu thị Metro Việt Nam; mới đây tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan Chareon lại tiếp tục gây xôn xao khi dự định muốn mua hãng Bia Sài gòn. Tuy nhiên, ít ai biết ông này đã “ăn cơm Việt” từ lâu rồi.
Khởi điểm kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay thế lực của ông chủ các tập đoàn tư bản Thái Lan này đã thể hiện rất rõ ở 4 lĩnh vực thế mạnh: sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp thực phẩm, sản xuất đồ uống, khách sạn lữ hành và bán lẻ.
Thức ăn chăn nuôi
Dấu ấn đầu tiên của tỷ phú Chareon tại Việt Nam là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Năm 1993, ông này thành lập Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi C.P - thuộc Tập đoàn C.P mà Chareon làm chủ sở hữu. Không lâu sau khi vào Việt Nam, C.P bắt tay vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau khi gặt hái được nhiều thành công, C.P tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm và mới đây là thủy sản.
Với thế mạnh về kinh nghiệm, chỉ trong thời gian ngắn, C.P đã có tên tuổi trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam và trở thành “cá mập” trong ngành này khi kiểm soát gần 60% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Điều đáng nói, C.P không chỉ mạnh ở sản xuất thức ăn chăn nuôi mà C.P còn dấn sâu vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm khi 9 nhà máy của công ty này đều theo mô hình nhà máy kép (sản xuất thức ăn chăn nuôi + chăn nuôi) và cho ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng của công ty này trên thị trường. Không dừng lại ở đó, tỷ phú Thái còn đặt tham vọng dấn thân vào chuỗi giá trị của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam khi tháng 5/2014 C.P quyết định nuôi tôm tại Huế sau khi đã thành công tại Cà Mau, Bình Định.
Khách sạn, địa ốc
Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng cũng là thế mạnh của tỷ phú Chareon. Tập đoàn của tỷ phú Charoen thông qua công ty con của mình là TTC Land sở hữu khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế là Melia Hà Nội. Hiện đây là 1 trong 5 khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội và trong vòng ba năm trở lại đây, Melia luôn đạt doanh thu trên 20 triệu USD và lợi nhuận trước thuế khoảng 10 triệu USD.
Điều đặc biệt, không chỉ sở hữu hai tòa tháp khách sạn Melia lớn nhất nhì tại Hà Nội, tỷ phú Thái còn sở hữu hai khách sạn khác tại Hà Nội là Fraser Suites và cao ốc văn phòng tại TP HCM Melinh Point Tower.
Lĩnh vực kinh doanh khách sạn, địa ốc cao cấp cũng là thế mạnh của tỷ phú Thái Lan trên thương trường quốc tế khi ông này có hàng tá những khách sạn lớn nhỏ tại Thái lan, Mỹ, Úc và Châu Á như: Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ) hay chuỗi cửa hàng Sushi Oishi tại Nhật Bản…
Xâm lấn ngành bán lẻ
Bán lẻ có lẽ để lại dấu ấn nhiều nhất của tỷ phú Chareon tại Việt Nam. Đầu tiên đó là việc mở rất nhiều cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng C.P để bán thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Năm 2013, ông này cũng bỏ khoản tiền lớn để mua lại chuỗi bán lẻ của công ty liên doanh Nhật Bản - Việt Nam là Family Mart, đổi tên thành B’Mart để chủ yếu cung ứng hàng Thái Lan vào thị trường TP HCM.
Đặc biệt, thương vụ đình đám gây ồn ào dư luận nhất là việc tỷ phú Chareon mới đây đã bỏ ra gần 900 triệu USD mua đứt 19 chi nhánh đại siêu thị Metro Việt Nam. Đây là thương vụ rất “lời” của tỷ phú Thái bởi lẽ 19 địa điểm siêu thị Metro trên toàn quốc đều nằm tại các khu đất vàng ven thành phố, án ngữ nhiều trục giao thông chính vừa thuận lợi chu chuyển hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng hiện diện với người tiêu dùng và có thể chuyển đổi mục đích đầu tư bất cứ lúc nào.
“Để mắt” tới quá trình tái cơ cấu của Việt Nam
Bên cạnh đầu tư kinh doanh trực tiếp và phát triển mạnh hệ thống phân phối, tỷ phú Chareon cũng không bỏ qua những thương vụ mua bán hoặc cổ phần hóa của các công ty lớn tại Việt Nam. Mới đây, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã nằm trong đích ngắm ấy. Tháng 9/2014 công ty con của BJC là Fraser and Neave Dairy Investments đã quyết định cho 1.800 tỷ đồng để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ 9,5% lên 11% tại Vinamilk. Với việc nắm giữ 11% cổ phần, F&N nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược của Vinamilk.
Mới đây công ty Thaibev thuộc BJC cũng tỏ rõ ý định mua lại cổ phần (dự kiến là 53%) tại hãng bia Sài Gòn (Sabeco) khi công ty này thực hiện kế hoạch cổ phần hóa. Mặc dù cái bắt tay giữa Thaibev và Sabeco chưa có kết quả cuối cùng, nhưng với tiềm lực hãng bia số 1 tại Thái Lan của Thaibev và nhu cầu chọn lựa một đối tác vừa có tiềm lực lại có kinh nghiệm của bia Sài Gòn thì rất có thể đề nghị của Thaibev sẽ sớm nhận được cái gật đầu của Sabeco.
Việc 4 “chân rết” của tỷ phú Thái cắm sâu vào thị trường Việt Nam cho thấy Việt Nam đang là sự lựa chọn lý tưởng không chỉ của các ông trùm tư bản Âu - Mỹ hay Đông Bắc Á mà còn ở cả các nước đang phát triển chỉ nhỉnh hơn chúng ta về trình độ.
--------------------------
Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá
Sau hơn một tháng giữ ổn định, giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại từ đầu tuần bất ngờ có sự biến động. Cơ quan quản lý cho biết sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết nhằm ổn định thị trường.
Giá mỗi đôla Mỹ bán ra chiều nay đã vượt 21.400 đồng, tăng trên 50 đồng so với cuối tuần trước. Tại Vietcombank, giá USD mua vào là 21.360 đồng, bán ra ở 21.420 đồng, tăng 70 đồng với cuối tuần qua và chỉ còn cách mức trần cho phép 38 đồng.
Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước nhận định tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin đồn cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh tỷ giá và một số tổ chức tín dụng có nhu cầu mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái vào dịp cuối năm.
Tuy vậy, trên cơ sở đánh giá tổng thể về cung cầu ngoại tệ và các yếu tố trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có lý do để điều chỉnh tỷ giá.
Theo nhà điều hành, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực trong khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối đều tăng so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục diễn biến khả quan dịp cuối năm.
Trên thị trường ngoại tệ, doanh số giao dịch, hoạt động mua bán ngoại tệ không có sự đột biến. Hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng tổ chức và cá nhân.
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kể cả sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết", thông cáo báo chí phát đi tối nay cho biết.
Đầu tháng 10/2014, cũng do tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá mà giá USD trên thị trường đã tăng tới hơn 70 đồng. Tuy nhiên, sau khẳng định của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng rằng sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, giá USD ngay lập tức quay đầu giảm.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội ngày 30/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết năm nay ngành ngân hàng có thể không dùng hết biên độ điều chỉnh tỷ giá 2%. Dự trữ ngoại hối cũng được nhà điều hành thông tin là cao nhất từ trước đến nay, đạt khoảng 35 tỷ USD.
-------------------------
Cá tra, basa Việt lại bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam (sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này). Theo đó, ít nhất 5 năm nữa, cá tra, cá basa Việt Nam sẽ vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong khuôn khổ quy trình rà soát lần thứ hai lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá, ITC đã biểu quyết tuyệt đối, khẳng định nguy cơ tiếp diễn hoặc tái diễn thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hoá trong nước, nếu như Mỹ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá (đang được áp dụng đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam). Quyết định của ITC cũng dựa trên kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đó.
-------------------------