Quan điểm Việt Nam về vụ kiện của Philippines lên tòa quốc tế
Ngày 11/12, trả lời câu hỏi của báo giới đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Văn kiện lập trường ngày 7/12 của Chính phủ Trung Quốc về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
-------------------------
Giữ nguyên hàm tướng đã phong cho giám đốc Công an tỉnh
Trả lời báo chí một số Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm tướng có gì mâu thuẫn với Luật Công an nhân dân quy định trần chức vụ này là Đại tá, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết: Bên cạnh việc điều động, luân chuyển cán bộ cho phù hợp, sẽ giữ nguyên hàm tướng với những người đương nhiệm.
Sáng 11/12, tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố luật Công an nhân dân (CAND), Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho biết, Điều 24 của Luật quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo đúng chỉ đạo, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tương quan giữa CAND và quân đội nhân dân. Luật sửa đổi quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (kể cả chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương). Các vị trí, chức vụ cấp phó có trần cấp bậc hàm Thiếu tướng được quy định rõ số lượng. Ở địa phương, luật quy định chức vụ Giám đốc Công an Hà Nội, TPHCM có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, có không quá 3 Phó giám đốc có trần cao nhất là thiếu tướng/mỗi địa phương. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố khác có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Về trần quân hàm Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội, TPHCM) cao nhất đến Đại tá nhưng thực tế nhiều giám đốc Công an tỉnh, thành phố đang là cấp tướng sẽ xử lý thế nào, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho hay: Quốc hội đã thông qua luật thì phải chấp hành. Quốc hội không đồng tình với đề xuất quy định Giám đốc công an một số tỉnh, thành phố khác là Thiếu tướng. Ý kiến khác biệt như vậy là bình thường. Đối với những Giám đốc Công an tỉnh đang mang hàm Thiếu tướng sẽ có thể điều động, luân chuyển đến vị trí phù hợp hơn. “Về nguyên tắc, người đã được phong tướng rồi được giữ nguyên cấp quân hàm đã nhận vì việc phong, thăng là đúng quy định, quy trình. Nếu xác định cán bộ đó xứng đáng làm giám đốc thì vẫn bố trí để các đồng chí đảm nhiệm chức danh đó”, ông Hiếu khẳng định.
Trình bày những điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam công bố cùng ngày, Trung tướng Mai Quang Phấn - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: Điều 15 quy định xoay quanh vấn đề cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sỹ quan. Nguyên tắc là quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng hàm cấp tướng; đảm bảo số lượng cấp tướng của quân đội không vượt quá 415 người. Theo quy định quân đội có thể có 3 Đại tướng đối với chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội và Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị.
Về Luật Căn cước công dân, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII - Bộ Công an, khẳng định: Sẽ tiếp tục cấp CMND 9 số và 12 số song hành cho tới khi có thẻ căn cước công dân. Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Luật Căn cước công dân quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Từ 1/1/2020, công dân sẽ được cấp toàn bộ căn cước công dân theo công nghệ mới.
-------------------------
Thiếu quy định về kiểm định ban đầu thiết bị y tế nhập khẩu
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội đồng thời là Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thiết bị y tế là dụng cụ phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ. Vì vậy, việc kiểm định ban đầu các thiết bị y tế là rất cần thiết.
“Một khi thiết bị đó có tiếp xúc trực tiếp hoặc lấy mẫu trực tiếp từ bệnh nhân nhưng bị sai số, cho ra chỉ thị sai, phân tích không đúng làm bác sĩ chỉ định sai trong điều trị và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh”- bà Lan nói. Thực tế chưa có quy định nào về việc kiểm định ban đầu các thiết bị nhập khẩu này.
PGS Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, thời gian vừa qua cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều thiết bị “vỏ Tây ruột Tàu” kém chất lượng, đủ cho thấy việc quản lý mặt hàng này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Điều này vô hình trung sẽ làm cho chất lượng chẩn đoán không chính xác kéo theo việc điều trị cho người bệnh bị ảnh hưởng. Và người bệnh sẽ chịu thiệt thòi nhất.
“Nhiều năm nay đã xuất hiện tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán của bệnh viện này lại không được bệnh viện khác thừa nhận, có lý do là nghi ngờ chất lượng thiết bị xét nghiệm của nhau”- PGS Lan nói. Theo bà Lan, cũng có một vài nơi kết hợp theo kiểu xã hội hóa, đặt thiết bị máy móc xét nghiệm, chẩn đoán để ăn chia nên cũng có thể bắt người bệnh phải làm xét nghiệm tại bệnh viện mình.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Xuân Bính - Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam cho rằng, thiết bị máy móc cũ, kém chất lượng... ngoài gây chậm kết quả xét nghiệm còn là nguyên nhân tạo nên rủi ro cho người bệnh do cho ra những kết quả không chính xác. Vì vậy, theo ông nếu không kiểm tra, giám sát chất lượng trang thiết bị y tế thì khó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Một bác sĩ công tác tại một bệnh viện công ở quận 5, TPHCM cho biết, kỹ thuật viên và bác sĩ chỉ biết sử dụng máy móc để cho ra kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán mà họ không hề hay biết chất lượng của máy như thế nào. “Khi máy hỏng thì chúng tôi báo với lãnh đạo còn việc lắp đặt, máy sản xuất ở đâu, ai trúng thầu và cơ chế bảo hành, kiểm định như thế nào thì chúng tôi không được biết”- bác sĩ này nói.
-------------------------
Bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở biển Đông..."
Ngày 11/12, trả lời câu hỏi của báo giới đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Văn kiện lập trường ngày 7/12 của chính phủ Trung Quốc về vụ kiện Trọng tài biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện Trọng tài biển Đông, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa Trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa Trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
-------------------------