Tổng thống Myanmar ủng hộ VN đầu tư viễn thông
Tiếp Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son sáng nay tại thủ đô Naypyidaw, Tổng thống Thein Sein khẳng định Myanmar hoàn toàn ủng hộ doanh nghiệp 2 nước trong mọi lĩnh vực, nhất là viễn thông, CNTT sang tìm hiểu thị trường để tăng cường hợp tác và phát triển.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng đoàn công tác đang ở thăm, làm việc tại Myanmar.
Tổng thống Thein Sein khẳng định, Myanmar và VN đã có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Tại Myanmar hiện nay đã có một số công ty VN sang tìm hiểu và đầu tư, trong đó có doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin lớn.
Tổng thống nhấn mạnh, do mới mở cửa nên lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin của Myanmar chưa phát triển so với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, chắc chắn thời gian tới Myanmar sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Mới đây, Myanmar đã tổ chức đấu thầu quốc tế trong lĩnh vực viễn thông và đã có những công ty của VN tham gia.
Tổng thống nhấn mạnh, năm 2010 hai nước Việt Nam - Myanmar đã kỷ thỏa thuận hợp tác trên 12 lĩnh vực, trong đó có công nghệ thông tin, viễn thông. "Myanmar hoàn toàn ủng hộ doanh nghiệp 2 nước trong mọi lĩnh vực, nhất là viễn thông, CNTT sang tìm hiểu thị trường để tăng cường hợp tác và phát triển", ông nói.
Thông qua Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Tổng thống Thein Sein cũng gửi lời cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giúp Myanmar trong thực hiên nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2014.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son gửi lời chào của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Tổng thống Thein Sein và chúc Myanmar ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Bộ trưởng thông báo với Tổng thống, năm 2013, tổng doanh thu dịch vụ toàn ngành viễn thông VN đạt 9,9 tỷ USD, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 37 tỷ USD, đóng góp 25% GDP. Ông bày tỏ mong muốn Myanmar sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp viễn thông và CNTT VN có giấy phép cho các dự án đầu tư vào Myanmar, cùng với các doanh nghiệp Myanmar tạo ra thị trường viễn thông và CNTT năng động.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng đoàn công tác đã có buổi trao đổi với Bộ Truyền thông và công nghệ thông tin và Bộ Thông tin Myanmar. Ông khẳng định, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT và phát thanh, truyền hình của VN sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Myanmar theo đúng quy định.
-----------------------
Hà Lan sẵn sàng chia sẻ công nghệ, nguồn lực với Việt Nam
Sáng 22-9, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hội kiến với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước và mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực ở một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu. Từ đó có thể tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ qua chuyến công tác này của đoàn, hai bên sẽ đạt những kết quả quan trọng trong cuộc họp liên chính phủ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình như Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực giáo dục; thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình hợp tác giữa hai chính phủ, giữa các doanh nghiệp và giữa các trường đại học, viện nghiên cứu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và đại diện cộng đồng gần 20.000 kiều bào tại đây. Phó Thủ tướng chúc bà con kiều bào xây dựng cuộc sống tốt đẹp tại nước sở tại và luôn hướng về quê hương, đất nước.
-----------------------
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ phát biểu tại Liên Hợp Quốc
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chuẩn bị tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp 69 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Phiên thảo luận thường niên dự kiến diễn ra từ ngày 22/9 đến 7/10 tại New York, Mỹ, cổng thông tin điện tử chính phủ cho hay. Các nước tham gia sẽ tập trung trao đổi về những điểm nóng, khủng hoảng, tình hình nội chiến và xung đột khu vực, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Các quốc gia cũng thảo luận về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cùng nhiều vấn đề khác như tự do thương mại, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giáo dục, cải tổ Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao về khí hậu. Theo Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu không phải vấn đề xa xôi mà nó đang xảy ra và đã có nhiều hậu quả thực tế đến kinh tế, đời sống người dân. Hội nghị được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tổ chức nhằm thúc đẩy các bên tham gia có biện pháp thích hợp như giảm lượng khí thải để ngăn chặn tình trạng trên.
Phó Thủ tướng còn dự nhiều hội nghị khác trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ không chính thức, và gặp làm việc với Tổng Thư ký Ban Ki-moon.
-----------------------
Chủ tịch UBND TPHCM giao quyền xử phạt, cưỡng chế vi phạm hành chính
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa ký quyết định 4587/QĐ-UBND về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, chủ tịch Lê Hoàng Quân giao quyền cho các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố được thực hiện các quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác về xử lý vi phạm hành chính theo lĩnh vực công tác được phân công tại Quyết định số 4069/QĐ-UBND ngày 18-8- 2014 về phân công công tác các thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và theo các chỉ đạo, phân công đột xuất, không thường xuyên khác của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
Việc giao quyền có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định này và chấm dứt khi có quyết định giao quyền khác của Chủ tịch UBND Thành phố, hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo quyết định, trong phạm vi giao quyền nêu trên, các Phó Chủ tịch được giao quyền ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về những quyết định của mình.
Quyết định này thay thế Quyết định số 4312/QĐ-UBND ngày 12-9-2011 của UBND TPHCM.
-----------------------
Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 tăng 1,13%
Ngày 22/9, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 9/2014 tăng 1,13 % so với tháng trước.
Chỉ số này tăng 3,16% so với tháng 9/2013 và tăng 2,41% so với tháng 12/2013.
Theo đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng này, có nhiều nhóm hàng tăng đột biến đã làm chỉ số CPI tăng cao.
Theo đó, nhóm hàng tăng cao nhất trong tháng Chín là giáo dục với mức tăng 19,02% so với tháng trước.
Nguyên nhân nhóm giáo dục tăng vì tháng này là mùa cao điểm mua sắm các sản phẩm phục vụ mùa khai giảng học mới.
Tiếp theo lần lượt các mặt hàng thuộc nhóm hàng tăng gồm thiết bị và đồ dùng thiết bị tăng 0,39% so với tháng trước; may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,30%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%.
Tuy nhiên, trong tháng Chín, có nhiều nhóm hàng giảm sâu so tháng trước như giao thông vận tải (giảm 2,03%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 0,55%); ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,20%); dược phẩm và dịch vụ y tế (giảm 0,04%).
Đặc biệt, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ có mặt hàng lương thực tăng 0,10% so với tháng trước, trong khi các mặt hàng còn lại gồm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình đều giảm.
Ngược chiều với chỉ số CPI, chỉ số giá vàng tháng 9/2014 giảm 0,93% so với tháng trước; tương tự chỉ số tỷ giá USD cũng giảm 0,03%./.
-----------------------
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trước khi sân bay Long Thành hoàn tất
UBND TP. HCM vừa có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, sân bay Tân Sơn Nhất công suất khoảng 20 triệu lượt khách/năm, nằm trong khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, hệ thống giao thông kết nối thường xuyên quá tải. Nếu nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm thì sân bay Tân Sơn Nhất phải mở rộng về phía Bắc, bồi thường giải phóng mặt bằng thêm 641ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 9.152 tỷ USD.
Thế nhưng với quy mô mở rộng này, giao thông xung quanh sân bay sẽ ùn tắc nghiêm trọng trên diện rộng. Vì vậy, theo UBND TP. HCM, việc đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không phải là giải pháp hiệu quả và thống nhất với Bộ GTVT triển khai dự án xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mặt khác, theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, ước tính quy mô hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất tối đa là 25 triệu lượt khách/năm, đến năm 2016 - 2017 sẽ mãn tải. Trong khi đó, phải đến năm 2023 sân bay Long Thành mới đưa vào khai thác.
Trong sáu năm (2017-2023), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM. Do đó, UBND TP. HCM đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh tiến độ, đặt mục tiêu hoàn thành, đưa sân bay Long Thành đi vào khai thác sớm hơn.
-----------------------
Cuối năm 2015, giải tán tất cả các chợ tự phát
UBND TPHCM vừa có chỉ thị 26/2014/CT-UBND chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, thành phố giao UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch chấn chỉnh và biện pháp giải tỏa dứt điểm các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường và khu vực xung quanh chợ. Đến cuối năm 2015, kiên quyết giải tỏa các chợ tự phát đang tồn tại trên địa bàn quản lý, đồng thời, phải thực hiện việc giải tán ngay các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường phát sinh mới.
Ngoài ra, chỉ thị yêu cầu các sở ban ngành tùy chức năng nhiệm vụ phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Phải truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với nông sản, thực phẩm không đảm bảo an toàn
Thiết lập và vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại đối với nông sản thực phẩm trong các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh nông sản thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối; kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh thú y, thủy sản đối với hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật và thủy hải sản trên thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy hải sản.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nông sản thực phẩm vào Thành phố. Xử lý nghiêm đối với kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ thị cũng yêu cầu phải quy hoạch tất cả các khu chế xuất và khu công nghiệp đều có đất dịch vụ đảm bảo địa điểm bố trí cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đạt chuẩn, các doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 suất ăn thì vận động thành lập bếp ăn tập thể tại chỗ.
Vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng suất ăn, tổ chức bếp ăn tập thể nhằm đảm bảo suất ăn được an toàn cho người lao động.
Các trường học không được bán các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không để các cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp suất ăn cho các trường học.
Thành phố cũng vận động người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm.
-----------------------
Kiểm điểm KSV ngồi uống cà phê với đương sự
Ngày 22-9, thông tin từ Ban Nội chính tỉnh Long An cho biết ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc kiểm sát viên (KSV) Trương Văn Vũ
(VKSND huyện Châu Thành, người giữ quyền công tố trong phiên xử một vụ tai nạn giao thông đường thủy) ngồi uống cà phê với ông Phạm Thanh Sang (người liên quan trong vụ án) trước phiên xử, cơ quan này đã yêu cầu VKSND tỉnh Long An và VKSND huyện Châu Thành làm rõ những vấn đề báo nêu.
Sau đó VKSND tỉnh Long An đã họp, yêu cầu KSV Trương Văn Vũ giải trình. Vừa qua, VKSND tỉnh Long An đã có công văn trả lời Ban Nội chính là đã tiến hành kiểm điểm KSV Vũ, đồng thời ra văn bản chấn chỉnh cán bộ trong ngành trong khi giao tiếp với các đương sự. Còn về việc vì sao không khởi tố ông Sang (người bị tòa và luật sư cho rằng có dấu hiệu phạm tội - NV) thì VKS cho biết hiện bản án sơ thẩm đã có kháng cáo nên chờ cấp phúc thẩm xem xét.
Theo một lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh Long An, KSV Vũ giải trình do khát nước mới tới quán cà phê ngồi, vô tình ông Sang đi ngang vào uống nước rồi bỏ đi. “Dù việc ngồi chung này có chủ đích hay không thì ngồi như vậy cũng không đúng. Gặp phải đúng nơi, đúng chỗ” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 26-8, TAND huyện Châu Thành đã phạt Võ Văn Quốc tám năm tù tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, Đặng Ngọc Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. tòa còn yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Sang (chủ sà lan gây tai nạn) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy dù trước đó VKS đã từng nhiều lần từ chối, cho rằng ông Sang không phạm tội.
ngay đầu phiên tòa này, luật sư của gia đình nạn nhân đã yêu cầu HĐXX phải hoãn xử để thay đổi KSV Vũ. Theo luật sư, trước giờ xử KSV Vũ đã ngồi uống cà phê với ông Sang tại một quán cà phê cách tòa án vài căn nên sẽ dễ dẫn đến không khách quan. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư.