Dịch vụ chuyển tiền qua Facebook và Google+ xuất hiện ở Việt Nam
Techcombank vừa triển khai dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội Facebook và Google+. Đây là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam cung cấp dịch vụ này.
Theo thông tin từ Techcombank, tính năng chuyển tiền qua mạng xã hội Facebook và Google+ được áp dụng cho các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS (phiên bản 6.1 trở lên) hoặc Android (phiên bản 4.1 trở lên). Người dùng cần đến quầy giao dịch Techcombank đăng ký và tải ứng dụng “F@st Mobile” miễn phí từ kho ứng dụng của Apple Store hoặc Google Play về điện thoại để có thể sử dụng những dịch vụ này.
Cụ thể, tính năng này cho phép người dùng chuyển tiền nhanh cho người thân và bạn bè đã kết nối trên mạng xã hội Facebook, Google+ hoặc SMS đính kèm tin nhắn, hình ảnh, video clip, đoạn ghi âm.
Để chuyển tiền, người dùng đăng nhập vào ứng dụng F@st Mobile, chọn tính năng “Mạng xã hội”, chọn người nhận tiền từ mạng xã hội hoặc danh bạ điện thoại và nhập số tiền muốn chuyển. Hệ thống sẽ gửi thông báo đến người nhận qua mạng xã hội hoặc SMS. Để nhận tiền, người nhận sẽ liên hệ tại quầy giao dịch của Techcombank hoặc rút tiền tại máy ATM với mật mã được ngân hàng cung cấp trực tiếp qua điện thoại di động.
Theo Techcombank, các giao dịch này đã được ngân hàng tính toán chuyện bảo mật. Theo đó, người gửi khởi tạo mã bảo mật trong mỗi giao dịch để đảm bảo số tiền chuyển đến đúng người cần nhận. Người nhận cần nhập đúng mã số này mới rút được tiền.
-------------------------
Bộ Tư lệnh Hải quân rút kinh nghiệm, đóng mới 2 tàu tên lửa
Sáng 18.11, tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm triển khai dự án đóng mới tàu tên lửa 12418, chiếc số 1 và số 2 mang số hiệu HQ-377, HQ-378.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Hải quân chủ trì hội nghị.
Tàu tên lửa 12418 là một trong những lớp tàu tấn công hiện đại do Viện thiết kế Almaz, Liên bang Nga thiết kế. Tàu 12418, chiếc số 1 và số 2 nằm trong kế hoạch tổng thể của Chương trình 12418 được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đóng mới để đưa vào trang bị, nâng cao khả năng phòng thủ, sức mạnh chiến đấu theo lộ trình xây dựng lực lượng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Theo đó, từ năm 2009, Xí nghiệp liên hợp Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã ký hợp đồng đóng mới loạt 6 tàu tên lửa 12418 cho Quân chủng Hải quân trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ Li-xăng của Liên bang Nga.
Trong quá trình thực hiện dự án đóng mới, Xí nghiệp liên hợp Ba Son đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các chuyên gia Liên bang Nga để thi công, đóng mới theo đúng hợp đồng. Đến tháng 4.2014, chiếc số 1 và số 2 đã được nghiệm thu cấp Quân chủng Hải quân và cấp Bộ Quốc phòng... Đến tháng 6.2014, Ba Son đã tổ chức bàn giao 2 tàu này cho Quân chủng Hải quân, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Trên cơ sở đó, các ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị đã đánh giá những điểm mạnh, điểm còn hạn chế trong thi công đóng mới và nghiệm thu tàu; đồng thời kiến nghị các biện pháp thiết thực để tiếp tục triển khai đóng các cặp tàu còn lại đảm bảo đúng thiết kế, tiến độ, hợp đồng và phù hợp với điều kiện sử dụng của kíp tàu Hải quân Việt Nam.
-------------------------
Ngân hàng thế giới khuyến nghị không nên hạn chế xe máy
Tại hội thảo "Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy" diễn ra sáng nay 18.11, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị “chúng ta không nên hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý”.
Hội thảo do WB và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tại Hà Nội.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, xe máy chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông và là phương tiện chủ yếu của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, xe máy lại là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ tai nạn giao thông. Cụ thể, tai nạn giao thông với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ.
Theo WB, dù là phương tiện đi lại phổ biến nhưng hiểu biết của các thành phố về việc quản lý phương tiện hiện còn rất ít. Nghiên cứu của WB được thực hiện bằng cách phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng sở hữu và sử dụng xe máy tại đây.
Ông David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của WB cho biết, theo kết quả nghiên cứu, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững. Người dân cũng không sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại, mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường. Dù 95% người đội mũ bảo hiểm đánh giá an toàn là vấn đề quan trọng, nhưng chỉ 1/4 trẻ em dưới 16 tuổi đội mũ bảo hiểm.
Đáng nói, theo ông David Spice, người dân muốn chuyển sang phương tiện vận tải công cộng, nhưng với điều kiện như hiện nay, rất khó khuyến khích người dân từ bỏ xe máy chuyển sang phương tiện khác.
Các chuyên gia WB cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu xe máy. Bởi theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng ô tô, xe máy mới gây ra vấn đề giao thông ở Hà Nội, chứ không phải do sự gia tăng sở hữu phương tiện. Cụ thể, số km trung bình mà một phương tiện đi được giảm xuống khi số phương tiện/người trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn. “Vì vậy, chúng ta không nên hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý”, WB khuyến cáo.
-------------------------
Sớm thiết lập 'đường dây nóng' giữa các bên ở biển Đông
Ngày 18.11, Hội nghị khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tiếp tục diễn ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu trong và ngoài nước.
Hội nghị khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 6: Sớm đưa “đường dây nóng” vào hoạt động 1
Đánh giá về tình hình biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở biển Đông.
Theo các học giả, sự gia tăng căng thẳng gần đây tại biển Đông không chỉ có khả năng tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển tại khu vực mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông.
Về vấn đề này, có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp vì tin rằng chừng nào chưa có đối đầu trực diện thì tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì biển Đông còn thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử hoặc một Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, bên cạnh các yếu tố làm phức tạp thêm tình hình khu vực, có hai yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác tại biển Đông mà các bên cần phát huy là: nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế bao gồm việc đảm bảo năng lượng, quản lý và phát triển các nguồn hải sản; bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường vận tải biển quốc tế.
Cựu chuẩn đô đốc Kazumine Akimoto, Quỹ nghiên cứu chính sách hải dương - Nhật Bản cho rằng: “Nếu sự lưu thông trên các tuyến đường biển quan trọng bị gián đoạn thì hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của các nước trong khu vực giống như động mạch chính phân bổ vật chất để duy trì sự phát triển của nền kinh tế”.
Điều được nhiều học giả đặc biệt quan tâm, chia sẻ, đánh giá cao và mong muốn sớm triển khai chính là thiết lập “đường dây nóng” giữa các bên ở biển Đông. Các đại biểu cũng góp ý thẳng thắn và đề xuất giải pháp, về cơ chế hoạt động của “đường dây nóng” là phải quy định cụ thể bằng quy chế ràng buộc sử dụng “đường dây nóng” thông qua quy trình liên lạc, xử lý thông tin giữa người gọi và người nhận; thiết lập cơ chế “trực đường dây nóng” và các kênh kết nối “đường dây nóng” giữa các lực lượng khác nhau có mặt trên thực địa...
-------------------------