Trong khi kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề với bao điều mới mẻ và cả băn khoăn, lo lắng, thì câu chuyện tuyển thẳng, xét tuyển thẳng vào một số trường đại học (ĐH) danh tiếng lại được xới lên với bao điều đáng suy ngẫm. Một số trường ĐH dự kiến không tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhì, ba quốc gia đã khiến cả học sinh và phụ huynh cùng sốc.
Đoạt giải cao mà vẫn khốn khổ
Mới đây, trong thư gửi Báo CAND, một nhóm gồm 9 học sinh đang theo học tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã viết: “Chúng em đã đoạt giải nhì và ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Chúng em đều có niềm đam mê với môn Sinh và khát khao vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội để hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sỹ của mình. Trong những năm học vừa qua, chính sách ưu tiên tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào Trường ĐH Y Hà Nội là động lực lớn nhất thúc đẩy tinh thần học tập và quyết tâm đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của chúng em…
Mới đây chúng em được biết, năm nay Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến hai phương án cho các em đoạt giải nhì, ba quốc gia môn Sinh: hoặc là cộng điểm vào điểm của kỳ thi THPT quốc gia; hoặc là sẽ tuyển thẳng nếu các em có tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh đạt từ 21 điểm trở lên (năm 2014 là 15 điểm). Nếu ĐH Y Hà Nội chọn phương án cộng điểm thì quả thực đây là một cú sốc đối với chúng em và cũng là một sự thiệt thòi lớn”. Cuối lá thư, nhóm học sinh này đã đề xuất tới Bộ GD & ĐT, Bộ Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội xem xét, giữ nguyên chính sách ưu tiên xét tuyển như năm học 2014 để đảm bảo công bằng cho các em.
Cùng chung nỗi niềm, một phụ huynh cũng có con đoạt giải nhì quốc gia môn Sinh học đã gửi thư tới Báo CAND, trong đó cũng cho rằng, đây là quyết định đột ngột, gây khó khăn cho các cháu. Nếu Trường Đại học Y Hà Nội thay đổi chính sách tuyển sinh (cộng điểm) đối với các thí sinh đoạt giải nhì, giải ba cũng cần có lộ trình thực hiện, thông báo trước ít nhất 1 năm để học sinh có định hướng và phân bổ thời gian học tập phù hợp.
Gốc gác có phải do “bùng nổ” giải quốc gia?
Câu chuyện không thể tuyển thẳng tất cả các em đoạt học sinh giỏi quốc gia nhì, ba môn Sinh còn xảy ra với cả Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh. Theo khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh quy định: "Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải".
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo khoản 1 Điều 2 của Quy chế tuyển sinh thì các trường "Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7".
Theo lý giải của PGS.TS Trần Văn Nghĩa, với nội dung ở hai điều khoản trên, cần hiểu như sau: Các em đoạt giải nhất, nhì, ba của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành học theo quy định của Bộ, nhưng giải nào, vào ngành nào lại do trường đại học quy định. Điều này thể hiện quyền tự chủ của các trường đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học.
Trở lại câu chuyện vì sao các trường không thể tuyển thẳng hết học sinh giỏi quốc gia? Một nhà quản lý giáo dục cho hay, căn cốt của vấn đề chính là do số lượng giải quốc gia hiện nay quá nhiều. Chỉ riêng năm 2014 đã có 2.165 thí sinh đoạt giải/4.000 thí sinh dự thi, trong đó có địa phương như Hà Nội có đến 140 em đoạt giải (8 em đoạt giải nhất). Tiếp đến Hải Phòng có 85 em, Nghệ An 82 em, Hải Dương 81 em và Nam Định 78 em.
Cũng theo vị này thì việc “bùng nổ” số lượng học sinh giỏi quốc gia là do cách “thiết kế” giải mang tính “phong trào, mặt trận” rõ nét. Tức là chỉ cần đạt một mức điểm nào đó (ví dụ từ 18/20 điểm trở lên là được xếp giải nhất), không như thời trước, thí sinh đoạt giải nhất là thí sinh có số điểm thi học sinh giỏi cao nhất, nghĩa là chỉ có 1 giải nhất hoặc tối đa là 2 giải nhất/môn. “Có lẽ đã đến lúc phải loại bỏ tính mặt trận phong trào trong một cuộc thi đấu mang tính “chọn lọc và tinh” như học sinh giỏi quốc gia. Điều này còn loại trừ được tâm lý khoa bảng, chạy theo thành tích, loại trừ cả được tình trạng luyện “gà nòi”, nhà quản lý giáo dục này kiến nghị.
Thiết nghĩ, trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho những em đã miệt mài học tập và đoạt giải quốc gia thì mọi sự thay đổi cần có “độ trễ”, cần được thông báo trước cho các em học sinh tối thiểu 2 năm để học sinh không bị động. Về phía Trường ĐH Y Hà Nội, theo đề xuất của nhiều phụ huynh thì năm 2014, nhà trường đã chọn phương án tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhì, ba mà “qua sàn” 15 điểm, thì năm nay, để tránh đột ngột và đỡ bất công cho các em, có lẽ Hội đồng tuyển sinh nên cân nhắc sử dụng tiếp phương án chọn những em đạt sàn 21 điểm, thay vì phương án cộng điểm.
Năm 2014, một số trường ĐH thuộc lực lượng CAND cũng rơi vào tình cảnh không thể tuyển hết học sinh giỏi quốc gia vì số lượng quá nhiều, nên phải đưa các em vào diện “ưu tiên xét tuyển” trên nguyên tắc: đảm bảo số lượng tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh theo đối tượng nam, nữ của từng ngành.
Có trường, chỉ tiêu một số ngành, đặc biệt là chỉ tiêu dành cho nữ quá ít (chỉ 57), trong khi số lượng hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển gần bằng chỉ tiêu (50), nếu tuyển thẳng hết số hồ sơ này thì chỉ còn lại 7 chỉ tiêu, trong khi có đến hơn 2.000 thí sinh nữ dự thi, như vậy tỉ lệ chọi sẽ là hơn 1/300, quá bất hợp lý và không công bằng, đồng thời tạo tâm lý xã hội không tốt.
ĐH Y Hà Nội cũng đang dự kiến hai phương án ưu tiên xét tuyển đối với học sinh giỏi quốc gia giải nhì, ba môn Sinh học. Nhưng theo thống kê năm 2014 cả nước có hơn 150 em đạt giải nhất, nhì, ba quốc gia môn Sinh thì riêng Trường ĐH Y Hà Nội đã có 127 em nộp đơn thi vào.
Trong khi đó, ngành Bác sĩ đa khoa chỉ có 550 chỉ tiêu, áp lực tuyển sinh đối với nhà trường là rất lớn. Nhưng năm 2014, dù nhà trường chỉ yêu cầu các em đoạt giải nhì, ba quốc gia thi đại học chỉ cần đạt 5 điểm/môn sẽ được xét tuyển thẳng thì đã có 10 em không đạt.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho hay, việc giới hạn tuyển thẳng chỉ áp dụng cho ngành Bác sỹ đa khoa và Răng hàm mặt, còn các ngành khác vẫn tuyển thẳng cả giải nhì, ba. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh chỉ mong muốn vào ngành Bác sỹ đa khoa, còn các ngành khác không ai có nhu cầu. Để tăng chất lượng nguồn tuyển, năm nay, ĐH Y Hà Nội đang đề nghị Bộ GD&ĐT cho tuyển thẳng cả thí sinh đoạt giải nhất quốc gia môn Toán và Hóa.
------------------------
Sẽ ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với giáo dục đại học (ĐH).
Theo đó, có 10 tiêu chí đối với trường ĐH đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí gồm sứ mạng và mục tiêu, tổ chức và quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, tự chủ tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xếp hạng, sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động.
Ngoài dự thảo về 10 tiêu chí, Bộ GD&ĐT cũng đang đặt ra hai phương án cho việc công nhận cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia là giao cho một tổ chức độc lập đánh giá và công nhận hoặc do Bộ GD&ĐT công nhận.
Được biết, việc ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với bậc ĐH nhằm phấn đấu hướng đến hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục ĐH.
-----------------------
Xây mới, nâng cấp 60 cầu yếu, cầu kết nối trên các quốc lộ
Thủ tướng đã phê duyệt danh mục Dự án “Tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ”, sử dụng vốn vay ưu đãi do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Mục tiêu và kết quả chủ yếu của Dự án là xây mới, nâng cấp khoảng 60 cầu yếu, cầu kết nối trên các hệ thống đường quốc lộ trong phạm vi cả nước nhằm bảo đảm tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ, qua đó tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Về kinh phí thực hiện Dự án, vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc khoảng 100 triệu USD; vốn đối ứng trong nước khoảng 638 tỷ đồng, tương đương 30 triệu USD.
Thời gian thực hiện 4 năm từ khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các thủ tục phê duyệt Dự án.
-----------------------
Không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia
Ngay sau khi Bộ GTVT công bố chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không, các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đã liên tục gửi đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng…
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào thị trường hàng không, trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga, các dịch vụ khác đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Tại cuộc Hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” do Cục hàng không Việt Nam phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức ngày 8/4, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cảng hàng không sân bay có tính độc quyền là đương nhiên. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt vấn đề là làm sao để chống lạm dụng vị trí độc quyền”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam lại cho rằng, nếu một hãng hàng không hoặc một liên minh các hãng hàng không, được phép mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay, công trình kết cấu hạ tầng trong sân bay thì phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ được cung cấp tại sân bay. Nếu không, chính sự độc quyền này sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, một sân bay nói riêng và hệ thống sân bay nói chung là tài sản cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Do đó, nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân thì sẽ tạo ra những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định cho quốc gia.
Mặt khác, các hãng hàng không và khách hàng có thể không được tiếp cận với dịch vụ ở mức tốt nhất và sẽ tạo ra thế độc quyền nhất định cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần đảm bảo giá các dịch vụ cung cấp tại sân bay không quá cao. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hãng hàng không và của hành khách.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, một trong những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay là không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Vị này khẳng định, các sân bay của Việt Nam đều là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, trong đó có những sân bay nằm trong thế trận phòng thủ đất nước; mặt khác việc điều hành bay hàng không dân dụng gắn chặt với hoạt động quản lý, bảo vệ vùng trời được Nhà nước giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng.
Về an ninh hàng không, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cũng đã sửa đổi bổ sung quy định rõ ràng: việc xã hội hóa phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự tại cảng hàng không, sân bay; không được nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng thuộc khu bay của các cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ cung cấp dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, quản lý không lưu, tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay.
TS Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng:“Nếu thời gian chuyển nhượng ngắn sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư. Kể cả trong trường hợp chuyển nhượng được thì nhà đầu tư cũng sẽ hạn chế cung cấp tài chính để đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Ngược lại, nếu thời gian chuyển nhượng quá dài sẽ gây thiệt hại cho khả năng sinh lời của tài sản quốc gia nếu không có sự định giá phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế về thời hạn chuyển với các sân bay thương mại là 75 – 90 năm với những sân bay lớn. Một số quốc gia như Tây Ban Nha hạn chế thời gian chuyển nhượng kinh doanh tối đa là 40 năm”.
----------------------
Hà Nội có gần 57.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm học 2015-2016 số lượng tuyển vào hệ THPT của Hà Nội là 72.110 học sinh. Trong đó, tuyển vào các trường công lập là 56.840 học sinh (HS); các trường ngoài công lập là 15.270 HS.
Bên cạnh đó, tuyển vào các trung tâm giáo dục thường xuyên là 8.480 HS, trong đó, hệ THPT là 1.200 HS; hệ giáo dục thường xuyên là 7.280 HS và tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là 4.240 HS.
Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 11/6 với sự tham gia khoảng hơn 80.000 HS. Trong đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên tiếp tục thực hiện phương thức “Kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập và lớp 10 học chương trình THPT tại các trung tâm GDTX.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên sẽ tổ chức theo 2 vòng. Vòng một là sơ tuyển hồ sơ và vòng 2 là tổ chức thi tuyển đối với HS đã qua vòng sơ tuyển.
-----------------------