Trung Quốc công khai hình ảnh khách du lịch ra Hoàng Sa của Việt Nam
Bắc Kinh cho phép các phóng viên lên tàu đưa tin nhằm quảng bá về việc du khách nước này ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, động thái có thể gây phản tác dụng cho chính sách của Trung Quốc.
Theo hai phóng viên Peng Peng và Jack Chang của AP, hôm 14/9, một chiếc tàu chở theo 168 người Trung Quốc đi tới tham quan quần đảo Hoàng Sa, nơi cách đảo Hải Nam hơn 320 km. Những người này đua nhau chụp ảnh cùng lá cờ của Trung Quốc. Cách đó vài dặm, một tàu khu trục nhỏ của hải quân Trung Quốc lặng lẽ đi qua đi lại.
Chuyến du lịch này kéo dài 5 ngày với chi phí từ 1.200 đến 2.000 USD mỗi người. Tính từ tháng 5 năm ngoái đến nay, công ty du lịch của Trung Quốc đã đưa khoảng 3.000 người Trung Quốc tới quần đảo này. Các phóng viên AP là nhóm đầu tiên trong giới phóng viên nước ngoài tham gia.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hàng động này. Giữa tháng 7, Trung Quốc rút giàn khoan về đảo Hải Nam.
Bernard Loo Fook Weng, một giáo sư nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng việc "khuấy lên sự hăng hái của chủ nghĩa dân tộc" có thể mang lại kết quả trái với mong đợi của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, bởi rất có thể sau này họ lại chọn một cách tiếp cận hòa giải với các nước láng giềng cùng có tranh chấp ở Biển Đông.
"Chơi con bài dân tộc luôn tiềm ẩn nguy hiểm bởi bạn có thể mở cửa cho những lực lượng mà bạn không thể kiểm soát. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự muốn củng cố yêu sách ở Hoàng Sa và nếu cần thiết phải dùng đến quân đội, thì họ cần dân chúng đứng về phía họ", Weng nói.
Chính phủ Trung Quốc trả tiền cho dân đến sống ở Hoàng Sa. Ngư dân Fan Qiusheng, cũng như 18 người sống cùng, nhận được 220 USD mỗi tháng cùng với thực phẩm, nước uống, điện và các đồ dùng thiết yếu khác. Vợ ông và 5 đứa con sống ở Hải Nam, cứ hai tháng ông lại về thăm gia đình một lần.
Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ trái phép từ năm 1974. Hiện Trung Quốc triển khai hàng trăm quân ở Hoàng Sa và thậm chí xây dựng các trụ sở chính ở các đảo phía bắc.
Việt Nam liên tục phản đối các hành động vi phạm chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện, khẳng định sự chiếm đóng bằng vũ lực của Bắc Kinh với quần đảo Hoàng Sa là vô giá trị. Hà Nội khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
-----------------------
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hàn Quốc
Nhận lời mời của Tổng thống Park Geun-hye, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao VN rời Hà Nội lên đường thăm cấp nhà nước Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 1 - 4.10.
Cùng đi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có các thành viên: Trưởng ban Tổ chức trung ương Tô Huy Rứa, Chánh văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
-----------------------
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Canada
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Canada từ ngày 29-30/9/2014.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao John Baird. Hai bên bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian qua; trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới; nhất trí thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực, nhất là các lực vực Canada có thế mạnh và Việt Nam có yêu cầu như kinh tế - thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo; trao đổi về tình hình khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ đối tác toàn diện, ổn định, lâu dài với Canada; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; đồng thời, đề nghị phía Canada tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt tại Canada hòa nhập thành công vào xã hội sở tại và đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ đánh giá cao và ủng hộ Canada quan tâm, tăng cường quan hệ với ASEAN và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao John Baird đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, vai trò của Việt Nam ở khu vực, khẳng định Canada coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nhất trí hai bên phối hợp đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả; duy trì đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề còn khác biệt.
Kết thúc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao John Baird đã ký Thoả thuận giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada về hợp tác song phương.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Phát triển và Cộng đồng Pháp ngữ Christian Paradis, hai bên đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua, trong đó có hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Francophonie. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao việc tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách 25 nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Canada. Bộ trưởng Christian Paradis khẳng định Canada ủng hộ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của Việt Nam, cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam trong các lĩnh vực cải cách hệ thống ngân hàng, trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nghề, quản trị bền vững.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Ed Fast, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Canada mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản; Canada công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Bộ trưởng Ed Fast khẳng định Canada coi Việt Nam là một trong những nước thuộc ưu tiên chiến lược của Canada về thương mại, giáo dục, và viện trợ phát triển; bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại lên một bước phát triển mới
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Gerry Ritz, hai bên đánh giá cao hợp trongác về nông nghiệp giữa hai nước, cho rằng hai bên có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Gerry Ritz cam kết Canada sẽ trợ giúp Việt Nam về công nghệ sinh học, công nghệ gien, giống cây trồng là những lĩnh vực Canada có thế mạnh.
Trong các cuộc gặp với Lãnh đạo Quốc hội Canada, hai bên thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa cơ quan lập pháp giữa hai nước, trong đó có việc thúc đẩy hơn nữa các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa Quốc hội. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chuyển lời mời của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam mời Lãnh đạo Quốc hội Canada thăm Việt Nam và dự Diễn đàn liên nghị viện thế giới IPU 132 vào tháng 3/2015.
Trong thời gian ở Ottawa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã gặp gỡ và nói chuyện với đại diện kiều bào và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta tại Canada.
-----------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp thăm Đức
Tại cuộc họp báo diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 30/9, Đại sứ Đức tại Việt Nam, bà Jutta Gisela Frasch, cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới thăm Đức vào ngày 14-15/10/2014.
Cuộc họp báo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức (3/10/1990-3/10/2014) và kỷ niệm sự kiện 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989-9/11/2014).
Theo bà đại sứ, trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ điểm lại những kết quả mà hai nước đã thực hiện được kể từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011.
Hai bên cũng sẽ bàn về các biện pháp để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như nhiều lĩnh vực khác. Hai bên đồng thời cũng trao đổi các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm như tình hình xung đột tại Ukraine và một số khu vực khác trên thế giới.
Bà Jutta Gisela Frasch cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức đang phát triển rất tốt đẹp và sẽ được tiếp tục khẳng định qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên trong năm nay và năm 2015.
Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU và cam kết sẽ tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo bà Jutta Gisela Frasch, trong tháng 11 tới, Đức sẽ tổ chức Hội nghị Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Tp. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các bộ trưởng kinh tế và thương mại từ nhiều nước ASEAN cùng nhiều doanh nghiệp Đức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Đức sẽ khai mạc sự kiện này.
“Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Đức tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam và cũng là dịp để hai nước thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là qua việc thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có dự án Ngôi nhà Đức tại Tp. Hồ Chí Minh, biểu tượng cho quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia,” bà đại sứ nói. Bà bày tỏ hy vọng rằng dự án Ngôi nhà Đức sẽ được khởi công vào dịp Hội nghị Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra.
Theo bà Jutta Gisela Frasch, mảng giáo dục cũng là một trong những trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Đến nay đã có khoảng 800 học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Việt-Đức đặt tại tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch đến năm 2017, trường sẽ xây dựng một khu học xá tại đây.
Bên cạnh đó, từ năm 2013, tiếng Đức được công nhận là ngoại ngữ được giảng dạy chính thức tại nhiều trường học của Việt Nam.
Đến nay, một số doanh nghiệp của Đức hoạt động tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam đến thực hành, giúp thúc đẩy hợp tác đào tạo nghề giữa hai quốc gia.
Bà cũng cho biết thêm, Việt Nam và Đức sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2015. Cuối tháng 3/2015, Lễ hội Đức sẽ được tổ chức tại Việt Nam nhằm giới thiệu đến công chúng Việt Nam về văn hóa, con người nước Đức….
----------------------
Việt Nam xếp hạng trung bình về Chỉ số Theo dõi già hóa toàn cầu
Việt Nam xếp hạng thứ 45 về mặt tổng thể trong tổng số 91 nước được xếp hạng về Chỉ số Theo dõi già hóa toàn cầu.
Thông tin từ Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam cho biết: Năm 2014 có 91 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số Theo dõi già hóa toàn cầu. Bộ chỉ số xếp hạng này đánh giá dựa trên 4 nhóm tiêu chí là: An sinh thu nhập; Sức khỏe; Phát huy vai trò NCT và Môi trường sống của NCT. Na Uy là nước xếp hạng 1 về các chỉ số xếp hạng dành cho NCT.
Việt Nam xếp hạng trung bình (thứ 45) về mặt tổng thể trong tổng số 91 nước được xếp hạng. Trong đó chỉ số được xếp hạng cao nhất là Môi trường sống (thứ 31), cao hơn mức trung bình trong khu vực với 3 trong 4 chỉ số là: mối liện hệ xã hội (73%), mức độ tự do trong cuộc sống (78%) và mức độ hài lòng với phương tiện giao thông công cộng (71%). Thứ hạng Sức khỏe xếp thứ 36 với các chỉ số cao hơn mức trung bình của khu vực.
An sinh thu nhập được xếp hạng thứ 70 vì độ bao phủ lương và trợ cấp xã hội thấp hơn mức của khu vực (chỉ đạt 43,8%), lý do là độ tuổi nhận trợ cấp xã hội cao (đủ 80 tuổi trở lên). Xếp hạng về Phát huy vai trò NCT là thấp nhất trong 4 chỉ số xếp hạng (thứ 71) vì tỉ lệ biết chữ của NCT thấp và tỉ lệ NCT vẫn đang làm việc khá cao chiếm 69,5% trong tổng số NCT. Khoảng 51% NCT biết đọc và biết viết, 69,6% NCT có trình độ giáo dục cơ bản là tiểu học hoặc xóa mù chữ.
Theo Hội NCT Việt Nam, hiện nay khoảng 26% NCT có lưởng hương, 16% NCT (1,5 triệu người) đang nhận các hình thức bảo trợ xã hội, trong đó có khoảng 1,3 triệu NCT từ 80 tuổi trở lên. Như vậy mức độ bao phủ chung của trợ cấp xã hội chiếm tỉ lệ 43,8%.
Về y tế, hiện nay hệ thống y tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho NCT do thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa, thiết bị, cơ sở vật chất và ngân sách cần thiết.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê quốc tế và tại Việt Nam thì hiện có 69,5% NCT trong độ tuổi 55 - 64 và 60% NCT trong độ tuổi 60 - 69 vẫn đang làm việc hàng ngày. Công việc chủ yếu của NCT là làm việc nhà và không có thu nhập. Tỉ lệ làm việc cũng khác nhau theo độ tuổi, khu vực và giới tính, cụ thể là NCT nam và NCT tại các khu vực nông thôn thường làm việc nhiều hơn NCT nữ và NCT tại các thành thị.