Đài Loan ứng phó nguy cơ bị tấn công
Giới chuyên gia nhận định Đài Loan có những loại vũ khí và cơ sở phòng vệ đủ để cầm cự lâu nếu xảy ra xung đột với đại lục.
Những phát biểu mới của lãnh đạo Trung Quốc đại lục và Đài Loan cho thấy hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc, dù quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định Đài Loan sẽ không trở thành “Hồng Kông thứ 2” vì vùng lãnh thổ này có “hệ thống chính trị và giá trị dân chủ riêng”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lại ý tưởng thống nhất với Đài Loan theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng đối với Hồng Kông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho việc Đài Bắc đòi độc lập, theo hãng tin CNA. Những tuyên bố trên càng củng cố suy đoán Trung Quốc không loại trừ khả năng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan. CNA cũng dẫn báo cáo của Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho rằng Trung Quốc sẽ đạt khả năng tấn công toàn diện vào Đài Loan trước năm 2020 và đánh giá vùng lãnh thổ này có thể cầm cự khoảng một tháng, chưa tính đến sự can thiệp của Mỹ.
Vũ khí của Đài Loan
Không xét đến sự can thiệp từ bên ngoài thì xung đột Trung - Đài nếu xảy ra sẽ là một cuộc chiến không cân xứng, vì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh vượt hẳn Đài Bắc. Tuy nhiên, chuyên gia J.Michael Cole thuộc Đại học Nottingham (Anh) cho rằng Đài Loan có thể giành chiến thắng theo ý nghĩa là đạt mục tiêu đánh chặn, gây tổn thất lớn cho đối phương. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest, ông Cole chỉ ra Đài Loan có những vũ khí có thể giúp họ trụ lâu trong cuộc chiến. Đó là máy bay không người lái (UAV) vũ trang tầm xa; chiến đấu cơ đa nhiệm có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn; tên lửa hành trình tầm trung/xa và tàu ngầm. Theo chuyên gia này, UAV được trang bị tên lửa không đối đất có tầm hoạt động đủ để xâm nhập không phận Trung Quốc, góp phần nâng cao khả năng phân tán lực lượng đại lục. Bên cạnh đó, chiến đấu cơ hiện đại mua từ Mỹ có thể giúp Đài Loan làm suy yếu khả năng kiểm soát không phận ở eo biển Đài Loan của đối phương, thậm chí tiến tới không kích đại lục. Ngoài ra, máy bay có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc theo phương thẳng đứng có thể giảm mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Cole cho rằng nếu được nâng cấp tầm bắn từ 650 km hiện nay, tên lửa hành trình Hùng Phong (HF) sẽ giúp tăng khả năng tấn công sân bay và những cơ sở trọng yếu nằm sâu trong đại lục. Tàu ngầm Đài Loan được trang bị ngư lôi và tên lửa chống tàu HF-3, được ca ngợi là “sát thủ tàu sân bay”, cũng sẽ ngăn chặn nỗ lực xâm nhập vùng biển xung quanh đảo này. Bên cạnh khí tài, con người cũng là một nhân tố quyết định và theo chuyên gia Cole, lực lượng đặc nhiệm và dự bị tinh nhuệ được huấn luyện tốt của Đài Loan sẽ gây nhiều tổn thất cho lực lượng đổ bộ của đại lục dù thua sút về quân số.
Tăng cường sức mạnh trên biển
Cũng nhằm ứng phó nguy cơ bị tấn công, Đài Loan không ngừng hiện đại hóa lực lượng trên biển. Một số quan chức tiết lộ với tuần san Defense News về kế hoạch đóng mới khu trục hạm, tàu hộ vệ và tàu ngầm trong vòng 20 năm tới để thay tất cả các tàu chiến đang “lão hóa”. Cụ thể, Đài Loan sẽ đóng 4 khu trục hạm 10.000 tấn, 10 - 15 tàu đổ bộ, tàu hộ vệ 3.000 tấn, và 4 - 8 tàu ngầm 1.200 - 3.000 tấn. Ngoài ra, Đài Loan sắp đóng 8 - 12 khinh hạm tàng hình lớp Đà Giang sau khi hạ thủy chiếc đầu tiên hồi tháng 3.2014.
Nhà phân tích Nga Aleksey A Maslov nhận định với chuyên trang RTR-Planeta rằng khinh hạm Đà Giang có khả năng tác chiến điện tử làm vô hiệu hóa hệ thống radar, liên lạc trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Khinh hạm mới còn có khả năng mang 16 tên lửa chống tàu HF-2 và HF-3 cùng pháo Otobreda 76 mm, súng máy 12,7 mm. WantChinaTimes dẫn lời giới quan sát cho rằng trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đang tăng cường nhiều tàu chiến hiện đại, cuộc chiến bất đối xứng là lựa chọn duy nhất cho Đài Loan và khinh hạm Đà Giang sẽ góp phần đáng kể trong việc chặn đà tấn công của những tàu chiến lớn.
Những con bài của Trung Quốc
Trên chuyên san The National Interest, chuyên gia Michal Thim tại Đại học Nottingham cho rằng Trung Quốc sở hữu 4 loại vũ khí có thể đe dọa Đài Loan. Thứ nhất là tên lửa. Ông Thim cho rằng số tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung mà Trung Quốc đang chĩa về bên kia eo biển đến nay đã lên tới khoảng 1.600 quả. Thứ hai là hệ thống phòng không S-300 tiên tiến mua từ Nga với khả năng theo dõi các mục tiêu ở cách xa khoảng 300 km và tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc. Hai vũ khí lợi hại còn lại là tàu ngầm và tàu khu trục Type 052D. Chuyên gia Thim phân tích tàu ngầm đóng vai trò phong tỏa trên biển còn tàu Type 052D sẽ phá hủy các tàu chiến cũng như máy bay, UAV của Đài Loan.
-------------------------
Ukraine sa thải bộ trưởng quốc phòng
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 12-10 đã sa thải Bộ trưởng quốc phòng Valeriy Geletey trong một quyết định gây ngạc nhiên trước thềm đàm phán cấp cao với Nga.
AFP trích nguồn từ trang web chính thức của ông Poroshenko nói ông sẽ đề cử một bộ trưởng quốc phòng mới trong hôm nay 13-10 sau khi “chấp nhận đơn từ chức của” ông Geletey, người được bổ nhiệm hồi tháng 7.
Giới quan sát nhận định việc sa thải ông Geletey cho thấy sự thất bại của quân đội chính phủ trong khi cuộc xung đột với quân nổi dậy thân Nga vẫn kéo dài và số người chết từ các cuộc giao tranh đã lên đến hơn 3.400 người. Ông Geletey cũng là bộ trưởng quốc phòng Ukraine thứ 3 bị cách chức năm nay. Có những đồn đoán nói Tổng thống Ukraine đã không hài lòng với năng lực của bộ trưởng quốc phòng trong việc tổ chức các cuộc tấn công vào quân nổi dậy.
Việc sa thải ông Geletey cũng được đánh giá sẽ đe dọa vị thể của ông Poroshenko trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Puin ở Milan vào 17-10 này. Cuộc gặp sẽ có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel. Matxcơva nói bà Merkel đã gọi điện cho ông Putin hôm 12-10 để thảo luận việc chuẩn bị cho cuộc gặp ở Milan.
Ông Poroshenko nói ông không ảo tưởng về cuộc gặp thứ 4 với ông Putin kể từ khi lên cầm quyền từ hồi tháng 5. Ông nói với người dân trên truyền hình đêm 12-10: “Cuộc đàm phán sẽ không hề dễ dàng nhưng tôi đã sẵn sàng. Mục tiêu của tôi là nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ, tính không thể xâm phạm của biên giới của nước ta và sự trở lại của hòa bình”.
Trước đó, như AFP cho biết, ông Putin hôm 11-10 đã ra lệnh cho khoảng 17.600 lính Nga triển khai gần biên giới Ukraine rút về căn cứ của mình. Đây là một động thái mà giới quan sát cho rằng Nga đã muốn các lệnh cấm vận của phương Tây được rút lại. Điện Kremlin nói ông Putin cho rút quân khỏi khu vực biên giới đơn giản vì thời gian huấn luyện mùa hè đã kết thúc.
-------------------------
Hàn Quốc đề nghị bắt giữ ba ngư dân Trung Quốc
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ngày 12-10, cảnh sát biển tại TP Mokpo (cách Seoul 410 km) đã đề nghị bắt giữ ba ngư dân trên tàu đánh cá Trung Quốc 80 tấn đánh bắt trái phép trong vùng biển Hàn Quốc gần đảo Wangdeung thuộc quận Buan (tỉnh Bắc Jeolla).
Ba ngư dân đã có hành vi sử dụng vũ lực chống cự khi cảnh sát biển kiểm tra tàu đồng thời cản trở cơ quan thi hành pháp luật. Cảnh sát biển cho biết các ngư dân kể trên đã sử dụng vũ khí nguy hiểm đe dọa và định bóp cổ cảnh sát biển để tránh khỏi bị bắt. Thuyền trưởng đã bị một sĩ quan cảnh sát biển bắn và được đưa đến Bệnh viện Mokpo nhưng đã chết trên đường cấp cứu.
Trong quá trình kiểm tra tàu cá Trung Quốc, năm sĩ quan cảnh sát biển bị thương. Hãng tin Yonhap cho biết quá trình kiểm tra được ghi hình và nhiều ngư dân Trung Quốc đã thừa nhận sử dụng vũ lực. Cảnh sát biển cho biết sẽ tiếp tục điều tra đối với các ngư dân còn lại, sau đó căn cứ kết quả điều tra sẽ có đề nghị tiếp theo.
Trước đó, đêm 11-10 tại Trung Quốc, Tân Hoa xã đưa tin Trợ lý ngoại trưởng Lưu Kiến Siêu đã triệu đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Kwon Young-se đến để phản đối thuyền trưởng Trung Quốc bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắn chết. Ông Lưu Kiến Siêu đề nghị Hàn Quốc điều tra, trừng phạt người sai trái và xử lý vụ này thích hợp.
-------------------------
Bùng nổ biểu tình tại nhiều trường đại học Ai Cập
Ngày 12/10, sinh viên nhiều trường đại học lớn tại Ai Cập đã tổ chức biểu tình phản đối các công ty an ninh tư nhân, lực lượng quân đội và cảnh sát, cũng như đòi phóng thích các bạn học đang bị giam giữ.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tại Đại học Cairo nằm ở tỉnh Giza, hàng trăm sinh viên tụ tập hô khẩu hiệu phản đối chính quyền và các vụ bắt giữ người biểu tình gần đây. Trong một tuyên bố trên trang Facebook chính thức của mình, Bộ Nội vụ cho biết cuộc biểu tình thu hút ít nhất 220 thành viên của tổ chức "Anh em Hồi giáo" (MB) song không làm gián đoạn các hoạt động học tập. Lực lượng an ninh đã được triển khai trong khuôn viên trường để giải tán đám đông.
Trong khi đó, cảnh sát đã buộc phải dùng đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tại khu dành cho sinh viên nam của Đại học Al-Azhar, một cơ sở thuộc nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập.
Theo người đứng đầu Hội sinh viên của trường, đám đông sinh viên biểu tình đã đập phá 3 cổng soi chiếu điện tử mới được lắp đặt, phản đối việc Tổng thống trực tiếp chỉ định ban giám hiệu các trường đại học - quy định vốn được bãi bỏ sau làn sóng biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011, cũng như việc tuyển dụng các công ty an ninh tư nhân và việc triển khai các biện pháp an ninh mới như xây tường rào, lắp đặt các camera quan sát.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ cho biết hàng chục sinh viên Đại học Alexandria cũng tổ chức biểu tình đòi phóng thích các bạn học đang bị giam giữ, đốt pháo và hô khẩu hiệu chống quân đội và cảnh sát. Hàng trăm sinh viên Đại học Ain Shams ở Đông Bắc Cairo, Đại học Helwan ở phía Nam Cairo và Đại học Mansoura tại khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile cũng tổ chức biểu tình phản đối chính quyền.
Theo thống kê của bộ trên, ít nhất 78 sinh viên đã bị bắt giữ trong hai ngày 11-12/10. Đại diện Phong trào thanh niên 6/4 - lực lượng từng đi đầu trong làn sóng nổi dậy đầu năm 2011 - cho biết nhiều sinh viên bị bắt giữ là những người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo bị phế truất Mohamed Morsi hoặc thành viên của nhóm "Sinh viên chống đảo chính", lực lượng từng phát động làn sóng biểu tình trong các trường đại học ở Ai Cập trong suốt năm học 2013-2014 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Đại học Ai Cập El-Sayed Abdel-Khalek, tất cả các sinh viên tham gia biểu tình trong ngày đều được camera an ninh ghi lại và chính thức bị đuổi học ngay chiều cùng ngày.
Các cuộc biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau lễ khai giảng vốn đã bị trì hoãn hơn hai tuần lễ. Đây là dấu hiệu dự báo một năm học mới không yên ắng, bất chấp việc chính quyền đã áp dụng hàng loạt biện pháp an ninh, tái lập quyền kiểm soát đối với ban lãnh đạo các trường đại học và cấm mọi hoạt động chính trị trong môi trường học tập nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình tái diễn.
Năm 2013, các trường đại học ở Ai Cập trở thành địa điểm đấu tranh chính của phe Hồi giáo sau khi chính quyền triển khai chiến dịch trấn áp quy mô lớn nhằm vào những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi. Ít nhất 16 sinh viên đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực với lực lượng cảnh sát. Ngoài hơn 500 sinh viên bị đình chỉ và đuổi học, khoảng 1.000 sinh viên khác bị bắt giữ, trong đó nhiều người bị phạt tù trong các phiên xét xử hàng loạt.
Nhằm lập lại trật tự, Nội các Ai Cập mới đây đã sửa đổi một đạo luật cho phép người đứng đầu các trường đại học sa thải các giảng viên "gây xáo trộn quá trình học tập" và cấm họ "tham gia, kích động, tạo điều kiện thuận lợi" cho các cuộc biểu tình. Các trường đại học cũng ra lệnh cấm các hoạt dộng chính trị trong khuôn viên trường. Ngoài ra, chính phủ Ai Cập cũng bãi bỏ lệnh cấm triển khai lực lượng an ninh trong khuôn viên các trường đại học.
-------------------------
IMF lo ngại kinh tế toàn cầu gặp rủi ro
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, và các nước cần cẩn trọng để việc thắt chặt ngân sách không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của IMF, tại cuộc họp thường niên ngày 11/10 tại Mỹ, nhận định: Kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn, Khu vực sử dụng đồng euro có nguy cơ rơi vào suy thoái, còn kinh tế Mỹ phục hồi quá yếu ớt không thể làm tăng thu nhập. Một số nước đối mặt với tăng trưởng chậm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức quá cao. Trong đó, sự yếu kém của nền kinh tế châu Âu bị IMF coi là mối quan ngại hàng đầu.
IMF đã kêu gọi các nước thực hiện cải cách mạnh mẽ trên thị trường lao động và an sinh xã hội nhằm giải phóng tiền của chính phủ, đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương thận trọng khi thay đổi chính sách để tránh gây sốc cho các thị trường tài chính. Mặc dù không nhắc cụ thể tới ngân hàng trung ương nước nào nhưng lời cảnh báo được cho là nhằm vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này dự định chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng trong tháng 10.
Trong bối cảnh đó, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2014 từ 3,4% xuống 3,3%. Đây là lần thứ ba IMF giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2014.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhấn mạnh: “Để đấu tranh với đói nghèo, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể là một biện pháp hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn”. Trước đó, WB đã khởi động một sáng kiến về Cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm hỗ trợ các dự án ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
-------------------------