Nhiều nước trong khu vực phát triển đội tàu ngầm
Hai yếu tố then chốt sẽ định hình các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là việc Trung Quốc thay đổi chiến thuật tranh chấp biển tại biển Đông và nhiều quốc gia phát triển vững chắc đội tàu ngầm, Defense News (Mỹ) mới đây dẫn nhận định của cựu Tư lệnh Hải quân Nhật Bản Yoji Koda.
Vấn đề trọng yếu nằm ở chỗ các nước ASEAN (cả nước có yêu sách và nước không yêu sách chủ quyền trên biển Đông) sẽ điều chỉnh phản ứng ra sao trước chiến lược của Trung Quốc là tăng cường thay đổi hiện trạng trên biển, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế với Đông Nam Á. Phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc cũng sẽ tác động vấn đề.
Hãng xếp hạng tài chính Standard & Poor’s (Mỹ) nhận định, căng thẳng biển Đông và khủng hoảng Ukraine sẽ vẫn là những rủi ro địa chính trị lớn nhất trong năm 2015. Sức mạnh chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục phủ bóng lên mối quan hệ quyền lực đang lên đối với một số nước láng giềng. Bắc Kinh có thể tiếp tục các hoạt động thăm dò phi pháp mới tại biển Đông; tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có khả năng tiếp tục kéo dài quan hệ căng thẳng với một số nước láng giềng.
Theo cựu Tư lệnh Hải quân Nhật Koda, rõ ràng Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng trong 8 tháng đầu năm 2014. Nhưng sang tháng 9/2014, Bắc Kinh có vẻ thay đổi thái độ, từ bỏ chiến thuật nặng tay hơn. Một trong những lý do có thể là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn làm dịu căng thẳng tình hình biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2015 sẽ được tổ chức tại Philippines.
Trung Quốc đã sử dụng các cuộc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để làm dịu bớt sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với nước này. Trong khi đó, mục tiêu thực sự của Trung Quốc vẫn không rõ ràng, cách tiếp cận mới của họ tiếp tục khuấy động biển Đông.
Có nhiều cách phản ứng khác nhau đối với hành động của Trung Quốc, nhưng một số chỉ báo cho thấy, nhờ những hành động mới đây của Trung Quốc trên biển Đông, các nước trong khu vực bắt đầu thu hẹp quan điểm khác biệt trong đàm phán COC, ông Koda nhận định.
Một yếu tố chuyển hướng chiến lược khác là phản ứng của khu vực trước tham vọng xây dựng hải quân của Trung Quốc. Nhiều chương trình phát triển đội tàu ngầm đang được tiến hành.
Indonesia vừa khởi động chương trình với 2 tàu ngầm Type-209 mua của Hàn Quốc và lên kế hoạch sắm thêm 12 tàu tới năm 2020.
Hải quân Malaysia đang vận hành hai tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha chế tạo, trong khi Singapore sở hữu 6 tàu ngầm Thụy Điển sản xuất. Theo Defense News, những đội tàu ngầm của hải quân các nước trong khu vực sẽ tạo lực cản mạnh mẽ đối với lực lượng tàu mặt nước, nhất là kế hoạch triển khai nhóm tàu sân bay chiến đấu ở biển Đông trong tương lai.
-------------------------
Cuộc đua quyết liệt dưới đáy biển
Khoảng 80%-90% thiết bị khảo sát địa chất có trên thị trường quốc tế không được phép bán cho Trung Quốc
Tàu ngầm Giao Long của Trung Quốc vừa có cú lặn sâu đầu tiên ở Ấn Độ Dương vào đầu năm 2015 trong nỗ lực tìm kiếm kim loại quý. Đây là một phần của dự án thám hiểm Ấn Độ Dương kéo dài 120 ngày với nhiệm vụ thu thập các mẫu khoáng sản có chứa đồng, kẽm và những kim loại quý, như vàng, bạc… Tàu còn lấy mẫu đá, cặn và nước tại những địa điểm được chọn lựa.
Thăm dò, khai thác khoáng sản
Báo Times of India (Ấn Độ) hôm 5-1 nhận định dự án trên cho thấy “cơn đói” tài nguyên của Bắc Kinh. Vào năm ngoái, Giao Long thực hiện chuyến thám hiểm khoa học dài 52 ngày ở Tây Bắc Thái Bình Dương (kết thúc vào tháng 8-2014).
Trung Quốc cho biết các hoạt động lặn nêu trên diễn ra trong khu vực mà nước này được cấp phép thăm dò. Trước đó, Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển tài nguyên biển Trung Quốc (COMRA) ký hợp đồng với Cơ quan Đáy biển quốc tế (một cơ quan liên chính phủ có trụ sở chính ở Jamaica) để nghiên cứu vùng biển rộng 10.000 km2 năm 2011.
Trung Quốc gia nhập cuộc chơi này hơi muộn, trong khi các nước phát triển như Đức, Mỹ và cả Nhật Bản đã bắt đầu thăm dò tài nguyên ở đáy biển vào những năm 1980. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc còn tin rằng nước này chưa có đủ công nghệ, thiết bị cần thiết.
“Khoảng 80%-90% thiết bị khảo sát địa chất có trên thị trường quốc tế không được phép bán cho Trung Quốc. Họ lo ngại chúng ta sẽ sao chép thiết kế hoặc dùng trong quân sự bởi những bộ cảm biến địa chất cực nhạy có thể phát hiện và nhận biết tàu ngầm” - ông Vương Tú Minh, một chuyên gia về sóng siêu âm tại Viện Khoa học Trung Quốc, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông).
Cuộc chiến chống tàu ngầm
Cuộc đua dưới đáy biển không chỉ sôi động trong lĩnh vực săn khoáng sản quý mà còn lan sang quân sự. Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm thành công robot tự hành Hải Yến tại vùng nước sâu 1.500 m ở biển Đông.
Trang tin tiếng Hoa Đa Chiều ở Mỹ cho biết Hải Yến có thể được hải quân Trung Quốc cải tạo thành một loại robot chiến đấu và tuần tra dưới nước để bảo vệ chiến hạm và giàn khoan mà nước này kéo đến biển Đông. Bước đi này có thể khiến cộng đồng quốc tế lo ngại do Bắc Kinh có tranh cãi chủ quyền với nhiều láng giềng, trong đó có Tokyo.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất hợp tác với Úc để nghiên cứu và sản xuất tàu ngầm. Theo nội dung đề xuất được báo Mainichi đăng tải ngày 5-1, Nhật và Úc sẽ bắt tay phát triển loại thép đặc biệt và những vật liệu khác cho tàu ngầm. Tokyo phụ trách việc lắp ráp.
Tờ báo cho biết Úc có phản ứng tích cực với đề xuất và hai bên có thể đạt thỏa thuận vào cuối năm 2015. Bước đi này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tìm cách mở rộng vai trò quân sự cũng như nới lỏng những hạn chế tự áp đặt lên quân đội sau thế chiến thứ 2.
Trung Quốc cũng có thể là cái tên được Hải quân Mỹ nghĩ đến khi họ lên kế hoạch tăng đáng kể số phao âm dùng để chống tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương. Theo báo The Oregonian, số phao âm được triển khai dọc bờ biển các bang Oregon, Washington, Alaska và miền Bắc bang California dự kiến tăng từ 20 lên 720 trong thời gian tới. Theo một báo cáo mới đây của Quốc hội Mỹ, Hải quân Trung Quốc dự kiến đóng thêm khoảng 60 tàu ngầm và tàu mặt biển từ nay đến năm 2020.
-------------------------
Nhiều phụ nữ làm nô lệ tình dục ở Malaysia
Cảnh sát Malaysia vừa giải cứu 184 phụ nữ nước ngoài, trong đó có 136 người Việt Nam, được cho là nạn nhân của đường dây buôn người tại một hộp đêm ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia.
Đại diện lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia cho biết 60 cảnh sát hoàng gia và cảnh sát Kuala Lumpur đã tham gia cuộc truy quét hôm 3-1. Theo Nhật báo Tinh châu, vào thời điểm diễn ra bắt bớ, hộp đêm đó có khoảng 200 khách (cả người du lịch và cư dân địa phương). Rất nhiều người tìm cách tẩu thoát nhưng bị cảnh sát chặn lại. Cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông Malaysia làm quản lý và 13 nhân viên được thuê làm vệ sĩ của tụ điểm này.
Trong số 184 phụ nữ nêu trên, ngoài 136 người Việt Nam còn có 17 người Philippines, 17 Uzbekistan, 4 Indonesia, 4 Thái Lan, 4 Armenia và 2 người Nga. Những người này tuổi từ 21 đến 38, được cho là bị dụ dỗ sang Malaysia với lời hứa hẹn có việc làm lương cao. Tuy nhiên, khi tới đây, những kẻ lừa đảo ép họ phục vụ khách hộp đêm và trở thành nô lệ tình dục.
-------------------------
Israel dọa trả đũa Palestine mạnh mẽ hơn
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 4-1 cho biết ông đang thảo luận với Jordan về việc tiếp tục đệ trình dự thảo liên quan đến việc thành lập Nhà nước Palestine lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ông Mahmoud Abbas không từ bỏ hy vọng: “Chúng tôi đã thất bại. Chúng tôi sẽ đệ trình một lần nữa, tại sao không? Có lẽ sau 1 tuần”. Hồi tuần trước, Palestine thất bại trong khi thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trước cuối năm 2017.
Giới lãnh đạo Israel hôm 4-1 cũng đe dọa sẽ có các biện pháp đáp trả cứng rắn hơn sau khi Palestine nộp đơn xin gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Trước đó một ngày, Israel thông báo biện pháp trừng phạt đầu tiên là hoãn giao khoản thuế hàng tháng trị giá 125 triệu USD mà Tel Aviv thu hộ cho Palestine.
Quyết định xin gia nhập ICC hồi tuần rồi của Palestine đã làm cho Israel giận dữ. Palestine nói rằng họ có ý định dùng tư cách thành viên của mình trong ICC để kiện Israel về các tội ác chiến tranh.
Phát biểu trước nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Phía Palestine đã chọn thái độ đối đầu với Israel và chúng ta sẽ không ngồi yên”. Ngoài ra, ông cho biết thêm Israel sẽ không để binh lính của họ “bị kéo ra trước ICC”.
Về việc nộp đơn xin gia nhập ICC, Palestine dự trù sẽ được chấp thuận trong khoảng 60 ngày, mở đường cho việc khởi kiện phía Israel. Trước đây, Palestine nói rằng sẽ kiện Israel về chính sách xây dựng các khu định cư trong lãnh thổ mà phía Palestine coi là bị chiếm đóng bất hợp pháp, cũng như các hành động của quân đội Israel trong cuộc chiến mùa hè năm ngoái ở dải Gaza.
-------------------------